Chì trong mỹ phẩm và những hiểm hoạ khó lường

Mỹ phẩm chứa chì không chỉ gây hại cho da mà còn có thể gây ngộ độc, rối loạn ngôn ngữ, hành vi và trí tuệ

hiểm hoạ từ chì trong mỹ phẩm

Không chỉ có nữ giới mà nam giới cũng có nguy cơ nhiễm độc từ chì trong mỹ phẩm (Ảnh: Shutterstock)

Chì là kim loại nặng, không mang lại chút lợi ích nào cho sức khỏe. Ấy vậy, nó có mặt ở khắp nơi trong cuộc sống, từ môi trường đất, nước, cho đến thực phẩm và mỹ phẩm.

Điều nguy hiểm là, vẫn còn nhiều mỹ phẩm chứa chì. Nó là một dạng tạp chất không thể nào tránh khỏi. Thậm chí lượng chì vượt quá mức cho phép. Nhưng khi nghe những lời quảng cáo với tác dụng biến hóa nhan sắc thần kỳ, người dùng dễ dàng phớt lờ thành phần chì trong mỹ phẩm.

Vì sao chì có mặt trong mỹ phẩm?

Năm 2007, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Chiến dịch Mỹ phẩm an toàn (Campaign for Safe Cosmetics) đã thực hiện nghiên cứu về thành phần chì trong son môi. Kết quả nghiên cứu từ một phòng
thí nghiệm cho thấy, 61% trong số 33 thương hiệu son nổi tiếng ở Mỹ đều chứa chì.

Đến năm 2010, FDA thực hiện một nghiên cứu nữa và phát hiện thêm chì có mặt trong hơn 400 loại son khác nhau. Trong các sản phẩm làm đẹp, chì là thành phần tạo độ bám dính và độ mịn. Mỹ phẩm càng chứa nhiều chì thì sẽ càng lâu phai.

Chì là thành phần có sẵn trong tự nhiên. Ngay cả bầu không khí chúng ta đang hít thở cũng chứa một lượng chì nhất định, rất khó để tránh khỏi. Ngoài ra, các màu sắc trong son hầu hết đều có nguồn gốc từ các chất khoáng trong lòng đất. Do đó chúng sẽ chứa các nguyên tố tự nhiên, bao gồm cả chì. Điều này hoàn toàn bình thường và không phải do nhà sản xuất cố tình thêm vào.

Tác hại của chì trong mỹ phẩm đối với sức khỏe

Chì là chất độc thần kinh, tác nhân gây ung thư vô cùng nguy hiểm. Các chuyên gia đều đồng tình rằng không hề có giới hạn an toàn nào dành cho chì. Lượng chì trong mỹ phẩm ít thì triệu chứng nhiễm độc nhẹ, gây tăng huyết áp và thiếu máu. Lượng chì nhiều thì sẽ gây hại thần kinh, rối loạn ngôn ngữ, hành vi, nhận thức, phá hủy các cơ quan nội tạng, gây mất cân bằng hormone, vô sinh và thậm chí là tử vong.

Các nhà sản xuất luôn trấn an khách hàng khi nói rằng lượng chì trong son rất ít. Nhưng họ phớt lờ sự thật rằng lượng chì trong mỹ phẩm có thể tích tụ dần theo thời gian. Nghiên cứu của Đại học California cho thấy, nếu phụ nữ thoa son thường xuyên, từ 2 – 14 lần mỗi ngày, sẽ tương đương với việc nuốt hoặc hấp thụ 87 mg lượng mỹ phẩm. Hãy thử tưởng tượng khi lượng chì này tích tụ qua từng năm sẽ nhiều đến mức nào.

Đối với phấn trang điểm, kem lót, kem nền chứa chì, thời gian đầu khi mới sử dụng, da sẽ trắng sáng đáng kể. Nhưng nếu bạn ngưng sử dụng thì da sẽ sạm đi thấy rõ. Ngoài sạm da, chì còn khiến da bị nám, mụn, tàn nhang, nhanh lão hóa hay nặng hơn là sẹo rỗ.

Không chỉ nữ giới có nguy cơ nhiễm độc chì và nam giới cũng không thể tránh khỏi với các sản phẩm nhuộm tóc. Trẻ có thể nghịch phá mỹ phẩm cũng là đối tượng có nguy cơ nhiễm chì. Điều này cực kỳ nguy hiểm bởi chì khiến trẻ chậm phát triển về trí óc lẫn thể chất.

Vẫn có thể giảm thiểu tác hại của chì

Tuy nhiên, FDA luôn kiểm soát chặt chẽ giới hạn các chất có trong mỹ phẩm. Theo đó, mức chì trong son ở ngưỡng an toàn là 10 ppm. Những cây son chứa lượng chì nằm ở mức an toàn vẫn được phép lưu hành. Mỹ phẩm chứa chì là điều không thể tránh khỏi. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên ngừng sử dụng mỹ phẩm.

Để giảm thiểu tác hại của chì trong mỹ phẩm đối với sức khỏe, bạn nên chọn mua những thương hiệu nổi tiếng và đọc kỹ thành phần trong mỹ phẩm. Ưu tiên những sản phẩm chứa bơ hạt mỡ (shea butter), jojoba… và có chỉ số chống nắng an toàn cho môi.

Hãy tỉnh táo trước những lời quảng cáo có cánh về các loại mỹ phẩm “không chứa chì” với giá rẻ. Thương hiệu nổi tiếng chắc chắn sẽ đắt đỏ hơn. Nhưng đó là cái giá hoàn toàn xứng đáng để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho làn da.

Tiếp Thị Gia Đình

Bài: Krist Trần

Đừng bỏ qua