Theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch được gọi là “tháng cô hồn”. Người đời truyền tai nhau rằng cứ vào ngày 2/7 âm lịch hằng năm, Diêm Vương sẽ cho mở Quỷ môn quan để quỷ đói trở về nhân gian đến ngày rằm. Trong thời gian được “thả”, vong linh cõi âm tự do lang bạt khắp nhân gian và mang đến nhiều điều xui xẻo, rắc rối.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng thời điểm âm dương giao thoa là dịp để tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên – những người đã khuất qua việc cầu siêu hoặc thăm mộ phần.
Những điều nên làm vào tháng 7 âm lịch
Như đã đề cập phía trên, tháng 7 âm lịch cũng được xem là một dịp để thăm viếng mộ phần, tưởng nhớ tới tổ tiên. Ngoài ra, dân gian cũng khuyên nên làm lễ cúng để tỏ lòng thành với các cô hồn. Khi đã cúng chúng sinh xong và chuẩn bị bước vào cửa chính, đàn ông hãy đi qua lửa 7 lần, phụ nữ đi qua lửa 9 lần rồi mới vào nhà. Nếu có thể thì nên ăn chay để tích đức. Đi chùa cầu bình an và làm nhiều việc thiện.
Sau 17 âm lịch nên chuẩn bị hỗn hợp ngũ vị hương. Bao gồm hồi khô, quế khô, xả, hương nhu, mùi thơm kết hợp cùng rượu gừng để thanh tẩy toàn bộ căn nhà. Đây cũng là phương pháp cân bằng sinh khí trong tháng 7 âm thịnh dương suy.
Xem thêm: Đốt vàng mã ở chung cư sao cho đúng?
Vậy đâu là những điều không nên làm vào tháng 7 âm lịch?
Để gia đạo an yên ngay cả trong tháng 7 âm lịch, chúng ta phải chú ý kiêng kị 10 điều sau đây:
- Hạn chế mua bán nhà cửa, đất đai để ở từ 12/7 âm đến 18/7 âm.
- Không khởi công, động thổ, nhập trạch về nhà mới hay khai trương trong tháng này.
- Các cặp vợ chồng muốn cầu tự nên tránh khoảng thời gian từ 12/7 âm đến 18/7 âm.
- Đi viếng chùa, miếu thì không nên chụp ảnh.
- Không cắm đũa giữa bát cơm, không gõ mâm gõ nồi thành tràng dài.
- Đi tới những nơi vắng vẻ không nên quay đầu nhìn lại phía sau.
- Không gội đầu sau 23 giờ đêm, không phơi quần áo vào ban đêm.
- Không ăn vụng đồ cúng.
- Không cúng chúng sinh trong nhà, không tùy tiện đốt vàng mã.
- Người yếu bóng vía, trẻ nhỏ không nên đi chơi đêm trong tháng 7 âm lịch. Khi ra đường hạn chế gọi tên nhau vì đó là điềm xấu.
Những điều kể trên đều là kinh nghiệm truyền lại từ nhiều đời mà không ai hay ngành khoa học nào có thể phân rõ đúng sai. Nhưng với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên người dân vẫn chú trọng làm theo.
Tiếp Thị Gia Đình