Lên đường khám phá 10 cái thú chỉ có ở miền Tây Nam Bộ

Những ngày tháng hè mà xuôi về miền Tây thì đúng là “số dzách”! Vườn trái cây sum suê, chèo xuồng dọc theo con rạch rợp bóng dừa, ngắm từng đàn chim trời quay về tổ… Còn gì thú vị nữa?

du lịch miền Tây Nam Bộ

Mùa hè này hãy du lịch miền Tây Nam Bộ một chuyến nhé!

Trái cây miền Tây Nam Bộ có quanh năm. Nhưng mùa hè là thời điểm chín rộ với nhiều chủng loại, ngon và ngọt nhất. Còn chần chờ gì mà không tranh thủ cuối tuần, du lịch miền Tây Nam Bộ một chuyến về miệt vườn; và khám phá thêm những mới lạ chỉ có ở đây!

Lạc lối ở vườn trái cây sum suê

Những khu vườn quanh năm sai quả là đặc sản của các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Nơi này được coi là “vựa” trái cây lớn của cả nước nhờ vào lợi thế về thổ nhưỡng và phù sa sông Cửu Long bồi đắp. Tùy theo mùa và thời điểm mà mỗi vườn có những loại trái cây khác nhau. Tuy nhiên, mùa hè là mùa trái cây chính ở miền Tây. Chôm chôm, măng cụt, dâu xanh, bòng bong, xoài, bưởi da xanh… phải gọi là bao la. Du khách đến vườn trái cây được ăn “bao no”.

Chèo ghe khám phá sông nước

Nếu bạn từng chèo kayak thì chèo xuồng/ghe sẽ cho bạn cảm giác tương tự nhưng thú vị hơn. Bạn có thể sẽ phải phối hợp với người khác để cùng lèo lái chiếc ghe đi đúng hướng. Ban đầu sẽ khá chồng chành mỗi khi làn nước dậy sóng, nhưng lại rất đằm và lướt êm khi bạn vững tay chèo.

Địa hình miền Tây chủ yếu là kênh rạch chằng chịt. Do đó, không thiếu sông nước để bạn thể hiện mình là “tay chèo vàng”. Nếu tình cờ và may mắn đi ngang những cây ăn trái ven bờ, bạn sẽ được dịp tự tay hái ăn mà không lo người dân quở trách. Với người dân xứ này, trái cây là thức quà đãi khách, thể hiện tinh thần hiếu khách, chân phương và gần gũi.

Tát mương bắt cá là “đặc sản” của du lịch miền Tây Nam Bộ

Tát mương bắt cá

Về miền Tây mà không xắn quần lội mương, tát nước bắt cá thì còn gì vui nữa! Đây được xem là một nét văn hóa sông nước đặc trưng mà hiếm nơi nào có được. Nhưng với người thành phố, để tát mương bắt cá đúng nghĩa như người địa phương là điều không thể. Nó là công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng. Song bạn vẫn có thể thử ở “level” dễ.

Sẽ có những mương đào được rút cạn bớt nước. Cá do chủ nhà thả vào. Khách đến chỉ việc thay đồ bà ba, cầm vợt, rồi nhảy ùm xuống mương mà bắt. Cá thả không lanh như cá tự nhiên. Đôi khi chúng chỉ nằm yên đó chờ bạn bắt. Mặc dù nước cạn, việc bắt cá cũng chẳng dễ dàng gì. Những con cá lóc trơn tuột, cá trê có ngạnh bén dễ làm đứt tay, cả người bạn sẽ đầy bùn sình… Tuy vậy, đây sẽ là những trải nghiệm đáng nhớ.

Thưởng thức món quê dân dã

Được thiên nhiên ưu đãi sản vật phong phú và đa dạng, các món ngon ở miền Tây đều liên quan đến nguyên liệu đồng quê sẵn có. Đó là các loại cá đồng ít khi nào bạn tìm thấy ở siêu thị như cá linh, cá thòi lòi, cá chốt, cá sặc… Vịt cỏ, chuột đồng, lươn cũng được chế biến trở thành những món ngon mà bạn không nên bỏ lỡ khi đến xứ này.

