Trên mạng xã hội Facebook, việc thành lập nhóm rất dễ dàng và hầu như không có điều kiện bắt buộc nào. Số lượng nhóm antifan người nổi tiếng; từ ca sĩ, nhạc sĩ cho đến nhà văn, cầu thủ, hoa hậu ngày một đông đảo. Gây ồn ào nhất gần đây là trường hợp của ca sĩ Sơn Tùng M-TP và nữ diễn viên mới Hải Tú (nữ chính trong MV Chúng ta của hiện tại do Sơn Tùng M-TP hát). Nhiều nhóm trên mạng xã hội tẩy chay Hải Tú vì nghi cô là người thứ ba; xen vào mối quan hệ tình cảm giữa ca sĩ Thiều Bảo Trâm và Sơn Tùng M-TP; dẫn đến tan vỡ mối tình 8 năm này. Số lượng thành viên các nhóm antifan tăng vọt. Nhóm đông nhất đạt đến 250.000 người.
Còn nhiều nhóm antifan khác cũng đông đúc không kém, có thể kể đến như nhóm antifan nhà văn Gào (tên thật Vũ Phương Thanh) với hơn 145.000 thành viên; nhóm anti diễn viên, ca sĩ, hoa hậu Hương Giang thu hút hơn 100.000 người; anti hoa hậu Phạm Hương hơn 50.000 thành viên…
Tại những hội nhóm này, các thành viên cung cấp thông tin hầu như đều chưa qua kiểm chứng. Họ đưa ra suy đoán, cung cấp bằng chứng mập mờ, tin đồn bóng gió, thất thiệt; để tấn công, làm tổn hại danh tiếng ngôi sao mình không thích. Trong thời đại 4.0, chưa bao giờ “hiệu ứng tẩy chay” lại có sức mạnh to lớn đến thế. Tuy nhiên, tẩy chay lúc nào thì nên hay không, đó lại là một câu chuyện dài.
Tẩy chay theo lý trí
Cách đây vài năm, nam ca sĩ Phạm Anh Khoa bị dư luận tấn công mạnh mẽ đến mức gần như biến mất khỏi showbiz. Hiện anh chưa có trạng thái quay trở lại. Nguyên nhân là anh bị tố cáo quấy rối bạn diễn bằng lời lẽ và hành động thô tục. Danh hài Minh Béo dính tới scandal lạm dụng tình dục trẻ em trên đất Mỹ. Khán giả trong nước không ai bảo ai; đồng loạt lên tiếng tẩy chay, đòi bài trừ khỏi làng giải trí Việt. Sự nghiệp của Minh Béo coi như kết thúc.
Đó là 2 trong rất nhiều trường hợp bị tẩy chay chính đáng trong showbiz Việt. Suy cho cùng, động thái “cạch mặt” của công chúng dành cho những nghệ sĩ trên là không có gì sai. Họ gây ra lỗi và tự họ đã gián tiếp cắt đứt con đường nghệ thuật của chính mình. Có tài nhưng thiếu đức và tâm, họ không xứng đáng với niềm tin yêu, kỳ vọng của khán giả. Việc công chúng quay lưng khi họ làm sai là hoàn toàn đúng.
Tẩy chay kiểu a dua
Trong các chương trình dành riêng cho nghệ sĩ tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề; như Sau ánh hào quang, Chuyện bây giờ mới kể…, đâu đó khán giả lại nhìn thấy một hình ảnh khác của thần tượng mình. Họ cũng có lúc bất lực, chán chường, thậm chí suy sụp, muốn buông xuôi. Nguyên nhân chủ quan có, khách quan có. Nhưng đa phần là do họ vô tình trở thành đề tài bàn luận của một bộ phận khán giả không thích mình; vô tình phải gánh chịu những lời chỉ trích, miệt thị của những người mà họ không hề quen biết.
Cuối năm 2020, trên sóng truyền hình, diễn viên Diễm My 9x trải lòng về khoảng thời gian cô suy sụp. Bởi cô đột nhiên phải hứng chịu scandal từ trên trời rơi xuống: “Chỉ vì một bài báo nghi vấn Diễm My đá xéo đồng nghiệp; tôi bị mọi người đồng loạt chỉ trích, đòi tẩy chay bằng câu từ cực kỳ nặng. Tôi vô cùng tổn thương, bức xúc, có giây phút còn nghĩ tới cái chết”.
Gần đây nhất là câu chuyện Ngô Thanh Vân đau đầu vì bộ phim Trạng Tí. Đây là đứa con tinh thần mà cô ấp ủ nhiều năm qua. Đúng hay sai trong vấn đề bản quyền giữa Ngô Thanh Vân; nhà xuất bản và tác giả bộ truyện Thần đồng Đất Việt còn chưa được phán xét; thì những người ngoài cuộc – vốn không hiểu tường tận mọi chuyện – đã nhao nhao lập các hội nhóm kêu gọi tẩy chay phim. Làn sóng anti Trạng Tí mạnh mẽ đến mức, Ngô Thanh Vân đau đớn kêu lên: “Thấy thật sự nản lòng khi đọc comment tẩy chay của các bạn trên mạng. Tự nghĩ mình cố gắng vì cái gì? Chỉ muốn buông xuôi bỏ hết. Cố gắng cho ai, vì ai?”
Hãy đối xử với người khác bằng cả trái tim
Lướt Newsfeed của Facebook, chắc hẳn bạn sẽ bắt gặp những lời mời gia nhập nhóm kín anti một cá nhân/tập thể nào đó. Đừng vì những bình luận được nhiều lượt thích; vì thói cuồng ngôn vị kỷ núp bóng sau bàn phím mà kêu gọi tấn công người khác bằng từ ngữ xấu xí; nuôi dưỡng lòng căm ghét, gieo những điều tiêu cực. Cũng đừng ảo tưởng tôn vinh chỉ qua vài câu triết lý sáo rỗng mà đánh tráo khái niệm yêu, ghét và thù hận.
Cuộc sống văn minh cần thái độ ứng xử văn minh. Showbiz văn minh cần người làm nghề tử tế và khán giả có văn hóa. Hãy hiểu rằng, không phải lúc nào tẩy chay cũng là sai. Nhưng tẩy chay với mục đích “lạm sát”; không phân biệt phải trái thì chẳng khác nào con dao găm giết chết ý chí một người.
Trước khi buông lời phán xét ai, bạn hãy có cái nhìn công tâm để đánh giá sự việc. Và, những người nghệ sĩ chân chính cần vững tâm và tinh tế hơn trong phát ngôn cũng như cách hành xử. Như vậy mới không trở thành mục tiêu công kích của các antifan phong trào.
Hãy tỉnh táo khi thẳng tay gõ phím “đánh hội đồng” ai đó. Bởi những hành vi bôi nhọ, vu khống người khác trên mạng xã hội; lập nhóm nói xấu có thể bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng. Thậm chí có thể phạt tù nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng; theo Nghị định số 15 do Chính phủ ban hành năm 2020.
Góc nhìn
Ca sĩ Đan Trường:
“Thuở mới vô nghề, tôi từng bị nói là ăn theo Lam Trường, rồi cả hai bằng mặt nhưng không bằng lòng với nhau. Chúng tôi thường xuyên bị khán giả so sánh với người kia. Lúc đó tôi bị trầm cảm và stress nặng nề. Tính tôi không muốn mang lại sự phiền lòng hay lo âu cho người khác. Nhiều lần muốn bỏ nghề nhưng rồi thấy mình thật hèn với lối suy nghĩ đó nên phải cố đứng lên và bước tiếp. Không cần giải thích, thanh minh. Tôi và Lam Trường, hai anh em đều dành sự ngưỡng mộ, trân trọng cho nhau.”
Diễn viên Trấn Thành:
“Tôi biết làm nghệ sĩ là làm dâu trăm họ. Chuyện yêu và ghét luôn là 2 thái cực song hành. Ai thương tôi, tôi cảm ơn. Ai ghét tôi cũng được, không sao! Cá nhân tôi, nếu giận hoặc ghét ai, tôi chọn quên đi người đó. Đỡ suy nghĩ, mệt đầu. Thay vào đó, tôi dành thời gian cho gia đình và người thân của mình”.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng:
“Khán giả hiện giờ nghiêm khắc với nghệ sĩ hơn để chọn những người xứng đáng dành tình cảm hâm mộ là điều đúng đắn. Nhưng một khi quá đà, lục lại những câu chuyện đời tư để tấn công, tạo nên những cuộc “bạo lực mạng” thì phải đặt dấu hỏi về văn hóa thần tượng, văn hóa ứng xử xấu xí của một bộ phận cư dân mạng”.
Tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương:
“Người thực hiện tẩy chay cần ý thức rằng đây là quyền của mình. Chúng ta cần phải phân tích và đánh giá xem hành động của mình có đem lại lợi ích cho mình và người khác không. Cảm xúc là động lực của mọi hành vi, nhưng không ai hành động hoàn toàn theo cảm xúc. Chúng ta thường cân nhắc về hành động có thể đem lại hậu quả cho bản thân, nhưng thường bất cẩn hơn về hậu quả đối với người khác.”
Bài: Hà Vũ
Tiếp Thị Gia Đình