Ngoài là giảng viên của trường Đại học Khoa học Xã hội & nhân văn TP.HCM, tiến sĩ Hà Thanh Vân còn là một cây viết tạo được phong cách trên mạng xã hội, đặc biệt trang Facebook của chị thường thu hút lượng lớn bạn đọc và bình luận với các bài viết mang nội dung liên quan đến tâm lý tình cảm của chị em phụ nữ. Với lối tư duy hiện đại và kinh nghiệm vốn có cùng cách hành văn hóm hĩnh của mình, tác giả tiếp cận đủ các vấn đề về nữ giới, nam giới đặc biệt là tình cảm cũng như lối sống thời hiện đại của hai cực giới tính này. Tuy vậy Đàn bà thì phù phiếm của Hà Thân Vân không chỉ là một cuốn sách xoay quanh các câu chuyện liên quan đến bản chất, đặc tính vốn phù phiếm của đàn đàn bà và câu hỏi đàn bà phù phiếm ra sao? mà nó mang đến cho độc giả nhiều góc nhìn và nhiều câu hỏi khác nhau trong những đề tài được tác giả cố tình được nêu ra trong ba phần của cuốn sách “Đàn ông và đàn bà…”, “Tình là tình chát” và “Phù phiếm truyện”.
Xuyên suốt cuốn sách, rất nhiều đề tài được đem ra luận bàn, có những đề tài hết sức quen thuộc như: “Hồng nhan tri kỷ”, “Khi nào phụ nữ nói lời chia tay?”, “Có nên yêu lại từ đâu?” đến các chủ đề liên quan đến sống ảo: “Đàn ông facebook” và “Đàn bà facebook”, “Dù là trên mạng, ta cũng cần yêu nhau”, “Đừng bao giờ offline với anh” và tất nhiên không thể thiếu những tiêu đề luận bàn đặc thù của giới chị em: “Phụ nữ ngoại tình tư tưởng, đàn ông ngoại tình thể xác”, “Vì sao đàn ông khó tha thứ khi vợ mình ngoại tình?” hay “Vì sao đàn bà phải đẹp và độc lập tài chính?”rồi thì“Đàn ông nên yêu phụ nữ đẹp hay phụ nữ thông minh?”…
Dù là đề tài nào đi chăng nữa, nhưng với phong cách dẫn đạt có cảm hứng và hóm hĩnh, tiến sĩ Hà Thanh Vân luôn tạo ra tiếng cười lẫn những điều có thể suy ngẫm trong mỗi bài viết. Tác giả có thể hài hước phân loại đàn bà và đàn ông trong thế giới Facebook dựa trên những cách thức đăng ảnh và status thường xuyên của họ, nhưng vẫn nghiêm túc đặt ra câu hỏi đàn ông nên yêu phụ nữ đẹp và thông minh?
Trong Đàn bà thì phù phiếm, tiến sĩ Hà Thanh Vân không chỉ có những bài viết sôi nổi, hài hước mà qua cách sống đa sắc của mình, chị còn là một người rất có chiều sâu cảm nhận. Như trong bài “Mùi vị những chuyến đi”, với giọng văn trong trẻo, chị tô điểm thêm cho sở thích của mình: “Những chuyến đi không chỉ có màu sắc, những chuyến đi còn có mùi vị. Thứ mùi vị mong manh, mơ hồ của ám ảnh, quyện vào với quần áo, da thịt người. Mùi ngọt ngào của nắng vàng óng ánh, mùi ẩm mốc của mưa phùn, mùi cỏ thơm bên đường, mùi cỏ dại thoáng qua, mùi nước hoa của chính bản thân.”
Ở buổi ra mắt sách Đàn bà thì phù phiếm, đứng trước câu hỏi về tác dụng của phù phiếm ra sao trong cuộc sống thường nhật, tác giả khẳng định: “Đàn bà hay đàn ông đều phù phiếm, đàn ông phù phiếm là họ nên mặc bộ đồ gì cho một buổi lễ quan trọng, nên ra sao khi gặp người yêu. Trong khi đặc tính đàn bà là phù phiếm. Họ phù phiếm khi mua đôi giày, khi đi ăn, khi đi chơi… Phù phiếm nói tóm lại cũng là một thứ gì đó khiến con người ta có cảm giác sống thoải mái mà thôi.”
Tiến sĩ Hà Thanh Vân là một nhà khoa học, giảng viên đại học; nhưng bên cạnh những công trình, bài viết có tính chất hàn lâm, chị còn được biết đến như một “phượt thủ” đi nhiều, viết khỏe, đa dạng về mọi đề tài. Tiến sĩ Hà Thanh Vân từng xuất bản một số tác phẩm nghiên cứu như: “So sánh loại tiểu thuyết tài tử giai nhân ở các nước phương Đông thời kỳ trung đại (Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên)”; “Văn học trẻ TP.HCM 1975 – 2010” cùng 19 tác phẩm nghiên cứu viết chung khác.
Sách Đàn bà thì phù phiếm do Saigon Books và NXB Phụ Nữ ấn hành, giá 90.000 đồng.
Nam Lê
Tiếp Thị Gia Đình