Khi những cơn gió đầu đông ập đến, bà lại vừa mừng vừa lo. Mừng vì bà biết thể nào Thương cũng sẽ quày quả bắt tàu trở ra Hà Nội. Dù cô cháu yêu có bận trăm công nghìn việc; vẫn nhớ mùa cúc họa mi nở trắng khu vườn nhỏ nhà bà mà tìm về. Truyện ngắn hay
Lo là tính từ lúc Thương đi đi về về; năm nào cô cũng chỉ lủi thủi một mình; và chẳng mảy may tính đến chuyện sẽ mang một anh chàng nào đó về ra mắt bà. Thương rời vòng tay bà vào Sài Gòn lập nghiệp cũng mười năm. Không năm nào con bé lỡ hẹn với bà và mùa hoa yêu thương.
Có lần bà xoa đầu cô, mắng yêu:
– Giờ thì siêng về thăm bà đi nhé. Sau có anh nào vớt đi thì bà có trông mòn mắt cũng chẳng thấy cháu đâu!
Thương cười khoe lúm đồng tiền chúm chím; tay vẫn miệt mài móc cho bà chiếc áo len giữ ấm, vỗ về bà.
– Không đâu ạ! Bà đã đặt tên cháu là Thương, nghĩa là cháu sẽ thương bà và nơi này; thương hoài, thương mãi. Sao có thể bỏ bà vì một anh chàng vớ vẩn nào đấy!
Bà bật cười:
– Bà cũng mong vậy. Nhưng cháu ơi, cuộc đời này là của cháu; vuông hay tròn, viên mãn hay bất hạnh đều nằm trong tay cháu. Không thể vì thương mãi bà và nơi này mà cháu phải chôn chân một chỗ.
Bà rất hay nói với Thương như thế khi cô suốt ngày bay bổng với những ý nghĩ giản đơn; rằng mình sẽ nuôi vài ba con gà, trồng vài vạt cúc; gầy dựng vài liếp rau, sống giản tiện như bà đã sống.
Khi Thương muốn buông ước mơ sách vở để tiếp sức với bà; bà một mực chối từ; còn mắng cháu bất hiếu khi phụ công nuôi dưỡng và hy vọng của bà.
– Ước mơ của cháu treo ngoài kia xa lắm; không phải ở vài vạt cúc trắng bé tẹo nhà bà. Đi đi, đi mà tìm cuộc đời của cháu.
Những lúc ấy, Thương lặng im không nói; chỉ vòng tay quanh người bà, dụi đầu vào ngực bà; mặc kệ những sợi tóc bạc phơ của bà phe phẩy cọ vào gò má. Hơn ai hết, bà biết Thương muốn neo đậu lại nơi đây vì điều gì. Cô mong chờ ngày mẹ cô trở lại; trong một mùa cúc họa mi xa xôi nào đấy. Nếu mẹ có mảy may nhớ ra mình còn có mụn con gái trên đời này.
Bà miết đôi bàn tay gân guốc trên mặt Thương; trông ra vạt cúc trắng; tưởng tượng bóng hình xiêu vẹo của người phụ nữ lạ mặt năm xưa. Người đã từng thảng thốt quật ngã đám cúc đang mùa cho hoa rực rỡ; trong vườn nhà bà khi bị bà phát hiện. Đám cúc bẹp dúm dưới đất, rệu rã hoang tàn sau cơn hoảng hốt của người đàn bà nọ. Nhưng bà không giận, cũng chẳng trách hờn; khi chị ta bỏ mặc đứa bé còn đỏ hỏn lại cho bà.
Ai tạo nghiệp chướng thì trời cao có mắt. Một đứa bé chẳng tội tình gì. Bà cũng chẳng tội tình gì; tội là bà không có ai bầu bạn sớm hôm. Đứa bé đến với bà như một duyên lành; không hề là gánh nặng hay đèo bòng như người làng vẫn hay xầm xì; mỗi khi bà ẵm bồng cháu đi loanh quanh dỗ nó ăn. Hình như đứa nhỏ cũng biết thân biết phận nên lớn ngoan trong vòng tay bà.
***
Hoài rõ ràng không ưng bụng khi mỗi năm cô thư ký mẫn cán; đều xin nghỉ phép dài hạn vào độ cuối tháng 11.
Thương chỉ bảo rằng mình cần về quê; đấy được xem là thông lệ. Cô về có giỗ chạp ông bà gì hay không; Hoài định gặng hỏi nhưng bỗng thấy mình vô duyên thế. Một vài món quà nho nhỏ Hoài gửi tặng bà; Thương cũng cầm lên đặt xuống bao lần mới chịu nhận lấy; không quên cảm ơn nhiều lần. Cô vẫn nhớ rằng Hoài là cấp trên; là tiền bối, cô không thể nào nhón một bước đã có thể sánh cùng tiền bối.
Kể từ khi K đi, để lại Hoài chết ngộp với nỗi cô đơn; và muôn vàn câu hỏi không lời đáp. Nhìn Thương, anh lại nhớ K da diết; dù ở cô không có một nét nào khơi gợi sự tương đồng với cô người yêu cũ. Thương sở hữu hai gò má phính trẻ con; khuôn môi chúm chím thoáng ánh lên chút son hồng nhạt tươi tắn; đôi mắt cũng tròn xoe ngơ ngác mỗi khi bị anh hỏi khó vài câu.
K khác. K luôn hút mắt người đối diện bằng nhân dạng hoàn hảo; son môi màu trầm lạnh lùng bí ẩn nhưng bù lại những bộ váy áo bó sát vừa khêu gợi vừa kiêu sa sang chảnh ngút ngàn. K luôn tỏ ra bí ẩn, cái cách cô rời khỏi anh cũng hoàn toàn bí ẩn; mất hút giữa thành phố ngỡ chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay. K ở đâu giữa những tòa nhà cao chọc trời; đến mức khó tìm ra một áng mây trôi lờ lững đâu đó trong thành phố.
Anh tuyệt nhiên không lần ra tăm hơi K; dù chỉ một chút manh mối mỏng như làn khói cũng không.
Chỉ có Thương ở lại cày đêm những dự án chống cháy cùng anh, chỉ một tháng thôi mà Thương gầy rạc đi, hai má không còn phúng phính như trước. Thương thèm ngủ đến nỗi khi anh quyết định thưởng tiền sau thắng lợi của dự án, cô kì kèo anh quy tiền ra thời gian ngủ. Thương ngây ngô như một đứa trẻ, nếu nó đã thèm kẹo thì nhất định phải đòi được kẹo, có cho cả núi tiền cũng không quan tâm.
Anh cho Thương ngủ thoải mái, ngay cả trong giờ làm; miễn đừng để sót bất cứ giấy tờ nào cần giải quyết. Còn anh, anh chỉ bận mỗi việc… canh cửa cho cô nàng ngủ thật ngon. Đương nhiên là phải kèm theo điều kiện, lần về quê này; cô sẽ phải đưa anh theo. “Đi đổi gió” thôi mà; anh nheo mắt cười bí hiểm khi Thương cố truy ra lý do anh muốn đi cùng.
Những vạt cúc họa mi trắng muốt chính là thứ mời gọi ánh mắt Hoài đầu tiên; khi đặt chân đến vùng đất của Thương.
Cô ngồi ngoan bên tiền bối trong một quán cà-phê nhỏ bé nép mình trong ngõ vắng; phụng phịu trả lời những câu hỏi mang tính riêng tư nhưng kể ra rất nhiệt tình. Cái giản đơn thuần khiết là thứ đúc nên hồn cốt một con người nhà quê như cô; và chẳng bao giờ Thương muốn gột rửa nó bằng những vật ngoài thân phù phiếm.
Dù cô cháu yêu chẳng hé ra một lời nào về anh sếp đẹp trai; nhưng bà vẫn cứ mừng rỡ như đám cúc reo vui trước gió; khi Hoài thì thầm hứa với bà rằng mùa cúc năm sau anh lại về. Còn bà, bà cũng vui miệng bảo sẽ giúp anh “cưa đổ” cô gái má phính nhà bà.
Chỉ có cái nheo mắt tít tắp của bà; nụ cười móm mém cùng đôi tay còn dính đầy những vụn đất ngoài vườn; mà Hoài tin rằng những mùa cúc sắp tới anh sẽ được ngồi lại nơi này; hít hà làn hơi ấm sực rồi phà vào tay Thương xua đi giá lạnh của mùa đông xứ Bắc.
Như bà bảo Hoài rằng, cứ tin cứ yêu, rồi sẽ được, cháu ơi!
Tác giả: Trần Huyền Trang
Tiếp Thị Gia Đình