Tình hình Covid-19 tại Việt Nam trước ngày hết hạn giãn cách xã hội

Theo Bộ Y tế, tính đến thời điểm sáng 21/4 số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam vẫn là 268. Như vậy, đã 5 ngày liên tiếp chúng ta không ghi nhận thêm ca mắc nào.

giãn cách xã hội

Ảnh: Shutterstock

Theo đề xuất của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 quốc gia, TP.HCM, Hà Nội và 10 tỉnh thành có nguy cơ lây lan cao đã nghiêm chỉnh thực hiện lệnh giãn cách xã hội đến ngày 22/4. Trước khi đón nhận thêm thông tin mới về lệnh giãn cách xã hội mới trong mùa Covid-19. Hãy cùng điểm qua những thông tin mới về tình hình dịch bệnh và diễn biến của xã hội.

5 ngày không có ca mới nhiễm Covid-19

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, tính từ ngày 16/4, cả nước không có ca mắc mới Covid-19. Như vậy đã 5 ngày liên tiếp trong chuỗi giãn cách xã hội đợt 2, Việt Nam không ghi nhận ca mắc nào. Đến 12h trưa ngày 21/4, Việt Nam vẫn chỉ ghi nhận 268 ca bệnh. Trong đó có 231 ca đã khỏi bệnh.

Bên cạnh đó Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết tính đến nay TP.HCM còn 2 ca đang được theo dõi, điều trị. Trường hợp nặng nhất là bệnh nhân 91 đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Hiện tại tình trạng bệnh nhân ổn định, không sốt, mạch huyết áp bình thường. Đặc biệt, chức năng phổi có cải thiện khá hơn sau khi tập vật lý trị liệu hô hấp.

Cả nước còn 6 ổ dịch cần giám sát

Bộ Y tế cho biết đang tiếp tục khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp. Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cả nước. Đặc biệt là ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh (huyện Mê Linh, TP. Hà Nội); thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến (huyện Thường Tín, Hà Nội); Bệnh viện Thận Hà Nội; quán bar Buddah (TP.HCM); Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội); và xã Phố Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang).

Đồng thời, tăng cường hoạt động điều tra. Cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm cán bộ y tế, bệnh nhân, người chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, nhà máy Sam Sung (tỉnh Bắc Ninh) để tập trung xử lý ổ dịch phòng chống lây nhiễm.

TP.HCM xem xét mở rộng một số hoạt động thiết yếu sau đợt giãn cách xã hội

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong vừa kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, đến hết ngày 22/4/2020, chuyển TP. Hồ Chí Minh từ nhóm “nguy cơ cao” xuống nhóm “có nguy cơ” về dịch Covid-19 và thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng. Hiện tại, TP đang nghiên cứu mở dần một số hoạt động thiết yếu, ít nguy cơ lây nhiễm, gắn với bộ tiêu chí kiểm soát dịch bệnh trong từng ngành, lĩnh vực. Các kế hoạch vực dậy kinh tế nằm trong nguyên tắc hết sức thận trọng, cân nhắc nhiều mặt; thí điểm, đánh giá đa chiều và triển khai từng bước, sau đó mới nhân rộng.

Điển hình là tổ chức thí điểm đối với các ngành kinh doanh ít nguy cơ, có quy mô nhỏ, sau đó sẽ tổng kết, đánh giá và nhân rộng. Đối với các ngành kinh doanh ít nguy cơ nhưng có quy mô lớn thì tổ chức thí điểm 30 ngày. Tùy tình hình dịch bệnh TP sẽ điều chỉnh thời gian thí điểm, nhân rộng và cho phép mở rộng các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.

Sẽ thi tốt nghiệp THPT 2020 phù hợp tình hình thực tế

Sáng 21-4, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp với Bộ GD-ĐT về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Tại cuộc họp cũng thống nhất từ năm nay, các trường đại học- cao đẳng sẽ tự chủ về tuyển sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT có mục tiêu chính là công nhận hoàn thành chương trình GD phổ thông. Trước đó kỳ thi này được Bộ GD-ĐT dự kiến tổ chức vào tháng 8-2020.

Hiện tại, Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ các phương án khác nhau. Trong đó ngoài phương án tổ chức thi, Bộ GD-ĐT còn phương án không tổ chức kỳ thi. Việc xét tốt nghiệp THPT sẽ chuyển giao cho địa phương. Các trường ĐH-CĐ sẽ chủ động phương thức tuyển sinh, không dựa vào kết quả thi THPT quốc gia.

Bộ GD-ĐT cũng đã điều chỉnh khung thời gian năm học, kết thúc vào 15-7 và tinh giản nội dung chương trình, hướng dẫn các nhà trường thực hiện việc dạy học qua Internet và truyền hình trong thời gian các nhà trường chưa đón học sinh trở lại.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua