“Giải oan” cho paraben trong mỹ phẩm

Paraben là thành phần khiến nhiều người tránh né khi chọn mua mỹ phẩm. Thế nhưng, hóa chất này không phải lúc nào cũng gây hại như chúng ta nghĩ

sự thật về paraben trong mỹ phẩm

Paraben trong mỹ phẩm có thật sự độc hại như những lời đồn? (Ảnh: Shutterstock)

Những năm gần đây, paraben chịu nhiều “tai tiếng” trong làng mỹ phẩm. Chính vì vậy, các hãng hay quảng cáo sản phẩm của họ “không chứa paraben”. Vậy thực sự paraben có gây hại đến sức khỏe không? Và tại sao các nhà sản xuất vẫn thích thêm thành phần này vào sản phẩm của họ?

Lý do paraben có trong mỹ phẩm

Thuật ngữ “paraben” là từ viết tắt của axit para-hydroxybenzoic. Nó được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1930. Hiện nay, hợp chất này là một trong những chất bảo quản dược mỹ phẩm được sử dụng rộng rãi nhất thế giới.

Paraben thực chất là một nhóm chất bảo quản có công dụng kháng khuẩn, kháng nấm mốc. Vì vậy, nó được dùng trong mỹ phẩm để ngăn ngừa sự biến tính của các thành phần, giúp kéo dài tuổi thọ của sản phẩm.

Mỹ phẩm chứa paraben bao gồm mỹ phẩm trang điểm, sản phẩm dưỡng da, chăm sóc tóc, kem cạo râu… Hợp chất này còn được dùng trong thuốc y tế và thực phẩm.

Các paraben phổ biến trong mỹ phẩm là methylparaben, propylparaben, butylparaben và ethylparaben. Những dẫn xuất paraben này thuộc nhóm chuỗi ngắn. Thông thường, nhà sản xuất sẽ phối hợp các gốc paraben với nhau để đạt hiệu quả bảo quản tối ưu.

Paraben trong mỹ phẩm có thật sự gây ung thư?

sự thật về paraben trong mỹ phẩm

(Ảnh: Shutterstock)

Paraben giúp bảo quản mỹ phẩm được lâu hơn. Hóa chất này từng được xem là xenoestrogen. Đây là các phân tử tổng hợp tương tự estrogen trong cơ thể, gây mất cân bằng nội tiết tố. Vì thế, người ta nghi ngờ hóa chất này gây ra ung thư vú và vô sinh. Thông tin này được lan rộng vào những năm 1990. Đến năm 2004, nữ tiến sĩ người Anh Philippa Darbre tìm thấy paraben trong các khối ung thư vú. Sau đó, bà khuyến cáo chúng ta nên hạn chế sử dụng mỹ phẩm chứa paraben. Và kể từ đó cho đến nay, paraben bị người dùng “kỳ thị” nhiều nhất.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ, bác sĩ da liễu Harold Lancer – thành viên của Viện Da liễu Mỹ và cũng là nhà sáng lập của Trung tâm chăm sóc da Lancer, paraben trong mỹ phẩm hoạt động trong cơ thể như một loại hormone. Tác dụng của nó tương tự như estrogen. Quá nhiều estrogen sẽ dẫn đến ung thư vú. Nhưng chỉ khi nào lượng hormone này cực kỳ lớn thì mới dẫn đến ung thư.

Tiến sĩ, bác sĩ Dennis Gross – chủ của hãng mỹ phẩm nổi tiếng cùng tên nói rằng, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào có kết quả cho thấy paraben gây ung thư và các loại bệnh khác. Ông lưu ý rằng trong nghiên cứu của tiến sĩ Philippa Darbre, loại paraben gây ung thư vú là paraben chuỗi dài. Nhóm này bao gồm isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben. Các nước châu Âu đã đề nghị loại bỏ 5 chất dẫn xuất này. Khối ASEAN cũng thực hiện lệnh cấm tương tự. Đa số mỹ phẩm hiện nay chỉ chứa paraben chuỗi ngắn.

Vậy chúng ta có nên tiếp tục dùng mỹ phẩm chứa paraben?

paraben trong mỹ phẩm

(Ảnh: Shutterstock)

Dường như không có câu trả lời là “có” hay “không” cho câu hỏi này. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và FDA đã nhìn nhận paraben dựa trên quan điểm thực nghiệm và từ khía cạnh dược liệu. FDA tuyên bố không có lý do gì để người dùng bận tâm khi sử dụng mỹ phẩm chứa paraben. Nhưng họ sẽ tiếp tục thu thập thông tin và nghiên cứu vấn đề này. Tổ chức này khẳng định rằng nếu paraben trong mỹ phẩm có bất kỳ nguy cơ gây hại nào thì họ sẽ cảnh báo ngay lập tức để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Tiến sĩ Lancer khuyên rằng, chúng ta nên đánh giá mức độ an toàn của mỹ phẩm dựa vào hàm lượng paraben chứ không thể nào tránh hoàn toàn được. Theo đó, một sản phẩm an toàn cho làn da lẫn sức khỏe sẽ có lượng paraben dưới 0,5%.

Điều bất ngờ là paraben là một trong những chất bảo quản ít gây dị ứng nhất trên thị trường hiện nay. Do đó, paraben thực chất không gây hại cho sức khỏe như nhiều người vẫn nghĩ.

Tiến sĩ Dennis Gross cũng lưu ý thêm rằng một sản phẩm khẳng định không chứa paraben không có nghĩa là nó không chứa các thành phần gây hại khác. Mỗi thành phần hóa học đều có mặt lợi và hại riêng.

Vì vậy, là người tiêu dùng, bạn cần lựa chọn sản phẩm phù hợp với mình dựa vào hàm lượng của tổng thể các thành phần; chứ không nên quyết định độ an toàn dựa trên một thành phần duy nhất. Đồng thời, đừng để bị đánh lừa bởi những sản phẩm không rõ nguồn gốc nhưng lại dán nhãn “không chứa paraben” (paraben-free).

Bài: Krist Tran
Tiếp Thị Gia Đình

>> Xem thêm: THỰC HƯ TÁC DỤNG CỦA VIÊN UỐNG CHỐNG NẮNG

Đừng bỏ qua