“Thịt giả” xu thế của thời đại mới

Trước những hậu quả do biến đổi môi trường, giải pháp thịt thực vật không chỉ làm hài lòng nhu cầu sống của con người mà còn giúp trái đất trút bỏ kha khá gánh nặng trên vai

thịt thực vật

Ảnh: Shutterstock

Không chỉ đảm bảo khả năng dinh dưỡng, thịt thực vật còn có mùi vị giống thịt truyền thống. Tuy chỉ mới ra mắt nhưng nó lại đang phát triển rất nhanh!

“Thịt giả” là gì?

Nói đến nguồn cung chất đạm (protein) cho cơ thể, chúng ta nghĩ ngay đến thịt từ động vật. Tuy nhiên, có một khái niệm mới gọi tên là thịt nhân tạo. Chúng được đánh giá là có khả năng thay thế thịt động vật. Có 2 loại thịt nhân tạo là thịt từ thực vật (đậu nành, lúa mì). Và một loại khác được làm từ thịt nuôi cấy từ tế bào động vật trong phòng thí nghiệm.

Để tạo nên sản phẩm thay thế được thịt truyền thống, các loại thịt “giả” phải đạt đủ 4 yếu tố. Đó là về màu sắc, hương vị, dinh dưỡng và kết cấu.

Làn sóng thịt thực vật trên toàn cầu

Theo nghiên cứu từ Grand View Research cho thấy, quy mô thị trường thịt thực vật trên toàn cầu đạt giá trị 3,3 tỷ USD (năm 2019). Dự kiến con số này sẽ còn tăng trưởng hằng năm với tốc độ kép là 19,4% từ năm 2020 đến năm 2027. Hàng loạt những ông lớn trong ngành thức ăn nhanh (fastfood) như Subway, Burger King, KFC; cho đến những cái tên mới mẻ như Beyond Meat và Impossible Food đã và đang tung ra thị trường các loại thịt thay thế với chất lượng như thịt “thật” của riêng họ.

Vào cuối năm 2020, ông trùm fast-food toàn cầu McDonald’s cũng tiếp tục ghi tên mình vào xu thế sử dụng “thịt giả”. Họ thông báo cho ra mắt một dòng sản phẩm mới. Đó là chiếc bánh mì burger thuần chay được làm từ thực vật (plant-based burgers) mang tên là McPlant. Theo đó, miếng thịt McPlant này sử dụng protein từ lúa mì, khoai tây, dầu dừa và một nguyên liệu đặc biệt gọi là heme. Đây là các phân tử leghemoglobin có chứa sắt trong protein động vật nhưng được làm từ đậu nành.

Thịt giả nhưng đạm thật

“Thịt giả” là sản phẩm được tạo ra có chứa nhiều protein; kèm theo các loại axit amin và vitamin thiết yếu cho cơ thể con người. Điểm quan trọng được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn chính là khả năng giảm được lượng chất béo bão hòa. Một số nghiên cứu còn cho thấy việc dùng thực phẩm từ thịt thực vật có thể làm giảm khả năng nhiễm các loại bệnh do vi khuẩn gây ra như salmonella và E.coli.

Đặc biệt hơn, thịt thực vật còn được kỳ vọng sẽ giảm tải áp lực cho y tế cộng đồng. Đó là nhờ ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.

Vẫn có thể gây tăng cân

Dù mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và môi trường sống nhưng thịt thực vật vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc tiêu thụ loại thịt này sẽ không giống như bạn đang ăn rau. Bởi chúng đã được chế biến qua nhiều công đoạn với hàng tá nguyên liệu, dưỡng chất. Vì vậy, nếu bạn ăn quá nhiều, chúng vẫn có thể tích tụ mỡ thừa vào cơ thể và gây tăng cân.

Kết

Trước những hậu quả do biến đổi môi trường, giải pháp thịt thực vật không chỉ làm hài lòng nhu cầu sống của con người mà còn giúp trái đất trút bỏ kha khá gánh nặng trên vai. Nếu chúng dần chiếm vị thế, chúng ta có thể nghĩ đến một tương lai không cần kiêng thịt. Và không một con vật nào phải “hy sinh” để làm thực phẩm cho con người.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua