Ở động vật, mùi hương toát ra từ cơ thể là phương tiện giao tiếp không lời và có quyền năng rất lớn trong việc thu hút đối tượng khác giới. Tuy nhiên, ở con người, mùi cơ thể có thể làm người khác “cao chạy xa bay”. Đặc biệt, vào những ngày thời tiết trở nên nóng như “đổ lửa” cũng là lúc mùi cơ thể trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng. Để khắc phục và hạn chế mùi hôi xuất hiện, bạn hãy tham khảo các bí quyết sau:
Thay đổi chế độ ăn
Ngoài chứng tăng tiết mồ hôi, mùi hôi từ cơ thể còn xuất phát từ thói quen ăn uống. Một số thức ăn có tính kích thích như tỏi, hành tây, thực phẩm cay nóng; hay thực phẩm chứa caffeine hoặc món ăn nhiều dầu mỡ… cũng được cho là thủ phạm gây nên mùi hôi khó chịu cho cơ thể nếu ăn thường xuyên và lâu dài. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế ăn các món có hàm lượng lưu huỳnh cao như măng tây, cải xoong…
Để giảm mùi hôi hiệu quả, bạn nên ăn thức ăn thanh đạm như các loại hạt, trái cây, thức ăn tươi và chú ý uống nhiều nước. Chính thói quen uống nhiều nước sẽ làm tăng quá trình chuyển hóa và đào thải chất cặn bã, từ đó giúp giảm mùi hôi trên cơ thể.
Giữ cơ thể luôn khô ráo
Da thường đổ mồ hôi để bài tiết chất thải ra ngoài. Tùy vào lối sống và mức độ sinh hoạt mà lượng mồ hôi sẽ sản sinh nhiều hay ít. Vì vậy, tắm là giải pháp nhanh chóng giúp hạn chế cơ thể tiết ra mồ hôi trong vài tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, một số người thường chỉ lau qua sơ sau khi tắm. Chính sơ suất nhỏ nhặt này lại có thể khiến độ ẩm bị kẹt giữa các lớp da. Từ đó khiến không khí khó lưu thông và dễ khiến vi khuẩn và nấm sinh sôi. Sau đó kết hợp với mồ hôi gây ra mùi cơ thể.
Vì vậy, sau khi tắm hoặc vệ sinh xong, bạn hãy làm khô toàn bộ cơ thể của mình và chú ý vào vùng da dưới cánh tay hoặc vùng kín nhé. Bên cạnh đó, để hạn chế mùi hôi cơ thể, bạn nên chọn các loại trang phục có chất liệu thoáng, nhẹ và thấm hút tốt. Vào những ngày mùa hè oi bức bạn tuyệt đối không được mặc quần áo bó sát.
“Dọn cỏ” cho vùng da dưới cánh tay
Tuyến mồ hôi ở nách sẽ bắt đầu phát triển từ tuổi dậy thì. Theo các chuyên gia, mùi khó chịu phát sinh là do sự bài tiết mồ hôi và tác động của vi khuẩn. Vì vậy, một vùng da quá “rậm rạp” sẽ dễ trở thành môi trường ẩm ướt và tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.
Đặc biệt, khi thời tiết nóng hoặc nếu bạn hoạt động mạnh, mồ hôi sẽ càng nhiều. Lúc này, tình trạng nặng mùi trở nên nghiêm trọng hơn. Để vệ sinh vùng nách, bạn có thể dùng nhíp. Tránh dùng dao cạo vì sẽ dễ để lại các vết trầy xước trên da. Từ đó, tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn hoạt động. Ngoài ra, bạn cũng còn 1 cách tối ưu khác là triệt lông nách.
Dùng “trợ thủ” đúng cách
Một số người có thói quen sử dụng lăn nách vào buổi sáng và cả ban đêm. Tuy nhiên, điều này không cần thiết. Tiến sĩ Julia Tzu (Mỹ) khuyên dùng sản phẩm khử mùi 1 lần/ngày và hạn chế dùng lúc đi ngủ. Việc kiềm hãm liên tục quá trình tiết mồ hôi sẽ dễ gây kích ứng da và bí bách cho vùng nách. Bên cạnh đó, vào buổi tối, cơ thể tiết ra ít mồ hôi hơn.
Ngoài ra, bạn cũng nên làm sạch cơ thể trước khi dùng sản phẩm khử mùi. Cách làm này giúp hạn chế mùi hôi trở nên nồng nặc hơn. Nếu dùng bình xịt, bạn hãy chú ý giữ khoảng cách tối thiểu từ 15 – 20cm trên da và xịt dứt khoát. Không sử dụng xịt khử mùi sau khi tắm hay đang ra mồ hôi. Bởi khi đó cơ thể của bạn đang ẩm ướt làm vi khuẩn dễ sinh sôi.
Vào mùa hè, thời tiết thường nóng nực, bạn hãy chọn lăn khử mùi dạng khô hoặc sáp khử mùi. Tránh dùng dạng gel vì sẽ dễ gây ra vệt ố trên áo.
Kết
Nếu đã áp dụng hết tất cả các cách nhưng mùi hôi vẫn không thuyên giảm, bạn nên đi khám tại bệnh viện. Các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chữa tăng tiết mồ hôi hiệu quả như phẫu thuật hoặc nội soi để cắt đi tuyến mồ hôi.
Tiếp Thị Gia Đình