Trong bài viết này, hãy để TTGĐ bật mí chu trình dưỡng tóc sao cho chuẩn và những điều nên – không nên khi chăm sóc tóc .
Có 4 bước chính trong thói quen chăm sóc tóc hàng ngày của hầu hết mọi người. Bao gồm làm sạch, xả tóc, tạo kiểu bằng nhiệt và sấy khô
Làm sạch tóc
Độ chắc khỏe của tóc bắt nguồn từ da đầu. Vì vậy làm sạch hoàn toàn gàu và bụi bẩn là điều vô cùng quan trọng. Với mái tóc mỏng, việc gội đầu thường không quá khó khăn. Miễn là bạn nhớ xoa dầu gội qua gáy vì mọi người thường bỏ sót vị trí này. Về phần tóc dày, hãy làm ướt và chia đều tóc thành nhiều lọn. Cách này giúp dầu gội có tính chất dưỡng ẩm thấm sâu vào da đầu tốt hơn.
Tần suất gội đầu cũng như loại dầu gội phù hợp với bạn sẽ được chọn dựa trên chất tóc. Chất tóc dày nên sử dụng dầu gội dưỡng ẩm, kết hợp với dầu dưỡng. Trong khi đó chất tóc mỏng cần tránh các sản phẩm có chứa dầu. Tốt nhất là chọn dầu gội có khả năng tạo độ phồng cho tóc bạn nhé!
Dưỡng ẩm với dầu xả
Luôn dùng dầu xả sau khi gội đầu bởi đây là bước phục hồi độ ẩm cho sợi tóc. Với chất tóc mỏng, chuyên gia chăm sóc tóc khuyên bạn nên thoa dầu xả lên phần đuôi tóc, đặc biệt là ngọn tóc.
Tránh để dầu xả tiếp xúc với chân tóc vì nó có thể gây ra tình trạng bết dính. Tùy vào mức độ khô xơ của tóc mà bạn điều chỉnh tăng giảm lượng dầu xả sao cho phù hợp. Dĩ nhiên, một mái tóc dày sẽ cần dầu xả “nặng đô” hơn so với tóc bình thường.
Tạo kiểu bằng nhiệt
Bất luận bạn sở hữu chất tóc gì thì cũng cần bảo vệ tóc khỏi nhiệt khi sử dụng các công cụ tạo kiểu như máy là, máy uốn tóc. Hãy cố gắng tuân thủ các quy tắc tạo kiểu bằng nhiệt để bảo vệ tóc của bạn. Ví dụ như dùng mức nhiệt thấp nhất mà vẫn cho ra kết quả như ý.
Để tóc khô tự nhiên
Thật tốt khi bạn cho tóc nghỉ ngơi bằng cách hong khô tự nhiên và “tạm biệt” các thiết bị sấy nhiệt. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc chẳng làm gì cả, bạn nên dùng sản phẩm có kết cấu nặng để khóa ẩm và tạo kiểu cho mái tóc dày. Các loại kem đặc và gel pha dầu là sự lựa chọn hoàn hảo.
Tóc mỏng cần sản phẩm có kết cấu nhẹ như mousse, nhằm nâng chân tóc giúp chúng trông dày hơn. Sau khi tóc khô, đừng cố gắng tạo kiểu thêm bởi tóc đang trong tình trạng dễ rối.
>> Xem thêm: Chớ dại tẩy tóc khi chưa đọc bài viết này!
Bí kíp giữ tóc khỏe đẹp
Các chuyên gia khuyên chúng ta gội đầu cách ngày, hoặc 2-3 ngày/lần. Nếu thấy tóc tiết nhiều dầu, da đầu ngứa và bong tróc do bụi bẩn thì đó là lúc bạn cần gội đầu. Sử dụng dầu gội khô giữa các lần gội để hút bớt dầu và tăng độ bóng cho tóc. Phấn rôm cũng khá hiệu quả. Nó hấp thụ các chất tích tụ trên da đầu trong lúc bạn ngủ, đồng thời giúp tóc trở nên mềm mại vào sáng hôm sau.
Những thói quen gây hại cho tóc
Không thường xuyên cắt tỉa tóc
Ngay cả khi đang cố gắng nuôi tóc dài, bạn cũng nên cắt tỉa tóc thường xuyên để giữ cho chúng khỏe mạnh. Việc cắt tỉa một chút sẽ giúp tóc tránh được tình trạng hư tổn do xơ rối phần đuôi. Bạn nên dùng một chiếc kéo thật bén để cắt bỏ phần tóc chẻ ngọn. Đặt lịch hẹn với thợ cắt tóc chuyên nghiệp cũng là cách hay để đảm bảo tóc luôn được chăm sóc tốt.
Tóc bết dầu nhưng lại ham gội đầu
Jonathan Colombini – Giám đốc sáng tạo của L’Oréal Paris khuyên người sở hữu mái tóc nhanh bết dầu không nên gội đầu hàng ngày. Bởi hành động này thúc đẩy quá trình sản xuất dầu thừa, khiến cho da đầu nhờn bết hơn. Thay vào đó, hãy sử dụng xen kẽ dầu gội khô vào những ngày không gội đầu.
Tạo kiểu bằng các thiết bị nhiệt
Bạn chỉ nên tạo kiểu khi tóc đã khô hoàn toàn. Ngoài ra, tạo kiểu bằng nhiệt từ ngày này qua ngày khác sẽ khiến tóc hư tổn nặng nề. Thói quen tai hại này sẽ làm cho tóc mất nước, dẫn đến tóc giòn và gãy rụng. Hạn chế tần suất tạo kiểu bằng nhiệt từ 1-2 lần/tuần và đừng quên dùng kèm các sản phẩm bảo vệ tóc.
Tiếp Thị Gia Đình