Khám phá sự khác biệt giữa chiếc bánh Trung thu ở các nước châu Á

Ở mỗi quốc gia thì bánh Trung thu lại mang một hình dáng và hương vị khác nhau

Vào ngày Rằm tháng 8 hàng năm, không chỉ Việt Nam có truyền thống ăn bánh Trung thu mà các nước trong khu vực châu Á nói chung cũng thế. Song tùy theo phong tục tập quán của mỗi nước mà chiếc bánh Trung thu lại mang hình dáng và hương vị khác nhau. Cùng TTGD khám phá điểm khác biệt giữa những chiếc bánh Trung thu ở các nước nhé!

Việt Nam

Ảnh: Shutterstock

Chúng ta đều biết rằng bánh Trung thu ở Việt Nam gồm 2 loại cơ bản đó là bánh nướng và bánh dẻo. Bánh nướng thường có vị mặn, với nhân thập cẩm và lòng đỏ trứng gà. Bánh dẻo có vị ngọt hơn, thường làm bằng nhân đậu xanh hoặc đậu đỏ. Ngày nay, các loại bánh được biến tấu với nhiều hương vị và hình dáng khác nhau. Song người ta vẫn ưa chuộng loại bánh hình tròn vì nó tượng trưng cho mặt trăng tròn đầy. Bên cạnh đó là ý nghĩa đoàn viên, hạnh phúc viên mãn của gia đình.

Đài Loan

Ảnh: IG @lerevesucrepatisserie

Tại xứ Đài, Tết Trung thu còn được gọi là Tết Đoàn viên. Bởi đây là dịp quan trọng để mọi người đoàn tụ, sum vầy. Người dân Đài Loan có tập tục tặng quà cho nhau như một cách thể hiện sự hiếu khách. Giỏ quà thường bao gồm bánh Trung thu, thịt heo nướng và trái bưởi.

Một trong số những loại bánh Trung thu nổi tiếng nhất ở Đài Loan là bánh trứng chảy ngàn lớp. Ngoài cùng là bột bánh ngàn lớp được nướng vàng ươm, giòn rụm. Lớp vỏ này khá tương đồng với  vỏ bánh Pía truyền thống của nước ta.

Bên trong là lớp bánh gạo mochi mỏng và mềm.  Nhân ở giữa là trứng muối kim sa, khi cắn một miếng thật sâu thì trứng chảy ra trông rất đẹp mắt. Chỉ một chiếc bánh mà có đến 3 lớp hương vị khác biệt hòa quyện bổ sung cho nhau.

Hàn Quốc

Ảnh: @kimchimari

Người Hàn Quốc thường ăn Tết Trung thu rất lớn, thậm chí có kì nghỉ kéo dài đến cả tuần. Đây cũng là lúc học sinh – sinh viên, những người đi làm xa trở về quê hương đoàn tụ với gia đình.

Bánh Trung thu ở xứ Kim chi có tên gọi là Songpyeon. Một loại bánh gạo nặn thành hình bán nguyệt với nhiều màu sắc bắt mắt. Nhân bánh bao gồm đậu xanh, đường và quan trọng là phải có lá thông. Bánh được hấp chín và dùng ngay sau đó.

Sở dĩ chiếc bánh Trung thu không có hình tròn như các quốc gia khác là bởi người Hàn quan niệm: Trăng có lúc tròn lúc khuyết, đời người không phải lúc nào cũng trọn vẹn nên hãy luôn cố gắng để đạt được sự đủ đầy.

>>Xem thêm: Nắm được mẹo này thì ăn bánh trung thu không sợ tăng cân

Nhật Bản

Ảnh: IG @happyhapakitchen

Ở xứ sở Hoa anh đào có tới 2 dịp Tết Trung thu trong một năm. Lần đầu diễn ra vào ngày 15/8 âm lịch và lần thứ 2 được tổ chức khoảng 1 tháng sau đó (tức 13/9 âm lịch). Vào ngày này, mọi người thường xuống phố ngắm trăng và tham gia vào lễ hội tôn vinh mặt trăng.

Bánh Trung thu truyền thống của người Nhật có tên Tsukimi Dango. Bánh được chế biến đơn giản như từ bột gạo, có hình tròn, chữ nhật hoặc ép dẹp. Sau khi nướng sơ cho nóng giòn thì có thể thưởng thức ngay. Khi ăn, người ta cho thêm chút mật ong lên bánh để tạo vị ngọt.

Một số vùng miền ở Nhật quan niệm rằng nếu đặt bánh ngoài hiên nhà vào ngày rằm mà có trẻ con tới lấy thì đó là điều may mắn.

Thái Lan

Ảnh: whattocooktoday.com

Bánh Trung thu Thái Lan khá đa dạng. Song loại bánh được người dân xứ Chùa vàng yêu thích nhất là bánh nướng nhân sầu riêng cùng 1-2 lòng đỏ trứng muối. Lòng đỏ trứng tượng trưng cho mặt trăn tròn. Bọc bên ngoài bởi một lớp bột được nặn sao cho giống với trái đào.

Người Thái tin làm vậy Bát Tiên sẽ giúp mang đào tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm, và các vị thần tiên sẽ ban phước lành cho mọi người.

Singapore

Ảnh: IG @mrhungrystyle

Phong tục đón Tết Trung thu của Singapore có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Vì thế hương vị bánh Trung thu của đất nước này cũng rất hợp khẩu vị người Việt. Nổi bật nhất phải kể đến “bánh dẻo lạnh”.

Món bánh này có lớp vỏ bánh dẻo và phần nhân là viên chocolate với thạch trái cây thơm mát. Bánh sau khi hoàn thành được giữ trong tủ lạnh. Lúc thưởng thức sẽ mang đến cảm giác ngọt dịu dễ chịu. Thích hợp dùng với trà xanh.

>> Xem thêm: Mùa trăng đã tới, những ai nên “bái bai” bánh trung thu?

Philippines

Ảnh: IG @eatsasmallworldph

Bánh Trung thu tại Philippines có tên gọi Hopia. Chúng có vẻ ngoài đơn giản, điểm nhấn nằm ở phần nhân. Bánh nướng với lớp vỏ mỏng và xốp giòn. Khi bẻ ra sẽ để lộ phần nhân đầy ắp với nhiều loại hương vị. Nhân bánh Hopia phổ biến là đậu xanh, khoai môn, đậu đỏ, khoai lang tím, sầu riêng hoặc thịt lợn.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua