Tắt máy xe khi dừng đèn đỏ liệu có tiết kiệm nhiên liệu và hạn chế ô nhiễm không khí?

Hẳn nhiều người đã từng nghe qua lời kêu gọi "tắt máy xe khi dừng đèn đỏ" vì môi trường. Thế nhưng, hành động đó liệu có tiết kiệm nhiên liệu và hạn chế ô nhiễm không khí ở đô thị?

Tắt máy xe

Bạn có tắt máy xe khi dừng đèn đỏ không? Ảnh: Shutterstock

Hẳn nhiều người đã từng nghe qua lời kêu gọi “tắt máy xe khi dừng đèn đỏ” vì môi trường. Thế nhưng, hành động đó liệu có tiết kiệm nhiên liệu và hạn chế ô nhiễm không khí ở đô thị?

Tắt máy xe khi dừng đèn đỏ trên 15 giây mới có lợi về mặt môi trường

Quả thật, khi mới nghe qua lời kêu gọi thì cảm thấy rất có lý. Bởi việc tắt máy động cơ xe sẽ vừa giảm khí thải ô nhiễm môi trường, vừa tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên, nếu phân tích một cách khoa học, chưa hẳn việc tắt máy máy xe đã là một điều có lợi.

Xét về lợi ích giảm khí thải, giảm ô nhiễm môi trường; PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí động lực, Trưởng bộ môn Động cơ đốt trong, Đại học Bách Khoa Hà Nội; chia sẻ: “Phòng thí nghiệm động cơ đốt trong đã thử nghiệm để đánh giá trường hợp có tắt máy và không tắt máy. Với vấn đề liệu tắt máy có lợi về mặt tiêu thụ nhiên liệu và môi trường hay không; nghiên cứu của chúng tôi cho thấy về mặt môi trường rất có lợi. Thậm chí chỉ 10 giây là đã có lợi về mặt môi trường.”

Cụ thể, nếu tắt máy từ 15 giây, kết quả là lượng CO giảm 2,3 lần; lượng HC giảm 2,5 lần; lượng CO2 giảm 4 lần so với khi để chế độ ga thấp (chạy không tải). Và khi tắt máy xe, bạn sẽ không tiêu hao nhiên liệu.

Không phải xe nào cũng nên tắt máy!

Tuy nhiên, PGS. TS Lê Anh Tuấn cho biết thêm: “Khi xét về mặt tiêu thụ nhiên liệu và bình ắc quy; đó lại là vấn đề khác!” Hiện trạng tại giao lộ, các đèn đỏ tại các đô thị lớn (TP. HCM và Hà Nội) không quá 90 giây. Đa số từ 30-60 giây. Thậm chí nhiều ngã tư chỉ khoẳng 20-25 giây. Vì vậy, theo ông, việc tắt máy xe có hại hơn là có lợi. Khi dừng xe và để ở chế độ ga thấp, lượng xăng tiêu thụ rất ít. Trong trường hợp tắt máy rồi khởi động lại, bạn chẳng tiết kiệm bao nhiêu nhiên liệu. Mà ngược lại, động cơ dễ bị hao mòn hơn, nhất là ắc quy.

Do đó, chỉ nên tắt máy trong trường hợp bị kẹt xe quá lâu, hoặc ít nhất là phải dừng quá 90 giây. Việc đề nổ và khởi động làm động cơ hao mòn và tốn xăng hơn chạy ở chế độ cầm chừng.

Việc tiết kiệm nhiên liệu khi tắt máy ở đèn đỏ cũng tùy thuộc vào loại xe cũng như dung tích xi-lanh. Nếu xe của bạn trên 150 phân khối, hãy tắt máy để tiết kiệm xăng. Nếu dung tích nhỏ hơn 150 cc, bạn nên để xe hoạt động không tải.

Một lời khuyên dành cho tất cả mọi người khi thực hiện việc tắt máy xe khi dừng đèn đỏ. Đó là những điều trên chỉ nên thực hiện trong điều kiện xe máy đạt tiêu chuẩn: máy tốt, đề tốt. Nếu xe bạn là loại không đề được hoặc khó đề thì không nên tắt máy. Bởi bạn có thể là tác nhân gây ùn tắc giao thông.

Với xe hơi, việc tắt máy xe khi dừng đèn đỏ sẽ gặp nhiều trở ngại. Vài chục giây đèn đỏ thật sự không ý nghĩa gì và không thể tiết kiệm được bao nhiêu nhiên liệu. Thậm chí, nếu tắt máy xe, bạn cũng tắt luôn cả hệ thống điều hoà và các công cụ giải trí khác. Hơn thế, theo tính toán, khi tắt máy xe hơi, quá trình khởi động lại phải thực hiện trước đó 10 giây. Tức là khi đồng hồ đếm ngược còn 10 giây là lái xe phải khởi động. Nếu không kịp, có thể sẽ gây ùn tắc cho cả dòng xe đằng sau.

Tiết kiệm nhiên liệu và tối ưu hiệu suất xe, từ đó sẽ hạn chế ô nhiễm và hạn chế hao mòn động cơ. Ảnh: Shutterstock

Như vậy, giải pháp nào để xe hoạt động hiệu quả và ít khí thải ô nhiễm môi trường?

Lựa chọn thân thiện nhất với môi trường ở giao thông đô thị vẫn là xe đạp và phương tiện công cộng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, xe máy cá nhân chiếm đa số. Như vậy, chỉ còn cách tiết kiệm nhiên liệu và tối ưu hiệu suất xe, từ đó sẽ hạn chế ô nhiễm và hạn chế hao mòn động cơ.

Bảo dưỡng xe định kỳ là điều nên làm thường xuyên. Đây cũng là phương pháp hạn chế tối đa việc tiêu hao nhiên liệu. Xe được bảo dưỡng tốt sẽ vận hành mượt mà hơn.

Không tăng giảm ga đột ngột bởi hành động này sẽ làm tiêu tốn thêm khoảng 40% nhiên liệu. Và sau khi thắng gấp, xe sẽ “ngốn” xăng nhiều hơn để tăng tốc trở lại.

Khi lốp xe non hơi (hơi mềm), bề mặt lốp tiếp xúc với mặt đường nhiều hơn. Điều đó khiến động cơ phải kéo nhiều hơn và gây tốn xăng hơn.

Xe máy có tải trọng nhất định. Thông thường là 2 người và 1 trẻ em nhỏ. Nếu vượt quá số người và tải trọng, xe sẽ “gồng mình” hoạt động và tiêu hao nhiều nhiên liệu hơn. Chưa kể bạn còn bị phạt vi phạm an toàn giao thông đường bộ.

Khi đi xe số, bạn nên đi đúng số, phù hợp với tốc độ tương ứng. Đi chậm nên về số thấp và số cao hơn khi đi nhanh. Như vậy sẽ tối ưu nhiên liệu.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua