Nhu cầu về thực phẩm và thời trang thuần chay thời hiện đại trỗi dậy từ những cuộc biểu tình của millennial hippies – một bộ phận giới trẻ phản đối chiến tranh, đề cao tự do, tình yêu, hoà bình và thiên nhiên vào những năm 1960. Ngày nay, thuần chay đã trở thành phong cách sống đương đại được rất nhiều người ưa chuộng. Tuy vậy, xu hướng này cần nhiều cải tiến mới có thể trở thành giải pháp tốt cho cuộc khủng hoảng môi trường.
Thời trang thuần chay là gì?
Tháng 1, 2014, chiến dịch Veganuary (thử thách người tham gia duy trì chế độ ăn chay trong 1 tháng) ra đời. Sau đó, xu hướng thuần chay dần len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, kể cả thời trang. Và rồi xu hướng thời trang bùng nổ mạnh mẽ kể từ năm 2015. Những tín đồ ăn chay chính là người giúp xu hướng này ngày càng phát triển mạnh.
Thời trang thuần chay (vegan fashion) là xu hướng khai thác các chất liệu thiết kế không liên quan đến giết hại động vật. Thay vì sử dụng các chất liệu có nguồn gốc từ động vật như da, lông thú, lông vũ… xu hướng này sử dụng các chất liệu thay thế mang tính nhân đạo hơn.
Ngoài ra, thời trang thuần chay còn chú trọng đến quyền lợi xã hội của các công nhân. Nói cách khác, xu hướng thời trang này cân bằng giữa tư duy kinh doanh với các giá trị đạo đức và trách nhiệm xã hội.
Còn cần nhiều cải tiến để trở thành giải pháp tốt
Thời trang thuần chay đang cứu sống nhiều loài động vật. Nhưng nó lại khiến một vấn đề khác trầm trọng thêm. Đó chính là rác thải nhựa. Và vấn đề này lại còn gây hại môi trường lâu dài hơn. Một số thương hiệu sẽ dùng nhựa hoặc các loại vải không phân huỷ sinh học để thay thế cho chất liệu làm từ động vật. Chẳng hạn như lông cừu nhân tạo được làm từ polyester. Các loại da nhân tạo cũng phải trải qua quá trình crom hoá.
Kết quả là, khi chúng kết thúc ở các bãi rác, hoặc thải ra đại dương, thì lại trực tiếp làm ô nhiễm hệ sinh thái. Không chỉ vậy, chúng còn giết chết hàng triệu loại cá, động vật khác nhau trong một thời gian ngắn.
Thời trang thuần chay mang tính nhân đạo nhưng không phải lúc nào cũng thân thiện với môi trường. Xu hướng này hiện tại chỉ có thể bảo vệ động vật. Chứ nó chưa thể giải quyết các vấn đề về môi trường. Nhưng nói vậy không có nghĩa là chúng ta lên án việc sử dụng da, lông thú nhân tạo. Bởi ngay cả xu hướng thời trang bền vững cũng không thể “bền vững” hoàn toàn được. Thay vào đó, hãy mua một cách chọn lọc, tái chế và tái sử dụng. Đó là những việc đơn giản nhất mà chúng ta có thể làm với tư cách người tiêu dùng để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Tiếp Thị Gia Đình