Sự khác biệt giữa vi nhựa (microplastic), hạt vi nhựa (microbead) và sợi vi nhựa (microfiber)?

Nhựa có mặt ở mọi thứ xung quanh chúng ta và ngày càng trở thành vấn đề gây nhức nhối cho môi trường

khác biệt giữa vi nhựa và hạt vi nhựa

Bạn đã biết sự khác biệt giữa vi nhựa và hạt vi nhựa? (Ảnh: Shutterstock)

Chúng ta thường nghe nói về những hạt vi nhựa có hại cho môi trường. Nhưng không chỉ có hạt vi nhựa mà còn có sợi vi nhựa. Và tên tiếng Anh của chúng cũng thường dễ gây nhầm lẫn. Hãy cùng Tiếp Thị Gia Đình tìm hiểu sâu hơn và phân biệt chúng.

Vi nhựa – Microplastic

Vi nhựa là những phân tử nhựa cực nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy được. Nó không phải là tên của một loại nhựa cụ thể nào đó. Mà nó là những mảnh nhựa siêu nhỏ, với kích thước từ 0,3 mm – 5 mm. Theo Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), vi nhựa thường được phân loại thành hai nhóm. Nhóm vi nhựa sơ cấp được chủ ý tạo ra. Bao gồm hạt vi nhựa (microbead), sợi vi nhựa (microfiber) và hạt nhựa (plastic pellet/plastic nurdle).

Nhóm thứ hai là vi nhựa thứ cấp. Chúng được hình thành từ sự phân rã của các sản phẩm lớn hơn được làm từ nhựa. Các sản phẩm này được đưa ra môi trường do các tác nhân vật lý, sinh học và hoá học. Những sản phẩm điển hình phân rã ra thành vi nhựa là chai nước, lưới đánh cá và túi nhựa. Quần áo cũng là nguồn phân rã ra thành vi nhựa.

Thuật ngữ microplastic được Giáo sư Richard Thompson – nhà sinh học đại dương của Đại học Plymouth đưa ra vào năm 2004. Năm 2014, ước tính có khoảng 51 nghìn tỷ mảnh vi nhựa trong đại dương. Cân nặng của số vi nhựa này có thể lên đến 236,000 tấn.

Hạt vi nhựa – Microbead

Hạt vi nhựa nằm trong nhóm vi nhựa sơ cấp. Chúng là những khối nhựa đặc với kích thước 1 mm trở xuống. Thành phần của hạt vi nhựa thường bao gồm polyetylen (PE) hoặc polypropylen (PP), polyetylen terephthalate (PET), polymethlyl methacrylate (PMMA) hoặc nylon. Trong đó, polyetylen là nguyên liệu thường gặp nhất. Do đó, bạn có thể nhận biết được sản phẩm nào có hạt vi nhựa nếu nhìn thấy thành phần này.

Hạt vi nhựa có nhiều nhất trong các sản phẩm chăm sóc cơ thể và sắc đẹp. Điển hình là các sản phẩm tẩy tế bào chết, xà phòng tắm và kem đánh răng. Nó còn được sử dụng như chất tạo hiệu ứng màu sắc, kết cấu mềm mượt cho mỹ phẩm.

Hạt vi nhựa không hoà tan trong nước. Do đó, khi được đổ ra sông, hồ, biển, chúng sẽ tồn tại ở đó hàng chục năm, gây hại cho các loài động vật dưới nước và môi trường hoang dã.

Sợi vi nhựa – Microfiber/Microfibre

Sợi vi nhựa cũng nằm trong nhóm vi nhựa sơ cấp. Đường kính của chúng nhỏ hơn 10 micromet và chỉ bằng 1/5 đường kính sợi tóc. Chúng là những sợi nhựa có nguồn gốc từ vải tự nhiên và vải tổng hợp. Với thành phần chủ yếu bao gồm polyester, nylon. Khác với nhiều lời quảng cáo, các loại vải microfiber không hề thân thiện với môi trường. Bởi polyester và nylon được làm từ các chất hoá dầu. Chúng không thể tái chế hay phân huỷ sinh học. Chỉ có vải microfiber được làm từ polypropylene mới có khả năng tái chế.

Cũng giống như hạt vi nhựa, sợi vi nhựa cũng được thải ra sông, hồ, biển và đi vào chuỗi thức ăn qua quá trình giặt quần áo thông thường. Do có khả năng chống thấm hút tốt hơn các loại vải khác nên vải microfiber ngày càng được ưa chuộng. Tuy nhiên, các sợi vi nhựa trong loại vải này chiếm đến 85% trong các mảnh rác vụn dọc các bờ biển trên khắp thế giới.

Tiếp Thị Gia Đình

Theo: NOAA & Plastic Soup Foundation

>> Xem thêm: THỜI TRANG LÔNG THÚ GIẢ CÓ THỰC SỰ THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG?

Đừng bỏ qua