Xu hướng thời trang ảo: Khi thời trang vượt ra khỏi giới hạn vật lý

Thời trang ảo không chỉ thúc đẩy, phá vỡ mọi giới hạn trong sáng tạo và thể hiện cá tính bản thân, mà còn là giải pháp cho rất nhiều vấn đề mà ngành công nghiệp thời trang đang phải đối mặt

xu hướng thời trang ảo người mẫu ảo

(Ảnh: The Fabricant House)

Cuộc sống của con người ngày càng gắn chặt với công nghệ. Mọi thứ dần được chuyển sang các nền tảng số, từ âm nhạc, phim ảnh cho đến thời trang. Sự phát triển của công nghệ đang dần thay đổi cách thức tương tác trong ngành thời trang. Đặc biệt, khi xu hướng “sống ảo” ở giới trẻ ngày càng lớn mạnh, hashtag #OOTD (Outfit of today) trên Instagram dần phổ biến, thời trang ảo trở thành giải pháp để thỏa mãn khát khao khoác lên người những bộ quần áo đẹp mà không gây hại gì cho môi trường.

Thời trang ảo là gì?

Thời trang ảo, hay thời trang số (digital fashion) là hình ảnh mô phỏng trang phục dưới dạng 3D bằng công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính (CGI). Hai thương hiệu thời trang ảo tiên phong là The Fabricant và Cat Taylor.

Amber Jae Slooten – nhà sáng lập của The Fabricant, đã định nghĩa thời trang ảo như sau: Thời trang ảo là bất cứ thứ gì liên quan đến thời trang nhưng vượt ra khỏi giới hạn vật lý – những thứ mà bạn có thể khoác lên “nhân dạng ảo” của mình. Amber cho rằng, con người sẽ sống trong thế giới thực và ảo đan xen.

Không bao lâu nữa, chúng ta sẽ được trải nghiệm thực tế ảo qua những chiếc kính. Chúng ta còn có thể cảm nhận thế giới ảo xung quanh mình như thể những thứ xinh đẹp nhất vượt ra khỏi trí tưởng tượng. Bạn có thể khoác lên người một bộ đồ được làm từ chất liệu hoàn toàn khác.

Thời trang ảo có thể được xem như sự thể hiện bản thân một cách toàn vẹn nhất, không giới hạn bởi chiều cao, cân nặng, vóc dáng hay bất cứ thứ gì khác.

thời trang ảo the fabricant house

(Ảnh: The Fabricant House)

Các nền tảng thời trang ảo

Nền tảng thời trang ảo đầu tiên trên thế giới là Drest, do Lucy Yeomans sáng lập. Nền tảng này ra mắt vào tháng 1/2020. Khi tham gia game thời trang này, việc lên quần áo, phụ kiện của người chơi sẽ được những người chơi khác cho điểm. Điểm số càng nhiều, người chơi
sẽ mua được nhiều quần áo ảo hơn đến từ 160 thương hiệu cao cấp như Prada, Burberry, Valentino, Gucci…

Một điểm khác giúp Drest thu hút nhiều người dùng chính là người mẫu. Drest đưa ra các mô hình người mẫu thật như Irina Shayk, Imaan Hammam, Doutzen Kroes… mà người chơi có thể chọn làm hình đại diện cho riêng mình.

Ngoài Drest, một số studio chuyên về thời trang ảo khác đã ra đời như Hilal Sevencan (Thổ Nhĩ Kỳ), Unhueman, Tribute và Dress-X (Mỹ)…

Từ trang phục ảo cho đến người mẫu ảo

Không chỉ có trang phục ảo, người mẫu ảo cũng đang lên ngôi. Họ được tạo ra dưới dạng mô phỏng 3D bằng công nghệ CGI. Ban đầu, người mẫu ảo ra đời chỉ để hỗ trợ các nhà mốt phác thảo ý tưởng trước khi áp dụng lên người thật. Sau đó, những cô người mẫu ảo ra đời dưới hình thức KOLs (những người có tầm ảnh hưởng đến lựa chọn và quyết định của khách hàng) với những bức ảnh, bài viết có cá tính riêng không khác gì người thật. Các KOLs ảo này sở hữu lượng người theo dõi cao chóng mặt. Độ nổi tiếng không hề thua kém các “IT girls” hàng đầu như Kendall Jenner, Gigi Hadid, Bella Hadid…

Người mẫu ảo đầu tiên Shudu Gram

Người mẫu ảo đầu tiên phải kể đến Shudu Gram – nàng mẫu da màu do nhiếp ảnh gia người Anh Cameron James Wilson tạo ra. Shudu khi vừa ra mắt đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của giới mộ điệu. Cô xuất hiện trên Instagram của thương hiệu mỹ phẩm Fenty Beauty của Rihanna. Cô còn được hợp tác với các nhà mốt danh tiếng Oscar de la Renta và Balmain.

xu hướng thời trang ảo shudu

Shudu Gram đại diện cho phong trào người mẫu da màu (Ảnh: Shudu Gram)

Miquela Sousa

Nối tiếp Shudu Gram, Miquela Sousa xuất hiện và khiến cho từ khóa “người mẫu ảo” càng trở nên thịnh hành. Miquela Sousa mang hai dòng máu Brazil và Tây Ban Nha. Đầu năm 2018, Miquela xuất hiện trên Instagram của thương hiệu Prada như một phần của show thời trang mùa thu 2018 tại Milan Fashion Week. Thành công nối tiếp thành công, Miquela liên tiếp xuất hiện trên nhiều tạp chí lớn và thu hút sự chú ý của nhiều nhãn hàng nổi tiếng.

người mẫu ảo miquela

Ngoài việc làm người mẫu, Miquela còn sáng tác nhạc, đóng quảng cáo, MV và tham dự các show thời trang (Ảnh: Miquela)

Thời trang ảo phá vỡ giới hạn sáng tạo và bảo vệ môi trường

Diện những bộ cánh hàng hiệu là mơ ước của hàng triệu người trên thế giới. Nhưng không phải ai cũng có thể sở hữu chúng. Với thời trang ảo, mọi thứ hoàn toàn khác. Người đam mê thời trang sẽ được thỏa mãn khao khát sở hữu những bộ trang phục đắt đỏ; thậm chí mang tính nguyên bản và duy nhất. Thời trang ảo còn cho phép chúng ta “diện” những mẫu thiết kế điên rồ vốn chỉ phù hợp để chụp ảnh thời trang hoặc chụp selfie và khoe lên các trang mạng xã hội.

Thời trang ảo sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho các KOL, fashionista và influencer thời trang. Họ có thể thay đổi các chi tiết trên bộ quần áo một cách tùy thích; liên tục thay đổi trang phục mới chỉ trong tích tắc.

Ngoài ra, thời trang ảo còn giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Thời trang nhanh sản xuất quần áo với số lượng lớn và nhanh chóng bị vứt đi. Còn thời trang cao cấp lại không giảm giá. Nếu qua mùa, các nhà mốt sẽ đem quần áo, phụ kiện đi tiêu hủy. Đây chính là nguyên nhân ngành thời trang tạo ra lượng khí thải mỗi năm còn lớn hơn việc đi lại bằng đường hàng không và đường biển cộng lại. Còn thời trang ảo vẫn có thể đáp ứng nhu cầu “sống ảo” của người tiêu dùng mà không gây chút tác hại nào đến môi trường.

Bài: Kristen

Tiếp Thị Gia Đình

>> Xem thêm: THỜI TRANG ẢO: CƠ HỘI LÀM GIÀU CHO CÁC BẠN TRẺ VIỆT GIỎI CÔNG NGHỆ

Đừng bỏ qua