Dưỡng da mùa dịch cùng đá massage gua-sha

Dùng gua-sha tại nhà có thể thay thế cho những buổi massage ở các spa làm đẹp. Để dưỡng da an toàn trong mùa dịch, bạn hãy sớm "tậu" gua-sha nhé!

gua-sha

Ảnh: Shutterstock

Sau thanh lăn bằng ngọc jane-roller, các tín đồ làm đẹp lại tiếp tục chào đón gua-sha, một liệu pháp nổi tiếng đến từ nền y học cổ truyền Trung Quốc. Đây là một dụng cụ massage được chế tạo từ các loại đá quý như thạch anh hồng, ngọc bích. Những chuyển động nhịp nhàng từ thanh đá này trên da sẽ thúc đẩy đào thải độc tố ra ngoài và giúp da được tuần hoàn máu.

Gua-sha là gì?

Trong tiếng Trung, từ “gua” có nghĩa là “cạo”; và từ “sha” mang hàm ý “bệnh tật”. Hình dáng phổ biến nhất của gua-sha gồm có hình trái tim và hình cánh. Mỗi hình dạng đều mang đến công dụng làm đẹp khác nhau. Với gua-sha hình trái tim sẽ phù hợp cho những ai muốn tạo độ thon gọn cho gương mặt. Trong khi đó, hình cánh sẽ có chức năng nâng cơ theo các đường nét của mũi, miệng.

Ngoài hình dạng, chất liệu của từng loại gua-sha cũng có thể mang đến các kết quả khác nhau. Gua-sha thạch anh hồng sẽ giúp làm dịu da và phù hợp với những làn da nhạy cảm. Ngọc bích sẽ có khả năng làm sạch, giảm viêm nên sẽ hỗ trợ tốt cho những người có vấn đề về da.

Tác dụng chính của gua-sha

Việc dùng gua-sha tại nhà có thể thay thế cho những buổi massage ở các spa làm đẹp. Mặc dù hiệu quả làm thon gọn mặt không đáng kể nhưng gua-sha vẫn mang lại một vài kết quả nhất định. Nếu duy trì đều đặn, bạn sẽ sớm có được làn da như mơ ước. Dưới đây là những lợi ích mà bạn sẽ nhận được khi thực hiện massage bằng gua-sha:

Kính thích tuần hoàn máu.

Thải độc tố cho da.

Thư giãn và giải toả căng thẳng.

Giúp các dưỡng chất được hấp thu tốt hơn.

Có thể làm mờ nếp nhăn và giảm bớt bọng mắt.

Cách massage mặt cùng gua-sha

Để gua-sha phát huy hiệu quả tối đa, bạn cần nắm rõ cách thực hiện các thao tác massage cho từng vùng da riêng biệt. Trước khi tiến hành massage, bạn hãy làm sạch da mặt. Sau đó, thoa 1 lớp serum chuyên dụng hoặc dầu dưỡng lên bề mặt đá và da. Khi trượt gua-sha lên mặt, bạn cần thao tác thật nhẹ nhàng và chậm rãi. Ở mỗi vùng da, bạn có thể lặp lại từ 5 – 10 lần.

Cách massage

Ảnh: Shutterstock

Vùng trán: Dùng phần vát thẳng trượt từ đầu lông mày lên thái dương.

Vùng má: Bắt đầu từ phần vách mũi trượt lên má và đi sát tới mang tai.

Vùng mắt: Dùng 1 góc nhỏ trượt nhẹ từ khoé mắt ra ngoài.

Vùng xương hàm: Đặt phần hõm vào xương ở cằm. Sau đó, trượt theo đường xương hàm lên đến mang tai.

Vùng cổ: Dùng phần vát thẳng trượt theo chiều từ dưới lên trên.

Lưu ý

Liệu pháp gua-sha chỉ nên dùng từ 2 – 3 lần/tuần.

Nếu cảm thấy da nổi mẩn đỏ sau khi vừa sử dụng, bạn không nên quá lo lắng. Đó chỉ là quá trình mà bạn dùng đá tạo áp lực lên da nên sẽ nhanh chóng biến mất.

Trong quá trình massage, các mạch máu dưới da có thể bị vỡ. Nếu xuất hiện vết bầm hoặc chảy máu nhỏ, bạn có thể chườm đá lên vùng da này để giảm mẫn cảm.

Những vết thương hở, da đang nổi mụn hoặc cháy nắng không nên sử dụng gua-sha.

Sau khi sử dụng xong, hãy vệ sinh dụng cụ bằng nước muối loãng rồi rửa lại bằng nước sạch. Tránh dùng chung để không gây viêm nhiễm da.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua