Về Kashgar đi tìm lịch sử con đường tơ lụa

Với hơn 2.000 năm lịch sử con đường tơ lụa của thành phố ốc đảo Kashgar, Tân Cảng tạo nên những giá trị huyết mạch cho sự giao thương Á - Âu

Với chiều dài lịch sử hơn 2.000 năm, thành phố ốc đảo Kashgar của Tân Cương luôn giữ được vị thế quan trọng trên con đường giao thương nối liền từ Á sang Âu. Hành trình vượt đất nước Trung Hoa của tôi khá đặc biệt, thay vì đi máy bay hay theo cách phượt thông thường, tôi đi bằng xe đạp. Vì thế để khám phá Tân Cương, tôi phải lựa chọn đâu là thành phố đáng để mình trải nghiệm.

Thủ phủ Ürümqi của Tân Cương với những tòa nhà chọc trời hiện đại và 75% dân số là người Hán không phải là đích đến của tôi. Thay vào đó, Kashgar được lựa chọn ngay lập tức vì đây mới là thủ phủ của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ với những giá trị truyền thống văn hóa của đạo Hồi và là huyết mạch về lịch sử con đường tơ lụa ngày xưa.

ỐC ĐẢO GIỮA SA MẠC

lich su con duong to lua hinh anh 1

Khung cảnh nhộn nhịp trước Một cửa hàng nhà thờ Hồi giáo Id Kah

Ở Tân Cương, nếu bạn muốn tìm hiểu về đời sống cũng như văn hóa của người bản địa thì hãy đi tới những vùng nông thôn hoặc tìm về Kashgar. Đây là một trong những thành phố cổ kính, là cái nôi lịch sử, một trong những nơi giữ được giá trị truyền thống của đạo Hồi tốt nhất khu vực Trung Á. Thành phố Kashgar có khoảng 350.000 cư dân sinh sống, đa chủng tộc gồm Hán, Ngô Duy Nhĩ, Tajik, Uzbek với những giá trị lịch sử hơn 2.000 năm. Kashgar nằm ở phía Tây lãnh thổ Trung Hoa, giữa sa mạc Taklamakan và biên giới đất liền với Tajikistan, Kyrgyzstan.

Là một trong những ốc đảo có vị trí quan trọng nhất trên lịch sử con đường tơ lụa, Kashgar giao thoa Đông – Tây, chứng kiến sự thăng trầm của lịch sử thương mại nối liền từ Tây An của tỉnh Thiểm Tây Trung Hoa trong đời Đường, xuyên khu vực Trung Á tiến về Địa Trung Hải. Trong thời hoàng kim của mình, Kashgar tấp nập thương nhân trao đổi gốm sứ, thảm, tơ lụa, những loại gia vị…, còn lũ lạc đà mệt mỏi trong những chuyến vượt sa mạc nằm nghỉ ngơi trên các con phố thờ ơ mặc cho bão cát sa mạc thổi về. Kashgar gần với thủ đô Hồi giáo Tehran của Iran hơn là Bắc Kinh, nhưng dù múi giờ đi sau hai tiếng thì người dân ở Kashgar vẫn phải sử dụng thời gian theo giờ Bắc Kinh.

SỰ HÒA HỢP HÁN – HỒI Ở KASHGAR 

lich su con duong to lua hinh anh 2

Kiến trúc Hồi giáo thể hiện rõ nét trong từng ngóc ngách ở thành phố Kashgar

Kashgar đập ngay vào mắt tôi với bức tượng Mao Trạch Đông cao 18 mét, một trong những bức tượng lớn nhất còn sót lại ở đất nước Trung Hoa, nằm ngay công viên Nhân Dân. Những người phụ nữ Hồi giáo trùm đầu màu sặc sỡ bước đi dưới pho tượng kia, khiến kẻ du khách là tôi chạnh lòng với một câu hỏi: Liệu họ có nghĩ gì về vùng đất của tổ tiên mình đang bị giày xéo?

Tôi nghĩ mình đã tìm được câu trả lời. Những vụ bạo động, khủng bố ở Tân Cương chủ yếu do người Hồi tấn công cảnh sát trên báo chí khiến tôi chú ý cách giao hảo giữa người Hán–Hồi. Dường như Bắc Kinh đã thất bại trong việc cố gắng tạo ra sự hòa hợp mang tên Hán–Hồi.

Người Hán chỉ ở các thành phố lớn, đặc biệt là thủ đô Ürümqi, còn vùng nông thôn tuyệt nhiên vắng bóng họ. Người Hồi đang lo sợ sự xâm nhập của người Hán đến những giá trị văn hóa mà họ giữ gìn trong ngàn năm lịch sử. Rất khó có thể nhìn thấy hình ảnh người Hán–Hồi vui chơi cùng nhau hay mua sắm trong những siêu thị của nhau. Nhưng lại rất dễ nhận ra sự phân biệt, chia cắt giữa họ.