Nếu có tham gia tát mương bắt cá, thành quả cho nỗ lực của bạn là những con cá béo múp. Lúc này, bạn có thể thử các món ăn chế biến giản dị nhưng đặc trưng của sông nước miền Tây như cá thui rơm, canh chua cá. Hoặc cầu kỳ hơn với cá kho trái giác, cá kho chấm bông súng trộn giấm và ăn cùng cơm trắng.

Áo bà ba và quấn khăn rằn

“Mặc quần áo” nói theo ngôn từ địa phương ở miền Tây là “bận đồ”. Về xứ này nhất định phải bận áo bà ba và quấn khăn rằn nhé. Áo bà ba tuy là trang phục đơn giản, không cầu kỳ, nhưng nó lại là biểu tượng thể hiện quan điểm sống của con người nơi đây. Đó là sự giản dị, chân thành và phóng khoáng.

Bồng bềnh ở chợ nổi

Đi chợ nổi trên sông ở miền Tây không chỉ để xem, để ngắm mà còn để cảm nhận một không gian sông nước miền quê rất đỗi bình yên. Ngày nay, chợ nổi không còn thịnh hành nữa, nên hoạt động buôn bán trên sông chủ yếu dành cho khách du lịch. Tuy không nhộn nhịp như ngày xưa, nhưng vẫn đủ khiến chúng ta thích thú.

Đang vào mùa chôm chôm, măng cụt và sầu riêng, nên bạn sẽ thấy những chiếc ghe chất đầy chôm chôm chín đỏ rực, hay “tím rịm” màu măng cụt chín. Đâu đó mùi thơm không lẫn vào đâu được từ những chiếc ghe xa xa chở sầu riêng. Còn nhiều loại trái cây khác. Mỗi ghe bán loại trái cây hay mặt hàng nào sẽ có một cây sào chống lên cao và treo lơ lửng món đồ/ trái cây như một cách quảng cáo.

Bạn cũng đừng quên trải nghiệm bữa sáng trên ghe. Thưởng thức món hủ tiếu, cháo lòng, bánh canh giò heo trong cảm giác bồng bềnh thật khó tả.

Khi đi du lịch miền Tây Nam Bộ, nhớ trải nghiệm cầu khỉ nhé!

Chinh phục cầu tre lắt lẻo khi du lịch miền Tây Nam Bộ

Cầu khỉ hay cầu tre là hình ảnh miền quê rất đỗi thân quen của đồng bằng sông Cửu Long. Việc con người đi qua chiếc cầu đong đưa, phía dưới là con nước, trên có tay vịn trông rất ngộ nghĩnh khiến cho người ta dễ dàng liên tưởng đến hình ảnh những chú khỉ dùng tay làm điểm tựa để di chuyển. Vì thế, tên gọi cầu khỉ mới ra đời.

Với vài cây tre, năm ba cây gáo, cây bần, cây cau, cây dừa, cây sao, cây sến; và thêm một mớ dây cổ rùa, dây mây rừng, dây choại, người miền Tây đã đóng thành cây cầu bắt qua con rạch/mương.

Những cây cầu đúc bằng xi măng dần dần xuất hiện rải rác hết khúc sông này đến đầu sông nọ. Các cây cầu tre cũng vì thế mất dần trên những con rạch, những dòng kinh đào khắp miền đồng bằng. Chúng chỉ còn hiện diện ở những khu du lịch sinh thái. Nếu có dịp, bạn nhất định phải trải nghiệm cảm giác giữ thăng bằng để đi qua cây cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi nhé!

Thăm làng nghề truyền thống

Trong hành trình khám phá miền Tây, sẽ thật là thiếu sót nếu không đến thăm những làng nghề truyền thống trứ danh. Hầu như mỗi tỉnh đều có làng nghề riêng. Ví dụ như làng nghề hoa kiểng Tân Quy Đông, Sa Đéc; làng nghề chằm nón lá Thới Tân A, Cần Thơ; làng nghề đan cỏ bàng Phú Mỹ, Kiên Giang; làng dệt chiếu Định Yên, Đồng Tháp; làng nghề nắn nồi đất Hòn Đất, Kiên Giang…

Những làng nghề truyền thống gắn bó lâu đời với người dân nơi đây. Bên cạnh việc sản xuất phục vụ nhu cầu sử dụng trong và ngoài nước, những làng nghề ở miền Tây cũng có những buổi thực hành ngắn cho du khách thử làm “nghệ nhân”. Dù bạn không khéo tay, nhưng hãy mạnh dạn thử một lần. Đó sẽ là trải nghiệm khó quên trong đời.

Học làm các món bánh quê

Một loạt món bánh ăn vặt quen thuộc như bánh da lợn, bánh bò, bánh ống lá dứa; bánh tằm khoai mỳ, bánh ít, bánh ú nước tro, bánh chuối… đều có xuất xứ từ miền Tây. Một khi đã về với “quê hương”; hương vị dân dã của những món bánh miền Tây hứa hẹn thỏa mãn tâm hồn ăn uống của bạn.

Cũng giống như những làng nghề truyền thống, bạn có thể tham gia các buổi tập làm bánh quê. Chúng không quá khó thực hiện. Thành phẩm bạn làm được có thể đem về tặng cho người thân hay bạn bè.

Nghe đờn ca tài tử

Đờn ca tài tử là một dòng nhạc dân tộc Việt Nam; và đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của người dân Nam bộ nói chung; và của miền Tây nói riêng. Dòng nhạc dân gian này có nguồn gốc từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế.

Trước kia, đờn ca tài tử là loại hình diễn tấu gồm 4 loại đàn gồm đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu, gọi là “tứ tuyệt”. Về sau, đờn ca tài tử được cách tân. Chỉ cần một cây đàn ghi-ta phím lõm, những người dân miệt vườn vẫn có thể cùng nhau sum họp sau buổi lao động vất vả và cất lên tiếng ca để trải nỗi lòng của mình.

Bạc Liêu được coi là cái “nôi” của đờn ca tài tử. Nhưng về miền Tây Nam Bộ, không riêng gì ở Bạc Liêu, mà đến nhiều tỉnh khác như Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Vĩnh Long… bạn đều được nghe những bản đờn ca tài tử thấm đượm nghĩa tình.

Thông tin thêm cho chuyến đi du lịch miền Tây Nam Bộ

Hành lý du lịch miền Tây Nam Bộ cần gọn nhẹ hết sức có thể. Bởi bạn có thể sẽ “tha” về nhà nhiều loại trái cây và đặc sản. Bạn nên đem theo túi/balo trống để đựng nhé. Như vậy vừa gọn gàng, vừa hạn chế sử dụng túi ni lông.

 Miền Tây mùa này mưa nắng xen kẽ, nên nhiệt độ tương đối dễ chịu, mát mẻ. Bạn chỉ cần mang áo dài tay hoặc áo khoác mỏng. Lưu ý, tránh mang đồ trắng hoặc màu sáng. Độ lầy lội bùn sình có thể làm hỏng quần áo của bạn.

 Bạn nên chọn loại giày dép dễ đi, thoải mái để dễ di chuyển lên xuống ghe.

 Nếu quên nón, bạn có thể mua nón lá.

 Miền Tây có rất nhiều muỗi, nhất là trong vườn trái cây. Vì vậy, bạn nên thủ sẵn kem chống muỗi.

 Nếu không có nhiều thời gian để đi qua các tỉnh du lịch miền Tây Nam Bộ, hãy lựa chọn đến các khu du lịch sinh thái miệt vườn. Những nơi này tựa như miền Tây thu nhỏ; cho bạn những trải nghiệm thú vị và đầy đủ không kém.

Địa chỉ du lịch miền Tây Nam Bộ cho bạn: Nhà Dì Sáu – Tiền Giang; Khu du lịch sinh thái Cồn Phụng – Bến Tre; Khu du lịch Mỹ Khánh – Cần Thơ; Khu du lịch làng Bè – Bến Tre; Khu du lịch sinh thái Đồng Sen Tháp Mười – Đồng Tháp; Khu du lịch sinh thái Vinh Sang – Vĩnh Long; Miệt vườn cù lao Tân Quy – Trà Vinh…

Bài: Alex Vo
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua