Xem phim Song Lang: lời yêu chưa ngỏ, đã phai cuộc tình

Sau ngày ra mắt, phim Song Lang nhận được rất nhiều lời khen ngợi; kể cả của những người ít khi khen nhất

Phim Song Lang là câu chuyện về chàng nghệ sĩ cải lương trẻ Linh Phụng (Isaac thủ vai); một người yêu thích cải lương từ nhỏ nhưng bị gia đình ngăn cản. Lớn lên, anh dần dần thuyết phục được gia đình chấp nhận. Trong một lần đoàn hát diễn ở thành phố; Linh Phụng vô tình gặp phải Dũng “Thiên Lôi” (Liên Bỉnh Phát) – một gã giang hồ; chuyên làm nghề đòi nợ mướn để sống qua ngày. Họ nhận ra bản ngã của nhau.

Sau ngày ra mắt, phim Song Lang nhận được rất nhiều lời khen ngợi; kể cả của những người ít khi khen nhất. Sự nhộn nhịp lời khen trên Facebook, đặc biệt của những người mình tin yêu; và cả những bài review rất giàu cảm xúc khiến người viết đến rạp.

Phim Song Lang

Xem phim xong, mình mới hiểu tại sao phim Song Lang chinh phục được khán giả.

Bộ phim vẽ ra chân dung phong cách đạo diễn Leon Quang Lê rất rõ. Anh nhẹ nhàng, ngọt ngào, tinh tế và tình tứ. Và Song Lang của anh cũng thế. Những khung hình đẹp như ảnh, màu phim đưa người xem tự lùi về quá khứ; những tiểu tiết không thể tinh tế hơn, thoại rất đời và duyên dáng. Đây là một trong những bộ phim phác hoạ rõ nét đạo diễn nhất từ đó đến giờ. Dũng Thiên Lôi có nhiều nét duyên của Leon ngoài đời đưa vào; cái chất tình tứ vừa đàn ông, vừa yếu đuối…

Tình yêu hay tình gì, chỉ cần nhẹ thế này thôi, đã đủ thấm rồi. Có những thứ tình không gọi thành tên; ấy vậy mà đi suốt cả đời cũng không sao quên được. Câu chuyện cảm động, giàu ngôn ngữ điện ảnh; thế nhưng vẫn để lại trong lòng người viết ít nhiều tiếc nuối…

Giá như cải lương được khắc hoạ sâu hơn một chút; để nhìn thấy giai đoạn hoàng kim ấy, từ cái bàn thờ Tổ sau cánh gà; đến cái micro treo ngược. Cải lương trong phim chỉ mới dừng lại là cái nền nhà của phim, không nhiều hơn. Mình nhớ “Bàn thờ Tổ một cô đào” cũng được gợi nhắc; nhưng nếu đẩy sâu hơn vào cái thế giới tưởng là đã mất đi ấy sự lung linh hoà quyện; của nghệ thuật và tâm linh của nó, sẽ đã đời hơn.

Giá như, Linh Phụng chứng kiến được cái kết dành cho Dũng; để khi Trọng Thuỷ ôm Mỵ Châu, nỗi đau ấy sẽ quặn thắt đến tận cùng; nỗi đau của một thứ tình chưa kịp gọi thành tên.

Nỗi đau của nghiệp làm nghệ sỹ; tất cả cùng đều mang lên sân khấu, dằn xé, thăng hoa; để tận hiến cho khán giả. Mình nhớ “Kép Tư Bền” với nỗi đau mất cha phải ép ra thành những dòng nước mắt thầm kín; của người nghệ sỹ hài đang phải chọc cười khán giả. Cái nghề đầy ám ảnh của những chuyện riêng – chung; của kiếp Tằm nhả tơ, của khúc ai oán như nhạc cụ cải lương khi hoà vào nhau; lúc nào vang lên cũng như tiếng than khóc của phận người.

Giá như, Dũng và Phụng gần nhau thêm chút nữa; Phụng nũng nịu duyên dáng nhiều hơn một chút xíu nữa thôi; Dũng nhìn Phụng ngủ lâu hơn chút xíu nữa thôi; cũng đủ sâu hơn cho cái tình không gọi tên này. Mình nhớ “Bá vương biệt Cơ” đã đau đến xé lòng mình; chỉ vì cái ánh nhìn của Trương Quốc Vinh.

Giá như… Cái song lang rơi sóng soài trong mưa được đặc tả ở cuối phim; rồi tiếng mưa rào Sài gòn được thay bằng nhịp phách ấy; thì cho dù không phải là Linh Phụng, mình cũng sẽ đau đớn lắm…

Giá như, còn bởi sự kì vọng đang cho ekip sản xuất đạo diễn bộ phim này. Phim Song Lang khiến khán giả muốn “giá như” như thế, là một bộ phim rất thành công, mình tin vậy.

Bài: Tùng Leo
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua