Nhiều người suy nghĩ rằng, sống xanh là một điều gì đó to lớn và khó khăn. Tuy nhiên, chính quan niệm sai lầm đó ngày càng khiến cho môi trường bị xuống cấp và ô nhiễm trầm trọng. Thực tế, sống xanh khồng hề khó. Những việc làm nhỏ nhặt của chúng ta trong đời sống chính là một cách sống xanh hữu hiệu. Chính vì vây, hãy cùng TTGĐ điểm qua các hành động sống xanh đơn giản này và áp dụng ngay nhé!
Nói không với nylon
“Không lấy túi nylon khi không cần thiết. Luôn có sẵn túi vải, giỏ xách, cốp xe”. Đó chính là phương châm mà bất kỳ ai cũng cần thuộc nằm lòng khi ra đường. Từ lâu, túi nylon được biết đến là tác nhân gây hại nghiêm trọng đối với môi trường do thuộc tính khó phân hủy. Vì vậy, khi sử dụng rồi vứt bừa bãi sẽ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên trong nước ta lại sử dụng túi nylon rất thường xuyên. Do đó, bạn cần hạn chế lại thói quen này bằng nhiều cách.
Cách 1, bạn có thể tìm mua các loại túi đựng thay thế không gây hại cho môi trường như: túi giấy; túi vải sử dụng nhiều lần; túi dệt từ sợi nylon sử dụng nhiều lần; túi nilon tự hủy, phân hủy sinh học.
Cách 2, làm gì với những chiếc túi nylon còn tồn đọng trong nhà? Với những chiếc túi to, khi cần lấy đồ cho ai bạn hãy lựa ra túi nylon đẹp bự. Khi trao những chiếc túi này sẽ khiến người nhận cảm thấy còn mới và đẹp nên sẽ tái sử dụng. Còn các túi nhỏ, bạn hãy gấp chúng lại và gom bán để tái chế.
Nói không với đồ dùng nhựa 1 lần
Khi bắt đầu chuyển sang lối sống xanh, nhiều người thường hay vứt tất cả các đồ vật từ nhựa và thay thế bằng các vật liệu như gỗ, inox, thủy tinh,… Đừng “bất chấp” như thế. Bạn hãy thay đổi góc nhìn tích cực hơn từ hôm nay bằng cách không tiêu thụ đồ nhựa dùng 1 lần. Nếu trong nhà bạn có các món đồ nhựa được ghi chú dưới đáy là PP hoặc HDPE thì bạn đừng vội vứt đi nhé! Đây là những món đồ thuộc nhóm có thể sử dụng được nhiều lần đấy!
Dùng đồ tái chế
Nhu cầu về tái chế đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy, bạn hãy tận dụng lại các loại hộp hay các vỏ chai thay vì vứt bỏ chúng để những vật dụng cần thiết. Việc tái sử dụng này vừa giúp bạn tiết kiệm chi phí; vừa thực hiện tốt lối sống xanh. Đồng thời cũng mang lại sự ngăn nắp, gọn gàng cho ngôi nhà bạn.
Với các chai nhựa; cốc uống nước nhựa; hộp nhựa, bạn có thể tận dụng chúng để làm chậu cây trồng hoa hay rau xanh đẹp mắt. Hoặc bạn cũng có thể tận dụng chai thủy tinh cũ và thêm thắt vài sợi dây thường nhỏ bên ngoài; hay một dây đèn nháy bên trong cho không gian phòng khách trở nên lung linh, sống động.
Tập sống theo phong cách tối giản
Lối sống tối giản từ vài năm nay đã bắt đầu du nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn mọi người vẫn tồn tại quan niệm tối giản chỉ ở khía cạnh vật chất. Chính vì vậy, tác giả Bea Johnson đã nêu rõ vấn đề này trong cuốn sách mang tên “Nhà không rác” (Zero Waste House). Cụ thể, cuốn sách này đã kể câu chuyện từ chính cuộc sống của tác giả để thấy rằng sống tối giản không chỉ là giảm thiểu vật chất mà còn để hướng tới một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên; nhưng cũng đầy trải nghiệm lý thú và những kỷ niệm khó quên.
Chính vì vậy, bạn hoàn toàn có thể áp dụng 2 lối sống “tối giản” và “sống xanh” vào trong cuộc sống của mình. Theo đó, việc tối giản thường bắt đầu với việc giảm thiểu đồ tiêu dùng hàng ngày. Vì vậy, những người theo lối sống này thường trở nên nhạy cảm với sự lãng phí. Áp dụng 2 lối sống này thành công cũng đồng nghĩa với việc bạn đã giảm đi lượng rác thải. Đồng thời, tránh gây thêm gánh nặng cho môi trường.
Áp dụng quy tắc 5R vào lối sống xanh
5R là 5 quy tắc vô cùng quan trọng trong chiến dịch zero waste trên toàn thế giới nhằm hạn chế tối đa mức độ thải rác của con người. Hãy áp dụng triệt để 5 tiêu chí này trong đời sống hằng ngày để rác thải không còn là mối nguy hại của thiên nhiên và con người nhé!
Refuse (Từ chối): Từ chối các quy trình công nghệ, các nguồn nguyên liệu và các sản phẩm gây ảnh hưởng tới môi trường.
Reduce (Giảm thiểu): Giảm thiểu sử dụng các vật liệu nhựa một cách tối đa, tận dụng các sản phẩm có sẵn đơn giản, hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Reuse (Tái sử dụng): Tái sử dụng phế thải tại chỗ, không từ bỏ gây lãng phí.
Recycle (Tái chế): Chế biến phế phẩm, rác thải thành sản phẩm hữu dụng khác.
ROT (Phân hủy): Ưu tiên sử dụng các sản phẩm có tính phân hủy cao an toàn với môi trường.
Tiếp Thị Gia Đình