Trong cuộc sống, chúng ta giao tiếp với nhau hàng ngày thông qua việc nói và viết. Giọng nói là một trong những vũ khí lợi hại, quyết định sự thành công trong các ngành nghề dịch vụ, bán hàng, thương mại; cũng như giữ gìn các mối quan hệ. Giọng nói hay xây dựng niềm tin cho người xung quanh; giúp chúng ta tự tin hơn trong cuộc sống.
Chúng ta thường bị thu hút bởi những người có giọng nói truyền cảm, truyền tải thông điệp rõ ràng, dễ hiểu; hơn là phải cố gắng nghe một người cứ nói đều đều, thiếu năng lượng. Lúc này tâm trí người nghe rất dễ rong chơi khỏi câu chuyện; khiến cuộc đối thoại trở nên nhạt nhòa, khó gây ấn tượng.
Chất lượng của cuộc giao tiếp phụ thuộc vào cách chúng ta truyền tải thông điệp; với kỹ thuật nói thu hút, giọng nói truyền cảm, nhấn nhá đúng chỗ quan trọng mà ta muốn người nghe ghi nhớ. Bạn nói như cách bạn kể một câu chuyện. Và việc của bạn là hãy như một ca sĩ, hát cho câu chuyện trở nên sinh động; đi vào lòng người thì hiệu quả giao tiếp càng cao.
Với kinh nghiệm 3 năm truyền cảm hứng cho phụ nữ, chị Đinh Quế Chi chia sẻ: “Một giọng nói tốt, trầm ấm, truyền cảm sẽ góp phần tạo nên thành công của phái đẹp”. Chị cũng tiết lộ các phương pháp mà mình đã luyện tập.
Kỹ thuật để có sức mạnh của giọng nói
Phát âm rõ ràng
Một trong những rào cản của giao tiếp là phát âm không chuẩn; không rõ từ dẫn đến sự hiểu nhầm trong cuộc hội thoại. Như vậy sẽ rất khó đạt mục tiêu giao tiếp. Việc nói một cách rõ ràng giúp người nghe dễ nắm bắt thông tin mà bạn muốn truyền tải, rút ngắn thời gian gặp gỡ, hạn chế phải lặp lại vấn đề đã trình bày.
Các phụ âm và phụ âm ghép bạn cần chú ý khi nói để tránh gây sự hiểu nhầm hoặc người nghe không hiểu do khác văn hóa vùng miền như: tr – ch, gi – d, v – d, r – g, n – l, x – s.
Âm lượng giọng nói
Không phải lúc nào chúng ta cũng phải nói to mới chứng tỏ đầy năng lượng. Tùy vào ngữ cảnh và số lượng người chúng ta đang giao tiếp mà điều chỉnh độ to nhỏ của giọng khác nhau. Nói to không đúng chỗ có thể gây phản cảm và kém sang.
Nhấn giọng
Đây là một kỹ năng rất quan trọng vì nó giúp người nghe ghi nhớ những điều bạn cần họ chú ý hơn. Đôi khi chỉ cần họ nghe những từ hay cụm từ mang ý chính mà bạn nhấn nhá.
• Lên giọng với những từ hoặc cụm từ chứa thông tin/thông điệp quan trọng cần nhấn mạnh.
• Lặp lại 1 từ 2 – 3 lần.
>> Ví dụ: “Bạn rất quan trọng với tôi”. Câu này để nhấn mạnh sự quan trọng của người bạn đó với mình. Bạn sẽ nói thành: “Bạn rất… rất… quan trọng với tôi”.
• Ngắt hoặc ngừng sau từ/cụm từ mình cần nhấn mạnh.
>> Ví dụ: “Bạn rất quan trọng… với tôi”.
Kéo dài từ hoặc cụm từ muốn nhấn mạnh.
>> Ví dụ: Cụm từ cần kéo dài “rất quan trọng”.
• Không chèn những từ dư thừa như “à, ừ, ừm”.
Khi bạn chèn những từ này vào, người nghe ngay lập tức nhìn thấy được sự ngập ngừng, thiếu tự tin và không đáng tin cậy. Thay vào đó, cách để bạn chữa lỗi là thay bằng những cụm từ như “tốt lắm”, “đúng rồi”, “tuyệt vời”.
Ngắt giọng
Việc ngắt giọng giúp người nghe hiểu được vấn đề dễ dàng. Tâm lý mong đợi bạn sẽ nói gì tiếp theo và chăm chú lắng nghe bạn nhiều hơn. Ngắt câu giống như bạn đang hát một câu có nhịp điệu. Nó giúp cho lời nói và giọng nói chúng ta trở nên truyền cảm hơn. Nói dồn dập 2-3 câu trong 1 hơi dễ khiến người nghe không hiểu bạn đang muốn truyền thông điệp gì vì không có điểm nhấn để họ đọng lại.
Ngoài ra, cùng một câu nói, nhưng khi bạn nhấn nhá khác nhau cũng tạo ra nhiều sắc thái khác nhau.
Âm vực trầm bổng
Nói cũng giống như hát. Bài hát có nốt trầm nốt bổng. Giọng nói cũng vậy. Nếu bạn nói với âm vực trầm bổng sẽ giúp đối phương dễ lắng nghe và tập trung vào giọng của bạn. Thường những từ ngữ có mang thanh sắc có âm vực cao, thanh ngang âm vực trung bình, thanh huyền âm vực thấp.
Tốc độ nói
Tốc độ nói giúp người nghe đánh giá mức độ tự tin và chuyên nghiệp của bạn. Nói nhanh quá cũng không hiệu quả vì người nghe sẽ khó nắm bắt hết thông tin mà bạn muốn truyền tải trong thời gian ngắn. Nếu bạn nói quá chậm dễ làm cho không khí trầm lắng và người nghe sẽ nhàm chán, không tập trung vào những điều bạn chia sẻ. Vậy chúng ta nói với tốc độ như thế nào là hợp lý? Tốc độ nói trung bình của chúng ta từ 100 – 120 từ/ phút. Nhưng tùy hoàn cảnh mà chúng ta có sự điều chỉnh.
Trong đoạn hội thoại, nếu đang kể một câu chuyện trong tình tiết gay cấn, bạn có thể tăng tốc độ lên nhanh hơn so với bình thường để thêm sự hồi hộp, lôi cuốn sự tập trung của người nghe. Đến đoạn nào cần lắng đọng, bạn có thể giảm tốc độ nói chậm hơn bình thường một chút. Điều này giúp người nghe đi theo dòng cảm xúc của câu chuyện bạn kể.
Tránh nói dư từ khiến câu nói dài ngoằng
Việc nói một câu quá dài khiến chúng ta lẫn người nghe cùng mệt và khó hiểu hơn. Cuộc nói chuyện nhanh chóng trở nên nhàm chán. Cách cải thiện là bạn nói như thế nào thì viết ra như thế đấy. Sau đó gạch bỏ những từ mà khi không có nó, câu vẫn cho đúng ý nghĩa.
>> Ví dụ: Ngày hôm nay tôi đi chợ tôi nhìn thấy có một con chó màu vàng bị người ta đem bỏ rơi ở ngoài đường nhìn thấy rất là tội nghiệp.
Câu rút gọn: “Hôm nay tôi đi chợ thấy con chó màu vàng bị bỏ rơi ngoài đường rất tội nghiệp”
Bài: Lệ Thủy
Tiếp Thị Gia Đình