Trang trí ngôi nhà với hoa hồng, nữ chúa các loài hoa (Phần 2)

Tiếp theo phần 1, TTGĐ mang đến cho bạn các mẹo trồng và chăm sóc hoa hồng, để làm đẹp không gian sống

Hãy trồng hoa hồng 

Hoa hồng rất dễ trồng. Nếu bạn có một khoảnh đất nho nhỏ? Quá tuyệt vời. Hãy trồng giống hồng leo. Bụi hồng leo lên vách tường nhà hay hàng rào bên ngoài sẽ buộc bạn sáng nào cũng phải check in nhà mình và selfie.Nếu bạn chỉ có khoảng ban công hay ô cửa sổ? Chả sao! Có rất nhiều loại hồng cho bạn chọn. Hoa cao 30 cm đặt trên bàn, trên ô cửa sổ. Hồng thân gỗ cao từ 1 đến 2m, rất phù hợp cho ban công.

Hoa hồng ưa nắng, ưa nước, cứ đủ hai thành phần này là hoa nở liên tục. Khi hoa tàn, bạn chỉ việc cắt các cành chết, để lại nhiều mắt trên cành để lộc mới nảy ra.

Thế giới có tới hơn 150 loại hoa hồng với đủ loại màu sắc và hình dáng.

Ở Việt Nam, nếu mới bắt đầu chơi, bạn nên trồng những giống dễ trồng. Ở phía Bắc, đó là giống hồng cổ Sapa, hồng cổ Vân Khôi, hồng đào cổ; hồng bạch xếp Nam Định hay hồng leo Hải Phòng. Ở phía Nam nắng nóng, các giống hồng Sa Đéc như hồng hai da, hồng nhung, hồng tím ruốc, hồng ba màu… rất dễ trồng và ra hoa liên tục.

Hiện nay các loại hồng ngoại nhập có khá nhiều

Các giống dễ trồng là hồng Pháp, hồng leo Mỹ Ái, hồng leo Mon Coeur, hồng Abraham Darby. Còn nhiều giống hồng nhập khác, nhưng việc chăm sóc chúng đòi hỏi thời gian và kỹ thuật. Bất cứ vườn hồng nào cũng có thể hướng dẫn bạn cách trồng, cũng như cung cấp phân bón và thuốc chăm sóc cho cây.

Em trồng giàn bông, trước cửa nhà em 
Bước 1: Chọn hướng nắng

Hoa hồng cần tối thiểu 6 giờ nắng mỗi ngày. Khi trồng cây hay gieo hạt, bạn cần chú ý lựa chọn hướng ánh sáng (ánh nắng mặt trời trực tiếp). Thông thường, vị trí trồng hồng lý tưởng là ở ban công hướng Đông, nơi ánh sáng đầu ngày chiếu nhiều.

Bước 2: Làm đất trước khi trồng

Đất trồng dinh dưỡng là yếu tố quan trọng bậc nhất để quyết định vẻ đẹp của những đóa hồng. Bạn cần lựa chọn những chậu lớn để chứa được lượng đất nhiều nhất có thể, phù hợp với giống hồng muốn trồng và mức độ phát triển của cây. Lượng đất càng nhiều, bạn sẽ càng nhàn khi chăm sóc hồng.

Đảm bảo hệ thống thoát nước cho chậu hồng, bằng cách tạo nhiều lỗ thoát nước dưới đáy chậu, kê lót mảnh sành có độ cong lớn úp trên mặt lỗ thoát. Hạt đất có kích cỡ lớn cho xuống phía dưới, hạt đất cỡ nhỏ rải lên trên. Chọn đất tơi xốp có độ thoát nước tốt, không để nước tưới bị ứ đọng làm hư bộ rễ. Tùy vào kích thước bồn hay chậu mà chọn khoảng cách phù hợp giữa các chậu, để đảm bảo lá cây nhận đầy đủ ánh sáng.

Bạn tránh đặt nhiều chậu hồng san sát nhau, vì khi ấy cây sẽ mọc vống cao để cạnh tranh ánh sáng.

Bước 3: Tưới nước, bón phân cho cây hoa hồng 

Bạn nên tưới nước cho cây hoa hồng bằng vòi phun nhẹ, tưới đều vào mỗi buổi sáng. Mùa hè nắng gắt, nên tưới thêm nước cho cây. Tuy nhiên, bạn hạn chế tưới vào hoàng hôn hoặc khi đêm xuống. Khi ấy, nước đọng lại ở lá và nụ hồng qua đêm, dễ khiến sâu bệnh phát triển.

Sau khi trồng từ 3–5 ngày, bạn phun phân bón lá như: Atonik. B1, Ba lá xanh 16.16.8, HPV 30.10.10, phân cá, rong biển… để cây phát triển tốt. Hoa khi nở sẽ có màu sắc rực rỡ. Từ 10–15 ngày khi cây ra rễ, phát ra lá non, bạn bón bổ sung phân hạt như: Dynamic, phân dơi, phân NPK hay DAP… Lúc này, bạn bón xung quanh gốc cây. Bón xong lấp đất lại. Bạn sử dụng muỗng cà phê để định lượng phân bón cho an toàn, tránh làm ảnh hưởng đến rễ cây. Sau khi bón, tưới lại nước giúp cây hấp thu tốt dinh dưỡng.

Định kỳ hàng tháng một lần phun bón lá và một lần bón gốc xen kẽ.

Khi bón phân cho hoa hồng, nếu cây cho nhánh mới có màu đỏ tía đậm và cành mập mạp thì có nghĩa bạn đang cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây. Ngược lại, cây cao vống, cành ốm yếu nghĩa là cây đang thiếu dinh dưỡng, cần tăng cường chăm sóc cho kỳ tỉa nhánh lần sau.

Thường xuyên cắt bỏ lá hoa hư và tỉa cành sau khi nhánh hồng ra hoa. Sau khi hoa tàn, bạn cắt sâu đoạn cành sát gốc (cành cho ra hoa). Tỉa càng sát gốc, mầm non sẽ bật ra càng nhiều, càng khỏe mạnh. Càng tỉa gần ngọn thì mầm càng bật ít và yếu. Lưu ý mặt vát khi cắt: Vát góc 45 độ thôi nhé, không quá vát, cũng không quá ngang. Cây hoa hồng có khả năng liền vết thương chỗ cắt rất nhanh. Bạn không cần quá lo lắng và bôi thêm thuốc như một số loài cây khác. Đối với hoa đã tàn nên cắt bỏ. Khi cắt cần cắt bấm ngọn thêm hai tầng lá để cây có sức đâm nhánh.

Bài: QUỲNH TRANG 

Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua