Vũ Thị Thu và giấc mơ gây dựng thương hiệu cho bồ kết Việt

Vũ Thị Thu liên tục đối đầu với thất bại kinh tế và khủng hoảng tâm lý trong hành trình hiện thực hóa giấc mơ tạo ra sản phẩm thuần Việt từ trái bồ kết. Điều gì đã giúp cô vượt qua?

Vũ Thị Thu

Ảnh: NVCC

Vũ Thị Thu tốt nghiệp khoa Marketing, trường đại học Thương mại. Trong khi các bạn cùng lớp tận dụng mọi cơ hội tìm kiếm việc làm để ở lại thủ đô. Cô lại khăn gói trở về quê ở Bắc Ninh để sinh sống và lập nghiệp.

2 năm trước, trong khi nghiên cứu, tìm đầu ra cho một số nông sản của gia đình; Vũ Thị Thu lần đầu tiên biết đến nông nghiệp hữu cơ. Cô gái trẻ ngay lập tức nhận thấy nhu cầu rất lớn về các sản phẩm tự nhiên, an toàn và sạch.

Vũ Thị Thu suy nghĩ: “Một sản phẩm mới được kết hợp từ các nguyên liệu quen thuộc. Đồng thời đáp ứng được các yêu cầu trên sẽ được thị trường đón nhận”. Bồ kết là cái tên lóe lên trong đầu. Và ngay lập tức, cô gái 9x tập trung toàn thời gian của mình để tìm hiểu về loại trái này. Trong ký ức của cô, trái bồ kết gợi nhớ hình ảnh của các bà, các mẹ sử dụng để gội đầu.

Qua tìm hiểu kinh nghiệm dân gian của người xưa để lại; và một số nghiên cứu khoa học về chiết xuất các sản phẩm tự nhiên; cô bắt đầu sản xuất các sản phẩm từ bồ kết với số vốn ban đầu chưa đầy 10 triệu đồng.

Vạn sự khởi đầu nan

Năm đầu tiên với Vũ Thị Thu là quãng thời gian đầy khó khăn. Vô vàn lần thử nghiệm và thất bại. Trước hết, là khó khăn khi đi tìm nguồn nguyên liệu.

Những cây bồ kết vốn không còn được trồng nhiều tại vùng nông thôn. Vào chính vụ, thu mua bồ kết đã khó. Thời điểm Thu bắt đầu làm lại vừa qua vụ chính, nên càng khó khăn hơn. Nghe nói nhà nào có cây bồ kết, cô đều tìm đến và gom từng ký một. Rồi đến những nguyên liệu đi kèm như hương nhu, hoắc hương… cũng cần phải phát triển để đa dạng hóa sản phẩm của mình.

Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, cô còn phải giải bài toán về sơ chế, nghiên cứu, sản xuất và bảo quản. Mỗi lần thất bại là một lần học hỏi, rút kinh nghiệm. Những ngày vật lộn với những mẻ nguyên liệu bị hỏng, chưa đạt chuẩn về độ mượt và thơm giúp cô quan sát kỹ khâu bảo quản, vận hành máy móc, kết hợp nguyên liệu…

Nhưng điều mà Thu buồn nhất là chưa có được sự ủng hộ từ những người thân thiết nhất của mình. Với những người dân tại miền quê nhỏ nơi Thu sinh sống, người phụ nữ thành công là có một công việc ổn định, có thời gian chăm sóc gia đình, con nhỏ. Còn một bà mẹ trẻ khởi nghiệp bằng một giấc mơ về bồ kết như Thu, hẳn là một thứ xa vời.

Những căng thẳng, lo lắng về thất bại trong khâu sản xuất hay kinh doanh không bằng sự khao khát được ủng hộ; công nhận và đồng hành trên con đường mình đã chọn.

Lỳ lợm để đi đến thành công

“Kiên trì và quyết tâm không bỏ cuộc là những gì mình tự nhủ trong lòng để vượt qua khó khăn đó. Tất nhiên đã có những lúc thực sự mệt mỏi, có lúc muốn buông xuôi tất cả. Nhưng rồi lại dặn lòng là phải lỳ lợm để vượt qua”, Vũ Thị Thu đã chia sẻ với TTGĐ như vậy.

