Giữ cho chắc vào nha. Được chưa? Ổn chưa? Chị chạy nhé.
Lam kéo nhẹ tay ga, chiếc xe lao đi hơi chòng chành tí xíu rồi băng băng trên đường.
29 Tết, Sài Gòn vẫn nắng. Nhưng nắng 29 Tết không ngột ngạt bức bối giữa người xe chật hẹp, mà vàng tươi. Cái nắng của những ngày cuối năm lúc nhẹ bâng theo từng cơn gió, lúc lại chông chênh như nỗi nhớ nhà của người xa xứ.
Lòng Lam cũng vậy, hòa vào nắng, khi chậm rãi, khi hối hả. Khoảnh khắc của những ngày này thật lạ lùng. Mà không đâu, có lẽ do lòng Lam nhiều hỗn độn.
Lam sợ nhìn ngày qua thật nhanh, nhưng cũng háo hức chờ từng giây phút chiếc kim đồng hồ nhích sang thời khắc năm mới.
Còn bao nhiêu thứ muốn làm ngay thời điểm này. Lam lắc nhẹ đầu, gạt những suy nghĩ tất bật trong lòng mình khi xe chạy vào bệnh viện. Bác bảo vệ tươi cười mở cửa cho xe lách qua. Tụi nhỏ vẫn đang ngồi đó chờ Lam và Kim quay lại với chuyến xe cuối cùng. Thấy hai người, tụi nhỏ reo lên hồ hởi.
– Cô Lam, cô Kim.
Kim xuống xe, đỡ những phần quà cuối cùng chia cho từng đứa. Cầm bao lì xì đỏ thắm, mắt đứa nào cũng long lanh. Có chút xíu vậy thôi mà vui. Lam cũng vui lây.
Niềm vui ấy tưởng nhỏ nhoi mà sâu lắng. Chắc nó phải âm ỉ đến tận năm sau để Lam không quên lời hứa quay trở lại.Lam đã khóc, chỉ một tiếng trước đây khi bao quà hai chị em chở tới hết veo trong nháy mắt. Túi quà không lớn, nhưng nó là liều thuốc giảm đau tinh thần cực kỳ hiệu quả trong những ngày này.
Khi xong việc, Lam thấy đằng kia, dưới gốc cây, sau hành lang…, vẫn còn bé chưa có quà. Nhiều bé vừa nghe tin được ba mẹ ẵm ra với đôi mắt buồn tiu nghỉu. Lam đã không lường trước rằng sẽ có tình huống như thế xảy ra.
Cứ nghĩ chọn một, hai khoa theo số lượng các bé đăng ký ở lại và phát hết quà các nhà hảo tâm tặng là đủ. Nhưng không, các bé từ khoa này lan sang khoa kia. Chúng khoe với nhau, rủ nhau tới, chờ cô Lam.
Lam nói với Kim chạy nhanh về văn phòng. Chỗ này bịch bánh, chỗ kia lốc sữa, chỗ nọ bịch ngũ cốc…, Lam gom hết, bỏ tất cả vào bao rồi chạy vù xuống bãi xe. Điện thoại rung lên, mắt Lam nhòe đi khi nhận được tin nhắn của một bạn trên Facebook: “Em gửi chị thêm chút xíu. Chị mua gì cho tụi nhỏ giúp em nhé. Nhìn hình chị đăng em thấy thương quá, không cầm lòng được”.
5 triệu vừa vào tài khoản.
Lam lại chạy như bay lên văn phòng gom hết mớ bao lì xì còn dư mà mọi người để lại, hối hả cùng Kim chạy ra cây ATM rút số tiền vừa nhận được. Chưa bao giờ Lam thấy vui như thế. Niềm vui cứ như lan tỏa khiến Lam chỉ muốn cất tiếng hát vang trên suốt đoạn đường.
– Ăn tết vui con nha. Mau khỏe nha. Ra tết hết bệnh về nhà đi học tiếp hen!
Kim nựng đứa này một chút, ôm đứa kia một cái, bẹo má đứa nọ đầy yêu thương.
Lam thấy sống mũi mình cay cay.
Mỗi lần đi cùng Kim, Lam thích nhìn cách Kim chơi với tụi nhỏ. Kim là cô giáo mầm non đã 6, 7 năm. Ở trường tụi nhỏ không gọi Kim bằng cô, mà gọi là mẹ Kim.
Mẹ Kim có thâm niên chơi với các con nên tụi nhỏ quậy hay nhõng nhẽo cỡ nào mẹ cũng “trị” được. Không biết tình cảm Kim dành cho những đứa trẻ đặc biệt đến thế nào. Chỉ thấy nụ cười luôn trên môi Kim cả lúc tụi nhỏ ồn ào, chen lấn, tranh giành nhau.
Bánh kẹo, quà cáp đã phát xong, tụi nhỏ nấn ná mãi mới chịu theo ba mẹ lần lượt trở lại phòng bệnh. Có đứa lủng lẳng đeo theo chai truyền dịch. Có đứa địu cả cái băng trắng trên vai. Lam và Kim đứng nhìn theo, nén những cảm xúc ứ nghẹn nơi khóe mắt.
Kim siết tay Lam, rưng rưng. Hai chị em chào bác bảo vệ ra về. Bác bảo vệ không quên chúc hai đứa ăn Tết vui, còn dặn năm sau nhớ quay lại.
6 giờ chiều 29 tết, Sài Gòn bình yên như chưa bao giờ bình yên hơn thế. Lam đề nghị chở Kim đi một vòng cho biết thế nào là Tết ở Sài Gòn.
***
Kim dân miền Trung, gần 10 năm nay sống ở Sài Gòn. Năm nào cô cũng ráng sắp xếp khăn gói về quê ăn Tết cùng ba mẹ. Kim tình cảm, ít nói, hay cười. Cái gì cần làm nhanh, Kim dứt khoát hơn cả đàn ông con trai. Năm nay Kim quyết ở lại ăn Tết Sài Gòn cho biết với người ta. Cũng có thể là Kim né tránh, dù không nói ra, sau biến cố lớn về tình cảm.
Lam hiểu, khi cần Kim sẽ nói hoặc tự giải quyết. Nên cách để nắm tay Kim là cùng Kim làm điều gì đó. Lam thấy được ánh mắt, nụ cười Kim suốt từ hôm qua đến giờ. Ánh mắt của yêu thương đã giúp Kim quên nỗi nhớ nhà.
Lam cho xe đảo qua một vòng đường hoa. Lam bảo: “Chạy lang thang ở ngoài thôi nhé. Chị sợ vào trong”. Bao nhiêu năm nay vẫn vậy, Lam không thích ồn ào chen lấn trong biển người. Phố ông đồ sáng rực rỡ với đủ sắc màu. Hai chị em cũng chỉ lướt qua. Những con đường quen thuộc mỗi ngày Lam đều phải chen chúc giờ thưa thớt người xe. Bình yên đến lạ.
Lam cứ cho xe chạy như thế, vô định trên những cung đường quen. Cả hai im lặng, đuổi theo những nghĩ suy riêng của mình.
Nhớ lại đêm qua, nhớ lại cả chặng đường hôm nay, Lam thấy lòng rộn lên cảm giác khó tả. Chỉ mới 3 tiếng trước đó, Lam đã tưởng không thể xử lý đống quà sao cho ổn thỏa. Cả đêm hôm trước Lam, Kim và một người bạn nữa đã rong ruổi khắp Sài Gòn để tặng quà cho người vô gia cư. Nhưng đến khoảng 2 giờ sáng ngày 29, cả ba đành chấp nhận mang quà về. Không phát quà nếu không đúng người.
Cách làm thiện nguyện của Lam là vậy. Lam trân quý từng món quà nhỏ nhất của những nhà hảo tâm, mạnh thường quân, đến bạn bè. Lam hiểu nỗi vất vả để kiếm từng đồng bạc, rồi sớt bớt, chia cho người khó khăn hơn mình. Là người được gửi gắm trao đi yêu thương đó, Lam muốn mình phải làm thật tốt mới xứng đáng. Mang quà về mà trăn trở quá trời.
Hình ảnh hai người bạn già đi thu gom ve chai trên góc đường Nguyễn Chí Thanh với ổ bánh mì nguội lạnh. Hình ảnh bà cụ đạp chiếc xe cọc cạch giữa khuya trên ghi đông xe treo chiếc giỏ đệm. Hình ảnh cụ ông ngồi co ro bên góc hiên nhỏ đường Nguyễn Thị Minh Khai… Ba người trên xe cố dõi mắt mọi ngóc ngách để mang phần quà nhỏ xíu cho từng người một. Nhưng mà… thôi, Lam không muốn nghĩ đến những điều không đẹp, khoảnh khắc thiêng liêng này chỉ nên để yêu thương.
Đang lúc rối trí thì may sao Lam nhớ ra bác Tường làm việc ở phòng công tác xã hội của bệnh viện nhi. Lần trước nhóm Lam đã đến đây để tổ chức Trung thu cho các bé. Vậy mà Lam quên bẵng đi mất. Lam gọi ngay cho bác Tường để xin phép.
Phải có tiếng nói của bác Tường thì mấy chú bảo vệ mới cho Lam mang đồ vào chia cho tụi nhỏ. Và hai chị em đã có cả một buổi chiều cuối năm yêu thương như thế.
– Tết năm sau, chắc chắn chị sẽ quay lại.
Lam nói với Kim, cũng là đang nói với chính mình.
Ánh mắt tụi nhỏ. Nụ cười tụi nhỏ. Và cả nỗi đau rực rỡ của những chiến binh nhí ở bệnh viện khiến cho Lam không thể nào thôi day dứt, xót xa.
***
– Ồ, 30 Tết rồi ha chị.
Kim mở bung cửa sổ, đón những làn gió sớm lùa vào mát lạnh.
Đêm qua hai chị em đã ngủ thật ngon sau khi Kim kể đủ thứ chuyện về đêm 30 Tết ở quê mình. Kim bảo năm nay ở quê không mưa, thời tiết đẹp lắm nè.
Là Kim đang nhớ nhà. Có cứng rắn thế nào thì khoảnh khắc này cũng không giấu được lòng vẫn cồn cào sóng. Lam may mắn hơn, bố mẹ đều đã vào định cư trong này. Chỉ ba mươi phút xe máy là Lam có thể xuất hiện bên mâm cơm cùng bố mẹ. Mà Lam hư lắm, năm nào cũng nấn ná ở Sài Gòn cho đến ngày cuối cùng mới chịu về nhà. Hôm nay cũng vậy, Lam vẫn còn một việc phải làm.
Lam cho xe chạy theo đường Nơ Trang Long, hướng về cầu Bình Lợi. Xe chạy qua cầu chui, vào khu chợ nhỏ. Lam dừng lại bên lề để hỏi cho chắc đường ra bến sông. Xe tiếp tục len qua những con hẻm nhỏ hun hút chạy vào khu lao động.
Lam chạy thật chậm, nhìn ngắm những căn nhà nhỏ cũ phủ rêu. Không thấy cảnh nhộn nhịp bánh chưng bánh tét. Không hoa trái bày biện. Tất cả, bình yên như thể không phải 30 Tết đã về. Thi thoảng có vài đứa nhỏ chạy nhảy, trêu nhau là những âm thanh duy nhất trong xóm.
Con đường ra bến sông, nơi ghe chú Ba đậu nhỏ xíu. Vòng vo một hồi hai chị em cũng tìm được đúng đường. Lam dừng xe, khóa cẩn thận, phụ Kim xách bịch gạo 5 ký. Kim ôm bao xốp nào muối, đường, bột ngọt, dầu ăn… Người phụ nữ trẻ tận tình dắt hai chị em lại chỗ ghe, cất tiếng gọi:
– Có người tới thăm nè anh Ba.
Lam nhận ra cái dáng nhỏ nhắn, gầy gò của chú. Vẫn cái quần cộc quen thuộc, chú đưa tay với cái áo đang vắt trên thành ghe khoác vào người. Chú Ba cười, nụ cười từng tỏa sáng biết bao bài báo, bao chương trình truyền hình.
Chú hiền queo. Vẻ hiền lành của chú nhiều khi làm Lam thấy lo vì sợ chú bị người ta gạt. Ngay từ lần đầu gặp chú, cảm giác ấy cứ nhoi nhói trong tim Lam.
– Chú Ba làm cái nghề lạ lùng lắm, cứu người trên sông Sài Gòn.
Lam cứ hay bảo mình có duyên nên toàn gặp những nhân vật đặc biệt. Lam thích ngồi nghe cô chú kể chuyện, không phải là lúc quay hình thiếu tự nhiên. Buổi sáng của ngày cuối năm, Lam ngồi trên chiếc ghe tuềnh toàng mà thấm đẫm yêu thương của chú. Chiếc ghe đơn sơ đã cứu biết bao nhiêu con người thoát khỏi những mong manh của cuộc đời.
“Chú đừng buông tay con, đừng buông nha chú” – chàng trai trẻ vừa siết tay chú vừa khóc. “Lúc ấy chú đâu biết làm sao. Nó nắm tay chú chặt quá chú không giật cho máy nổ được mà cũng không chèo nổi. Chú biết nó sợ quá cuống hết cả lên nên kiên quyết không chịu buông tay chú.
Chú dỗ dành mãi bảo bình tĩnh để chú lấy miếng vải buộc nó vào thành ghe rồi chú chèo vào nhưng nó vẫn không chịu. Mà nó to quá, chú có lôi lên nổi đâu. Mất cả buổi để dỗ cu cậu mới bình tâm lại”.
Lúc kể, chú vẫn cười. Nụ cười sáng bừng trên gương mặt gầy gò, đen nhẻm của người đàn ông suốt ngày phơi mình trên sông nước. Hình như, cuộc đời chú Ba không có nỗi buồn nào có thể chạm vào được, kể cả khi nỗi cơ cực bốn mùa đeo mang. “Khi đưa được nó lên thuyền, thằng nhỏ cứng đơ luôn. Lúc đó cô phải nấu nước ấm lau người, thay đại bộ đồ của chú cho nó. Rồi cô đánh dầu cho nóng lên. Nó sợ quá, xỉu luôn con. Cô lay mãi mới tỉnh dậy”.
Cô cũng vừa kể, vừa cười.
“Mắc cười nhất là lúc hỏi nó sao nhảy cầu. Có giận hờn cha mẹ hay người yêu gì không thì nó mếu máo nói con bị tụi bạn nó xúi. Tụi bạn thách nên con làm”.
“Chú cười quá trời. Đúng là mấy đứa nhỏ trẻ người non dạ. Bạn cá cược đố nó bơi từ cầu vào bờ được, vậy mà nhảy, để nguyên cả quần áo lẫn giày mới ghê chứ. May mà gặp chú”.
Ngoài kia là nắng. Bến sông ngập nắng.
Những tàng lục bình trôi mải miết theo những con sóng nhỏ dập dờn. Chia tay cô chú trưa 30 Tết dưới chiếc ghe bình dị. Hình như nó vẫn thế, chẳng khác gì ngày thường. Không mâm cao cỗ đầy. Không hoa, không bánh. Chỉ có những nụ cười còn vương mãi ở khúc sông ấy trong bóng nắng hanh hao. Hai chị em đứng nhìn mãi khúc sông bình yên ấy. Kim thì thầm trong tiếng gió xuân lao xao:
– Em thích chú từ khi xem chương trình của chị làm. Thương. Giờ gặp lại càng thương hơn. Người gì mà hiền lành quá trời. Cả cô cũng vậy. Nhờ có họ mà đời đẹp hơn chị ha.
Lam thấy lòng mình bình yên vô tận. Kim siết tay Lam cười khe khẽ.
– Cảm ơn mùa xuân. Cám ơn chị. Cám ơn mọi người cho em có cái tết đầu tiên ở Sài Gòn thật ấm.
Lam cũng nói thật nhẹ:
– Chị cũng cảm ơn tất cả những con người mà mình được gặp, được kết nối và sẻ chia. Mùa xuân thật đẹp đúng không Kim? Mùa xuân sẽ mang yêu thương đến tất cả mọi người.
Lam nghe trong tim mình hân hoan những tràng pháo hoa rực rỡ.
Tác giả: Phương Huyền
Tiếp Thị Gia Đình