NỖ LỰC GÌN GIỮ NHỮNG GIÁ TRỊ HỒI GIÁO

lich su con duong to lua hinh anh 3

Gốm sứ thủ công được bày bán rất nhiều tại Kashgar

Id Kah, nhà thờ Hồi giáo lớn nhất ở Trung Hoa, tọa lạc ngay tại trái tim thành phố, có niên đại từ năm 1442. Với sắc vàng nổi bật giữa phông nền là hàng bạch dương xanh như tấm bình phong bảo vệ, Id Kah trở thành một bức tranh nổi bật giữa Kashgar, hiên ngang chống chọi lại những cơn bão cát từ sa mạc Taklamakan. Id Kad (gồm cả sân, vườn) đủ chứa tới 20.000 tín đồ tới cầu nguyện trong các ngày lễ quan trọng. Những người không theo đạo Hồi có thể vào nhà thờ, nhưng không được phép trong giờ cầu nguyện. Đặc biệt, du khách cần mặc đồ lịch sự, riêng phụ nữ phải trùm đầu.

Có tới 20 ngôi chợ nhưng Grand Bazaar lớn nhất Kashgar, nằm ở phía Đông Nam của trung tâm thành phố. Ở đây du khách sẽ choáng ngợp trước các mặt hàng thảm, trà, quần áo, đồ gia dụng, hoa quả khô như chà là, nho… Dạo chợ đêm trước nhà thờ Id Kah là cách giúp bạn hòa nhập vào cộng đồng người Hồi giáo. Hàng quán bày la liệt các món ăn như kem, bánh mì, miến, dapanji (thịt gà nấu với khoai tây, ớt chuông, gia vị)… Đặc biệt, kem rất ngon, được làm từ sữa dê hoặc cừu.

lich su con duong to lua hinh anh 4

Cửa hàng bán gia vị truyền thống của người Hồi giáo

Một vài người mang máy ảnh đứng lặng lẽ tìm góc chụp, nếu không vì những chiếc máy ảnh đó và cách ăn mặc, tôi sẽ khó lòng phân biệt được họ là người Duy Ngô Nhĩ hay phương Tây. Những chiếc mũ doppa, loại mũ hoa có 4 góc cạnh, trở nên đáng yêu hơn bao giờ hết, vì đó là điều đặc biệt thể hiện văn hóa Hồi của những con người bản địa.

Đến Kashgar, nhất quyết không được bỏ qua phố cổ, vì rất có thể trong tương lai nơi đây chỉ còn trong ký ức đối với ngay cả chính những cư dân bản địa. Chính quyền Trung Hoa đã tiến hành phá bỏ nhiều phần của khu phố cổ vì nơi này đang xuống cấp trầm trọng và xây dựng những tòa cao ốc hiện đại trong dự án cải tạo bộ mặt thành phố. Đi giữa lòng phố cổ Kashgar giữa ngày hè tháng 5, tôi chầm chậm ngắm nhìn lịch sử con đường tơ lụa qua những căn nhà cổ làm từ gạch, bùn đất, những vết loang lổ hư hỏng, những tấm biển đóng vào tường trước mỗi căn nhà giới thiệu về lịch sử chủ nhân làm nghề chế tác mũ, thảm… qua bao thế hệ. Cuộc sống bình lặng vẫn diễn ra trong những con hẻm nhỏ. Bất chợt tôi thấy lòng nhói đau, vì có thể nếu một ngày quay trở lại, tôi sẽ không còn được bước đi trên chính con hẻm này và những ngôi nhà có tuổi thọ từ hơn 200 năm sẽ chỉ còn nằm lại vĩnh viễn trong ký ức tôi mà thôi.

lich su con duong to lua hinh anh 5

Món dapanji đặc sản của người Hồi giáo ở địa phương

Tạm biệt Kashgar, tôi chia tay mảnh đất Tân Cương với một khoảng lặng trong lòng về những người Hồi giáo đang chật vật giữ gìn truyền thống, văn hóa lẫn di tích lịch sử giữa dòng chảy hiện đại và sự xâm nhập của người Hán.

THÔNG TIN THÊM

♦ Sân bay Kashgar cách trung tâm thành phố 10km. Để đến Kashgar, bạn bay từ TP. HCM theo hãng Vietnam Airlines. Tuy nhiên, tùy theo chuyến bay sẽ phải dừng 2–3 chặng tại Quảng Châu, Thành Đô hoặc Ürümqi. Do đó, để tiết kiệm chi phí, bạn nên bay từ TP. HCM đến thủ phủ Ürümqi của Tân Cương, rồi từ đó đi tàu hoặc xe bus đến Kashgar.

♦ Tại Kashgar, bạn có thể đi xe bus tham quan. Giá vé 1 tệ (khoảng 3.500 đồng)/người. Xe số 2 và 20 sẽ đưa bạn đến các địa điểm nổi tiếng.

♦ Xe taxi cũng là một lựa chọn thú vị, tuy nhiên tài xế không có đồng hồ tính cước. Bạn có thể tham khảo mức giá: 5 tệ/3km đầu tiên; 1,3 tệ/km trong 3–8km tiếp theo; từ 8km trở lên tính 1,95 tệ/km.
Nếu để tài xế chờ, cứ mỗi 5 phút tính 1,3 tệ.

Bài và ảnh: Kim Ngân

Mục Du lịch / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua