Lông thú thật & lông nhân tạo: Cái nào hại hơn?

Vì tính nhân đạo, nhiều người phản đối sử dụng lông thật. Nhưng lông nhân tạo liệu có là giải pháp thay thế bền vững khi nó kém thân thiện với môi trường?

Coco Chanel – biểu tượng thời trang thế giới đã từng khẳng định “nếu thực sự là một người sành điệu, hãy cố gắng sở hữu lấy một chiếc áo lông thú thật, dù chỉ một lần duy nhất trong đời”. Thực tế, trong ngành thời trang, lông thú thật chính là đỉnh cao và tạo nên xu hướng thời trang đột phá, thể hiện đẳng cấp và sự tinh tế. Những thiết kế bằng chất liệu lông thú sang trọng luôn được trình diễn đầy kiêu hãnh trên sàn diễn của các nhà mốt lừng danh như Gucci, Versace, Michael Kors, Jimmy Choo, Tommy Hilfiger, Calvin Klein, Stella McCartney, Tom Ford…

Lông thú là chất liệu tồn tại lâu đời trong lịch sử loài người

Lông thú là một trong những chất liệu tồn tại lâu đời nhất trong lịch sự phát triển loài người. Từ khi có sự sống, con người đã biết dùng lông thú để ủ ấm lúc thời tiết lạnh giá.

Những chiếc áo bằng lông động vật xuất hiện đầu tiên ở các nước châu Âu. Sau đó phổ biến rộng rãi ở xứ lạnh và được coi như một trang phục truyền thống của người dân một số vùng ở Bắc Cực, Scandinavia, Nhật Bản và Nga. Những bộ trang phục được làm từ nhiều loại lông thú khác nhau, phổ biến nhất là lông cáo, thỏ, chồn, hải ly, rái cá, chó, mèo, chó sói Bắc Mỹ, những loại thú có túi…
Bước vào thời trang ứng dụng, lông thú được xếp loại quý tộc vì sự sang trọng và đắt đỏ. Những chiếc áo, đôi găng tay, mũ đội đầu… được làm bằng lông thú thật chỉ giới nhà giàu mới đủ tiền mua.

Lông nhân tạo ra đời từ thế kỷ 20

Nhưng với các tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới, điển hình như PETA, lông thú không phải là sản phẩm phù hợp cho những sản phẩm may mặc. Các tổ chức này đã và đang cố gắng dùng mọi biện pháp để ngăn chặn các nhà thiết kế thời trang sử dụng lông thú thật trong bộ sưu tập của mình.

Từ những năm đầu thế kỷ 20, lông thú nhân tạo ra đời và có thể thay thế lông thú tự nhiên (lông thú thật). Đến thập niên 1950, lông nhân tạo trở nên thịnh hành. Lông nhân tạo đã được thị trường chấp nhận bởi nhiều yếu tố: chất liệu mềm mại, màu sắc phong phú, dễ dàng thiết kế, và đặc biệt giải quyết được vấn đề nhân đạo, không làm hại đến các động vật trong tự nhiên.

Tuy nhiên, liệu lông nhân tạo có phải là sự thay thế hoàn hảo cho lông thật? Câu trả lời có lẽ là không. Vì dù có ngừng giết động vật, nhưng việc sản xuất lông nhân tạo lại đang làm tổn hại đến một thứ khác to lớn hơn. Đó là môi trường.

lông thú thật

Loại lông nào có hại hơn?

Lông thú nhân tạo được chế tạo từ sợi polymer tổng hợp như acrylic, modacrylic và polyester. Đây chính là những thành phần cơ bản của chất liệu nhựa. Nói một cách “trần trụi”, lông thú giả cũng chỉ là đồ nhựa.

Không cần phải là các nhà nghiên cứu, có chuyên môn, bạn cũng có thể dễ dàng nhận thấy, nhựa không phải là chất liệu thân thiện với môi trường. Lông thú giả cũng cần phải được nghiêm túc xem xét về những tác hại có thể gây ra đối với môi trường sống. Đó là chưa kể đến quá trình sản xuất, may mặc, nhuộm màu cũng tạo ra không ít tác hại với môi trường.

Giết động vật lấy lông là vô nhân đạo?

Có ý kiến cho rằng việc giết động vật để lấy lông là vô nhân đạo, tội ác và góp phần gây ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái. Nhiều người coi đó là suy nghĩ cực đoan. Bởi lẽ, không phải bộ lông nào cũng có xuất xứ từ các xưởng lậu và giết thú vô tội vạ. Nhiều nước đã có những cơ sở gia công chất lượng và được cho phép. Một số nơi còn nuôi công nghiệp để lấy lông, điển hình như lông chồn. Việc nuôi lấy lông cũng giống như nuôi lấy thịt, phục vụ nhu cầu của con người.

Tuy nhiên, hàng năm, theo thống kê của các tổ chức phi chính phủ về bảo tồn môi trường, có hàng triệu động vật hoang dã bị giết hại để cung cấp da, lông, sừng cho ngành công nghiệp thời trang. Đó là một sự thật đáng buồn. Hội nhân đạo bảo vệ động vật PETA khẳng định: “Mặc trang phục làm từ lông hay sử dụng đồ da là bạn đang vô tình tắm máu của biết bao con thú vô tội và gián tiếp hủy hoại trái đất”. Phát biểu này đã nhận được rất nhiều sự đồng tình của người dân tại các nước phương Tây.

Lông thú thật vs lông nhân tạo: Đúng – sai khó phân định

Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra xung quanh việc lông thú giả – lông thú thật, cái nào gây hại hơn. “Cuộc chiến” giữa 2 loại lông này vẫn chưa có hồi kết. Đúng – sai, lợi – hại, rất khó để phân định.

Thay vì đi tìm câu trả lời cái nào hại hơn, bạn còn một giải pháp để lựa chọn. Đó là nâng cao nhận thức đầy đủ để thay đổi suy nghĩ và hành vi tiêu dùng của chính mình. Nên chăng, mỗi người chúng ta hãy mạnh dạn “nói không với lông thú” dù là thật hay giả, để bảo vệ môi trường sống bền vững cho chính bản thân và những người xung quanh?

Bài: Mai Trịnh
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua