Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị Tổng kết năm 2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tại đây, Thủ tướng đã nói về nguy cơ Việt Nam thiếu điện trong những năm tới. Đồng thời yêu cầu các quan chức đẩy nhanh các dự án nhà máy điện đang bị đình trệ.
Nguy cơ Việt Nam thiếu điện nghiêm trọng từ năm 2021 – 2025
Theo tính toán của Trung tâm Điều độ điện quốc gia (A0), giai đoạn 2021-2025, cả nước sẽ thiếu khoảng 41,7 tỷ kWh. Cụ thể, năm 2021 thiếu 6,6 tỷ kWh. Năm 2022 thiếu 11,8 tỷ kWh. Đỉnh điểm vào năm 2023 thiếu 15 tỷ kWh. Năm 2024 thiếu 6,4 tỷ kWh và giảm vào năm 2025 khi thiếu 1,9 tỷ kWh.
Nguy cơ thiếu điện xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có hạn hán, thiếu nước tại các hồ chứa thủy điện, khó khăn cung cấp khí và than cho các nhà máy nhiệt điện, chậm tiến độ các dự án nguồn điện, nhu cầu gia tăng…
Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến việc Việt Nam thiếu điện vẫn là một vài dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch. Một số dự án của EVN chậm tiến độ là Quảng Trạch 1 (chậm khoảng 2 năm), thủy điện Hòa Bình mở rộng và Ialy mở rộng (chậm 2-4 năm), nhiệt điện Ô Môn IV (chậm khoảng 2 năm), Ô Môn II (chậm khoảng 5 năm)…
Một trong những giải pháp là tăng nhập khẩu từ Lào và Trung Quốc
Đại diện EVN cho biết doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn khi vận hành hệ thống điện trong 3 tháng cuối năm và năm 2020. Do nhu cầu điện dự báo tiếp tục tăng trưởng cao. Trong khi hệ thống điện hầu như không có dự phòng nguồn điện. Huy động nguồn từ thủy điện gặp khó do nhiều hồ đang ở gần mực nước chết. Nhiên liệu than và khí cho phát điện cũng bị thiếu hụt.
Lãnh đạo A0 cho biết sẽ tập trung vào việc đẩy nhanh tiến độ các dự án nêu trên. Đặc biệt là các dự án điện BOT ngoài EVN.
Việt Nam sẽ tăng cường nhập khẩu điện từ Lào để đối phó với thiếu điện. Năm 2020, dự kiến sản lượng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 1% tổng sản lượng điện. Lãnh đạo A0 cho biết sẽ tăng nhập khẩu trong giai đoạn tới từ Lào lên 1,770 MW.
Ngoài ra, EVN cũng đã đàm phán với phía Trung Quốc. EVN sẽ tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc lên 3,6 tỉ kWh/năm từ năm 2021. Giá điện vẫn giữ nguyên như hợp đồng hiện nay.
Giá điện có thể sẽ tiếp tục tăng
Hồi Tháng Tư, 2019, EVN ra thông báo “tăng giá điện lên 8.36%” kể từ ngày 20 Tháng Ba. Thế nhưng sau khi cầm trên tay hoá đơn tiền điện, người dân mới ngỡ ngàng khi con số không dừng lại ở 8.36% mà lên tới 50-70%.
Với việc Việt Nam thiếu điện từ năm 2021, có thể giá điện sẽ còn tiếp tục tăng cao. Theo lãnh đạo A0, từ năm 2020 sẽ phải tăng cường huy động nguồn nhiệt điện than và nhiệt điện dầu. Nhiệt điện than dự kiến chiếm khoảng 50% tổng sản lượng điện. Trong khi đó, có thể sẽ phải huy động 3,4-6 tỷ kWh điện chạy dầu. Giá diện chạy dầu rất đắt đỏ, vào khoảng 3.500-5.000 đồng/kWh. Do đó EVN lo ngại sẽ mất cân đối về tài chính.
Tiếp Thị Gia Đình