Trên thị trường làm đẹp hiện tại, có rất nhiều loại mặt nạ, từ loại homemade đến các sản phẩm được sản xuất riêng cho từng loại da, cực kỳ dễ dàng và tiện lợi. Tuy nhiên, hiệu quả của chúng đến đâu? Bên cạnh sản phẩm tốt, bạn còn phải học cách đắp mặt nạ đúng nữa. Mặt nạ cũng như thuốc bạn uống vậy, nếu sử dụng không đúng, chúng sẽ gây ra các tác dụng phụ mà phổ biến nhất là làm khô da và thúc đẩy mụn phát triển!
Các bước để có cách đắp mặt nạ đúng
Chọn mặt nạ theo da
Chẳng phải ngẫu nhiên mà các hãng mỹ phẩm sản xuất đủ loại mặt nạ khác nhau. Đó là bởi mỗi người có một loại da riêng và cần một loại mặt nạ chuyên biệt.
√ Da thường, da khô: Nên chọn mặt nạ hydrogel kết hợp với a-xít hyaluronic, giúp tăng cường độ ẩm cho làn da. Tránh mặt nạ đất sét, bùn vì chúng sẽ làm khô da.
√ Da thường, da nhờn: Nên chọn mặt nạ bột cao su. Kết cấu dày, đặc của loại mặt nạ này giúp loại bỏ tạp chất cùng tế bào chết, đồng thời nuôi dưỡng và làm sáng da.
√ Da dầu, mụn: Nên chọn mặt nạ đất sét kết hợp với a-xít citric hoặc lactic, giúp cân bằng dầu trên da bằng cách điều tiết bã nhờn dư thừa và se lỗ chân lông.
√ Da lão hóa: Nên chọn mặt nạ ngủ (Water Sleeping Mask). Với loại mặt nạ này, bạn để qua đêm và thức dậy với làn da tươi mới. Khi cơ thể ngủ sâu cũng là lúc làn da phục hồi mạnh mẽ, các dưỡng chất từ mặt nạ sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất.
Đắp mặt nạ sau khi tắm
Đa số bạn gái thường dùng cách đắp mặt nạ trước rồi tắm để nhờ vòi hoa sen rửa sạch phần mặt nạ vừa đắp. Tuy nhiên, nếu bạn làm ngược lại, nghĩa là tắm trước khi đắp mặt nạ, làn da của bạn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn đấy!
Nước ấm từ vòi hoa sen sẽ tạo ra hơi nước, giúp mở rộng các lỗ chân lông, loại bỏ tối đa bụi bẩn để các dưỡng chất trong mặt nạ dễ dàng thấm sâu vào nuôi dưỡng làn da của bạn.
Đừng dùng ngón tay
Thay vào đó, bạn nên sử dụng một chiếc thìa sạch hoặc dụng cụ chuyên biệt để đảm bảo hai lợi ích. Thứ nhất là ngăn ngừa việc mang vi khuẩn lên da khiến cho làn da dễ bị viêm nhiễm, nổi mụn. Thứ hai là ngăn ngừa vi khuẩn tấn công vào hũ mặt nạ, khiến cho sản phẩm của bạn giảm chất lượng, nhanh bị hư hỏng.
Trong trường hợp không có dụng cụ, bạn có thể tạm dùng ngón tay với điều kiện ngay trước khi thoa, phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng kháng khuẩn. Đừng quên rửa sạch dụng cụ sau mỗi lần sử dụng và để khô trước khi cất giữ.
Rửa lại với nước ấm
Trước khi rửa mặt, bạn có thể dùng vải sạch ẩm, nhẹ nhàng gột bỏ mặt nạ trên da. Nước lạnh không dễ loại bỏ bã mặt nạ đã bắt đầu khô lại, nhưng nước nóng lại quá khắc nghiệt với lỗ chân lông. Bởi thế, giải pháp tốt nhất chính là nước ấm. Nhiệt độ vừa phải giúp làm sạch gương mặt dễ dàng mà vẫn an toàn, không làm khô da.
Hãy nhớ đọc kỹ hướng dẫn cách đắp mặt nạ, đừng để mặt nạ quá lâu trên da bạn nhé. Bạn chỉ nên để từ 15–20 phút hoặc theo đúng hướng dẫn của từng sản phẩm, không để mặt nạ quá khô, nứt nẻ. Để lâu không giúp bạn hấp thu thêm nhiều dưỡng chất mà còn hút độ ẩm từ da và gây kích ứng làn da của bạn đấy.
Kết thúc bằng chút toner sau khi đắp mặt nạ
Ai cũng đều biết tầm quan trọng của việc thoa kem dưỡng ẩm sau khi đắp mặt nạ, nhưng hầu hết mọi người lại bỏ qua bước sử dụng toner, vốn cũng quan trọng không kém. Thoa nước hoa hồng giúp se khít lỗ chân lông, khóa lại tất cả các chất dinh dưỡng mà da nhận được từ mặt nạ. Ngoài ra, nước hoa hồng cũng hỗ trợ các loại kem dưỡng ẩm bạn sử dụng sau đó, tăng khả năng thâm nhập sâu hơn, giữ làn da mịn màng, trẻ trung.
Bài: Xoa Nguyễn
Tiếp Thị Gia Đình