Một tháng sau Brexit, khi nước Anh quyết định rút khỏi liên minh châu Âu EU sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, ngành công nghiệp làm đẹp của xứ sương mù có sự phát triển vượt bậc. Một báo cáo trong tháng qua cho biết, các spa và trung tâm làm đẹp tại Anh nhận được hàng loạt các cuộc hẹn để mát-xa, tẩy da chết, chăm sóc da toàn thân và các dịch vụ chăm sóc da mặt khác. Đáng nói hơn, chỉ trong 1 tuần qua, số lượng các ca làm đẹp tại Anh đã tăng lên đến 30%, một con số quá kinh ngạc. Các chuyên gia kinh tế và làm đẹp cho rằng, sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp làm đẹp Anh trong tháng rồi bắt nguồn từ Brexit. Giữa bối cảnh hỗn loạn cùng viễn cảnh kinh tế không mấy khả quan hậu Brexit, phụ nữ Anh quyết tâm chạy trốn thực tại, “đưa nhau đi trốn” tại các thẩm mỹ viện và spa. Việc yêu thương, chiều chuộng và nâng niu nhan sắc sẽ làm họ cảm thấy khá hơn.
Việc ngành công nghiệp làm đẹp tăng trưởng vượt bậc, kinh tế càng u ám, ngành làm đẹp càng phát triển rực rỡ không còn là điều mới mẻ. Năm 2007, khi kinh tế Mỹ đang trên đà lao dốc, các chuyên gia cũng phát hiện ra, số lượng người ghé thăm các tiệm làm móng ngày một nhiều. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự phát triển của nghệ thuật vẽ móng, đắp bột và là bệ phóng đưa công ty sơn móng tay Minx phát triển cho đến ngày hôm nay. Sẽ không ngoa khi nói rằng, kinh tế Mỹ suy thoái đã góp phần vực dậy ngành công nghiệp làm móng ở xứ cờ hoa, cũng bởi thói quen chiều chuộng bản thân thời kinh tế khó khăn của phụ nữ.
Hiện tượng này gọi là Lipstick Effect (hiệu ứng son môi), khởi nguồn từ ông lớn mỹ phẩm Estée Lauder vào năm 2001. Khi đó, bất chấp cuộc khủng bố 11/9 và sự suy thoái, thương hiệu vẫn có lợi nhuận tăng vọt, đặc biệt là dòng son môi. Các chuyên gia kinh tế và tâm lý làm đẹp cho biết, khi kinh tế khó khăn, phụ nữ càng có xu hướng chiều chuộng bản thân bằng cách mua các món mỹ phẩm bé xinh (như son môi, nước hoa). Đặc biệt, son môi luôn đứng đầu bảng vì chúng tiện lợi, dễ mua và ngay tức khắc thay đổi màu sắc, cải thiện tâm trạng.
Hiệu ứng son môi cũng không phải là khái niệm quá mới lạ trong mỹ phẩm. Trong suốt cuộc Đại suy thoái của kinh tế Mỹ (1929–1933), ngành công nghiệp mỹ phẩm cũng phát triển vượt bậc, bất chấp mọi ngành nghề khác lao dốc. Các chuyên gia tâm lý hành vi cũng cho rằng, việc mua sắm những món mỹ phẩm nhỏ xinh luôn khiến phụ nữ cảm thấy tươi vui, yêu đời hơn. Đây là lý do để người Anh đổ xô đi làm đẹp hậu Brexit, góp phần làm nên một hiệu ứng son môi nổi bật. Và tất nhiên, sự tăng trưởng của ngành công nghiệp làm đẹp thường chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, gắn liền với các sự kiện kinh tế.
Tiếp thị & Gia đình