Hiện nay, việc một cô gái tại TP. HCM mù mắt; liệt nửa người sau khi tiêm filler nâng mũi được dư luận đặc biệt quan tâm. Trước đó, vụ án Cát Tường cũng là hồi chuông cảnh tỉnh khiến nhiều người… sờn lòng nếu muốn phẫu thuật. Chuẩn bị đón Tết, các cơ sở thẩm mỹ ngập tràn khuyến mãi. Nếu bạn quyết định thay nhan đổi sắc ăn Tết thì hãy suy nghĩ kỹ nhé bởi nếu chẳng may; phẫu thuật thẩm mỹ hỏng sẽ mang đến cho ta nhiều hệ lụy khó lường!
Không thể trở lại như ban đầu
Bạn chỉ có một cơ thể. Một khi bạn quyết định thay nhan đổi sắc bằng phẫu thuật thẩm mỹ; mọi thứ sẽ không bao giờ trở lại như ban đầu. Trên quảng cáo, rất nhiều trai kém đẹp; gái kém xinh lột xác thành hoàng tử, Lọ Lem. Những hình ảnh ấy kích thích ham muốn phẫu thuật của mọi người. Thế nhưng, cùng với đó, bạn sẽ chẳng bao giờ tìm lại “thuở ban đầu”, hạnh phúc cũng lặn mất tăm.
Phẫu thuật thẩm mỹ hỏng: Tốn tiền
Nâng mũi S line lần đầu có giá khoảng 40 triệu đồng; phẫu thuật lại là 45 triệu đồng. Nâng mũi S Line bằng sụn tự thân toàn bộ có giá lần đầu 70 triệu đồng. Khi sửa lại, bạn phải tốn thêm khoảng 10 triệu đồng.
Chi phí sửa lại “đồ hư”…
… luôn đắt hơn chi phí làm “đồ mới”. Đó là chưa kể, quá trình nghỉ việc để sửa chữa hư hỏng sẽ khiến bạn mất thu nhập; thậm chí mất việc. Và sửa rồi liệu có bền không? Không phải liệu pháp thẩm mỹ nào cũng đem lại hiệu quả vĩnh viễn. Ngay cả chẳng có biến chứng gì; sau 10 năm bạn vẫn cần phải thay túi ngực. Sau khoảng 5 năm bạn cũng phải treo lại chân mày do quá trình lão hóa tự nhiên làm mất hiệu quả của lần phẫu thuật đầu.
Vấp phải phản ứng của người khác
Câu chuyện một người mẹ Nga ôm con tự sát sau phẫu thuật nâng mũi; bị chồng chê bai như mũi heo tưởng như đùa; lại là chuyện có thực. Quả thật, bạn không thể kiểm soát được cách người khác phản ứng với diện mạo mới. Gia đình chê bai, đồng nghiệp bàn tán. Con trẻ thấy mẹ “ghiền” phẫu thuật có thể có cái nhìn lệch lạc. Thực tế, những sự thay đổi lớn của cơ thể thường mang tính chất may rủi. May thì đẹp hơn, rủi phẫu thuật thẩm mỹ hỏng thì… như bà mẹ Nga chúng tôi vừa đề cập.
Bạn có thể nghiện phẫu thuật thẩm mỹ
Chắc chắn, lúc đầu bạn sẽ nghĩ mình chỉ phẫu thuật một lần duy nhất. Nhưng vô số người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ đã nói điều tương tự thế. Hãy thử tưởng tượng phẫu thuật thẩm mỹ hỏng đơn giản như bạn nhuộm tóc nhưng kết quả lên màu lại không như ý. Khi ấy, bạn sẽ làm gì? Cố gắng làm cho tóc đẹp như ý bằng việc sử dụng nhiều thuốc nhuộm tóc hơn; thử nghiệm nhiều loại khác nhau?
Mái tóc thì có thể cứu vãn. Còn các bộ phận khác? Chẳng lẽ bạn cắt phéng đôi mắt, chiếc mũi, bộ ngực, đôi má… khi kết quả thẩm mỹ không như ý? Không thể nào! Đâm lao đành phải theo lao! Bạn sẽ mắc kẹt trong chu kỳ luẩn quẩn của phẫu thuật, không hài lòng và lại phẫu thuật.
Tăng nguy cơ trầm cảm và tự sát
Phía sau những cuộc phẫu thuật thẩm mỹ hỏng là “đại dịch” thất vọng; dẫn đến làn sóng tự tử. Laura Pillarella, tác giả người Mỹ, là một trong số ấy. Sau khi vực dậy khỏi nỗi thất vọng, cô đã viết một cuốn sách Chasing Beauty: My Cosmetic Surgery Takeover.
Xáo trộn sự cân bằng của cơ thể
Bác sĩ Anne Wallace, trưởng khoa phẫu thuật thẩm mỹ Đại học California; Mỹ, cho hay, bất cứ khi nào bạn làm xáo trộn sự cân bằng cơ thể; bạn có nguy cơ tạo ra những vấn đề mới cho chính cơ thể. Ví dụ, hút mỡ có thể làm giảm vòng eo; nhưng lại làm mỡ phân bố không đồng đều khi bạn tăng cân trở lại. Một khi tăng cân trở lại, mỡ thường sẽ tập trung ở vùng bụng trên; lưng và cánh tay, khiến vóc dáng trông mất cân đối, thiếu thẩm mỹ. Một ví dụ khác, tiêm botox quá nhiều có thể làm đầy gương mặt, xóa nếp nhăn nhưng nó có thể làm tê liệt các cơ mặt, làm mặt cứng đơ, nhìn kỳ quái, thiếu biểu cảm.
Bài: NGUYỄN XOA
Tiếp Thị Gia Đình