Ảnh: NVCC

“Muốn sản xuất thành công, mình phải chủ động được nguồn nguyên liệu”, Vũ Thị Thu xác định. Ban đầu, với quy mô hạn chế, Thu ươm cây tại khu vườn nhỏ với diện tích 400m². Mặc dù nhiều lần thất bại nhưng cô gái trẻ vẫn không lùi bước. Thời gian đầu, khi đưa giống hương thảo, xạ hương về trồng; Thu gặp khó khăn bởi đây là cây ưa khí hậu mát mẻ của Đà Lạt nên bị chết rất nhiều.

Đã có lúc muốn bỏ cuộc, nhưng rồi với sự quyết tâm, Thu đã thành công. Dần dần Thu thuê đất của người dân trong làng và mở rộng diện tích lên 7.500m². Vườn này để trồng các cây thảo dược như hương nhu trắng, hương nhu tía; cây hương thảo, cỏ mần trầu, tía tô, kinh giới… phục vụ sản xuất bột tắm thảo dược; nước súc miệng, tinh dầu hương thảo, cao bồ kết, tinh dầu bưởi… Đặc biệt, khi chăm sóc cây, Thu tận dụng nguồn phân bò, gà, thân cây ngô, cây đỗ tương ủ để bón ruộng. Nói không với phân bón hóa học, sản phẩm do Thu sản xuất đều thân thiện với môi trường và tốt cho người sử dụng.

100% tự nhiên, không chất tạo bọt

Đầu năm 2018, Thu đầu tư xây dựng nhà xưởng, thiết bị hiện đại; gồm kho lạnh, máy rang bằng điện, máy nghiền thô, nghiền mịn và siêu mịn, máy trộn bột tắm, bột bồ kết. Dây chuyền nồi hầm, máy vắt, nồi cô sệt, máy đóng trà túi lọc dùng 1 lần, máy làm tinh dầu… Nhờ vậy, công ty TNHH dược liệu Việt Kết đã sản xuất thành công. Từ đó, cung ứng ra thị trường được 19 sản phẩm 100% tự nhiên. Đơn cử như cao bồ kết, dầu gội bồ kết hà thủ ô, bồ kết túi lọc, bồ kết khô; bồ kết tách hạt, bột tắm thảo dược, dung dịch vệ sinh lá trầu không; và tinh dầu hương thảo, hương nhu.

Ảnh: NVCC

Điểm khác biệt nhất Thu tạo ra là một dòng sản phẩm 100% tự nhiên, không chất tạo bọt. Sau quá trình thử nghiệm sản phẩm chăm sóc tóc ở dạng nước, dạng đặc, dạng hơi sệt; Thu đã tìm ra cách sản xuất ở dạng cao. Ưu điểm là có thể bảo quản được 9 tháng từ ngày sản xuất mà không cần sử dụng chất bảo quản.

Bên cạnh đó, Thu cũng đã trồng và bao tiêu được vùng nguyên liệu riêng; có kế hoạch tích trữ từ đầu mùa, đầy đủ máy móc bảo quản, để sẵn sàng đưa vào sản xuất. Không còn phải đơn độc, ngụp lặn trong tất cả các khâu từ thu mua nguyên liệu đến chốt đơn hàng. Giờ đây, Vũ Thị Thu đã tìm được những người bạn đồng hành đủ sức trẻ và nhiệt huyết. Họ cùng cô đưa thương hiệu Việt Kết đi xa hơn trong tương lai. Và điều Thu vui nhất, là đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của gia đình và người thân.

Giấc mơ về bồ kết Việt đang được Vũ Thị Thu viết tiếp; với nhiều hơn các sản phẩm chăm sóc tóc và sức khỏe từ thảo dược tự nhiên dành cho cả gia đình.

Thông tin thêm

Vũ Thị Thu sinh năm 1992.

Sản phẩm Việt Kết do Vũ Thị Thu sản xuất hiện có 3 dòng chính là dầu gội chăm sóc tóc từ bồ kết; dầu tắm từ các thảo dược tự nhiên và các sản phầm từ bồ hòn, được bán với giá từ 110.000 – 220.000 đồng.

Sản phẩm được bán tại 330 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Trung, Hà Nội.

Chia sẻ của Vũ Thị Thu: Với lĩnh vực nông nghiệp khi bước chân vào thì cần chuẩn bị kỹ kiến thức rõ ràng. Cần có đầu tư học hỏi, nghiên cứu trải nghiệm để rút kinh nghiệm và triển khai hiệu quả. Ngoài ra cần thêm kiên trì, vượt qua những khó khăn ban đầu; để theo đuổi từng đích mục tiêu ngắn; tiếp thêm động lực để bước tiếp tới ước mơ.

Bài: Trang Nhung
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua