Trang trí không gian với cây thuỷ sinh, thú chơi của thị dân sành điệu (Phần 2)

Tiếp theo phần 1, TTGĐ mang đến cho bạn những mẹo trồng cây thuỷ sinh đẹp, dễ phát triển để trang trí cho không gian sống ngày một xanh

Chăm cây thủy sinh như chăm… con, đó là tâm sự của nhiều người chơi thuỷ sinh. Những mẹo trồng cây thuỷ sinh sau đây sẽ giúp bạn gầy một vườn thuỷ sinh tuyệt đẹp.

Mẹo trồng cây thuỷ sinh: Ánh sáng

Mỗi loài thủy sinh lại có một nhu cầu ánh sáng khác nhau. Tuy nhiên ánh sáng vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu với cây. Một số loài sinh trưởng nhanh cần ánh sáng mạnh. Các loài sinh trưởng chậm có thể sống được ở nơi ít sáng, nửa râm.

– Cây trồng trong bể cá, hồ thủy sinh: cần nắm rõ rằng ánh sáng gần mặt nước sẽ mạnh hơn so với ánh sáng sát dưới nền. Bạn cần đặt đèn chiếu sáng cho bể nếu nó nằm ở vị trí thiếu ánh nắng mặt trời.

– Cây cảnh trồng chậu đặt bàn làm việc hay ban công: cần biết cây thuộc loại ưa sáng hay sống được dưới ánh đèn huỳnh quang, và cần bao nhiêu giờ tắm nắng mặt trời để cây phát triển tốt.

– Các giống cây trồng thủy sinh đều cần ánh sáng liên tục từ 8 – 10h mỗi ngày, tùy vào từng loại mà chiếu sáng bằng đèn hay cho ra ánh mắt mặt trời.

Cây thuỷ sinh đòi hỏi bạn phải chăm chút nhiều. Nhưng việc chăm chút lại mang đến nhiều niềm vui!

Mẹo trồng cây thủy sinh: Dinh dưỡng và thay nước

– Với bể có cá, tôm, thì sau khoảng 6 tháng chất dinh dưỡng sẽ ít dần đi. Lúc này bạn cần cung cấp phân nước hoặc các loại dung dịch dinh dưỡng cho bể. Lưu ý, chỉ cho một lượng vừa đủ, vì nếu quá nhiều, dư thừa chất dinh dưỡng sẽ tạo điều kiện cho rêu tảo phát triển gây hại cây.

– Cây được trồng trong chậu thủy tinh nhỏ vì ít lượng nước và chất dinh dưỡng nên phải được bổ sung dung dịch thường xuyên hơn, có thể 1–2 lần/tháng.

– Bạn nên thay nước cho chậu cây mỗi 2 tuần. Với bể cá thì có thể tăng thời gian lên là 1 tháng. Khi thay, chỉ thay khoảng 50% nước trong hồ, tùy thuộc vào số lượng cá nuôi và chất lượng của hệ thống lọc nước, và đảm bảo nước mới có cùng nhiệt độ với nước trong hồ (không lạnh hơn hay nóng hơn).

– Tuyệt đối không được dùng nước máy chưa qua xử lý, chứa nhiều Clo vì có thể gây hại cho cây hoặc các loài cá.

Mẹo trồng cây thủy sinh: CO2

Cây cần lượng CO2 thích hợp để phát triển nên bạn phải sục khí CO2 cho bể thủy sinh thường xuyên. Tuy nhiên, không được để lượng CO2 trong nước quá đậm đặc khiến cá và các sinh vật trong bể bị thiếu ô-xy để hô hấp.
Nếu bể nuôi nhiều cá thì giảm cung cấp lượng khí này lại. Nước trong bể có thể cân bằng ổn định vì cá sẽ thải khí này ra cho cây.

Mẹo trồng cây thủy sinh: Những lưu ý khác

– Đá sỏi và cát nên rửa sạch để tránh ô nhiễm nước trong hồ.

– Cây trồng thủy sinh vàng hay rụng lá là do thiếu ánh sáng. Hãy thường xuyên cho cây ra hấp thụ ánh nắng mặt trời vào buổi sáng sớm.

– So với cây trồng trong đất, cách trồng không đất này sẽ khiến cây có rễ trơn, trắng hơn. Nếu bộ rễ bị nấm mốc hoặc lúc mới chuyển cây từ trồng đất sang chậu nước. Với một số loài cây mọc thành bụi như rau má, trầu bà… nên dùng tay nhẹ nhàng tách nhỏ ra để trồng.

Bài: TÂM HẢO 

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua