Rừng nhiệt đới đang mất dần khả năng hấp thụ carbon

Nghiên cứu cho thấy rừng Amazon có thể trở thành nguồn CO2 vào thập kỷ tới

rừng nhiệt đới mất khả năng hấp thụ carbon

Rừng nhiệt đới Amazon đang mất dần khả năng hấp thụ khí CO2 (Ảnh: Shutterstock)

Rừng nhiệt đới đang hấp thụ khí CO2 từ không khí ngày càng ít. Khả năng hấp thụ carbon của chúng đang bị giảm dần. Điều này có thể thúc đẩy quá trình biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn.

Rừng nhiệt đới đang mất đi khả năng hấp thụ carbon

Một nhóm các chuyên gia từ Đại học Leeds ở Anh đã thực hiện nghiên cứu qua gần 3 thập kỷ. Nghiên cứu được thực hiện để tìm hiểu khả năng hấp thụ CO2 của rừng nhiệt đới. Họ đã sử dụng đinh nhôm để gắn thẻ cho hơn 300,000 cây ở vùng nhiệt đới Amazon và châu Phi. Rồi quay trở lại sau vài năm để đo chiều cao cũng như đường kính của chúng. Cách này giúp họ tính toán được lượng carbon lưu trữ bên trong những cây còn sống lẫn đã chết.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã dành nhiều năm để thám hiểm những vùng xa xôi. Họ đã mất hơn một thập kỷ để nghiên cứu các khu rừng ở Congo. Tại đây, họ đã phải di chuyển bằng xuồng, xe máy và đi bộ đến những khu rừng nhiệt đới khó tiếp cận nhất trên thế giới.

Kết quả cho thấy, lượng carbon được hấp thụ bởi những khu rừng nhiệt đới đã giảm mạnh. Chúng chỉ chiếm khoảng 1/3 lượng carbon được hấp thụ trong những năm 1990. Các chuyên gia còn nhận thấy khả năng hấp thụ carbon của những khu rừng ở Amazon yếu đi trước. Sau đó là đến những khu rừng nhiệt đới ở châu Phi. Bởi khu vực Amazon có nhiệt độ tăng cao và nhanh hơn. Lượng mưa tại đây cũng giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do Trái Đất nóng lên, hạn hán và nạn phá rừng. Tình hình này có thể sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới.

Amazon có thể trở thành nguồn carbon lớn nhất trên thế giới

Thay vì hấp thụ carbon, rừng nhiệt đới Amazon có thể trở thành nguồn sinh ra carbon lớn nhất trên thế giới. Theo dự đoán, cánh rừng này sẽ không hấp thụ được bất cứ lượng CO2 nào vào năm 2035. Đến năm 2060, Amazon có thể trở thành nguồn sản sinh carbon trên toàn cầu.

Nếu điều này xảy ra, biến đổi khí hậu sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nhiều. Thế giới sẽ phải cắt giảm những hoạt động sinh ra khí CO2 nhiều nhất có thể để đối phó với việc này.

Simon Lewis, giáo sư khoa địa lý tại Đại học Leeds cho biết:

Chúng tôi nhận thấy một trong những ảnh hưởng đáng lo ngại nhất của biến đổi khí hậu đã bắt đầu xảy ra. Đây sẽ là thập kỷ mở đầu cho những viễn cảnh khí hậu bi quan nhất.”

Hội nghị COP26 sẽ được tổ chức ở Glasgow, Anh vào tháng 11 sắp tới. Tại đây, nhiều quốc gia được mong chờ sẽ triển khai kế hoạch đạt được lượng khí thải bằng 0 trước năm 2050. Một vài quốc gia phát triển đã lên kế hoạch giảm lượng khí thải bằng cách bảo tồn rừng. Đồng thời trồng thêm nhiều cây xanh và trồng rừng mới. Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy chỉ phụ thuộc vào rừng nhiệt đới sẽ không đủ để cắt giảm lượng khí thải trên diện rộng. Bên cạnh việc trồng và bảo tồn rừng, các quốc gia còn phải cắt giảm sử dụng năng lượng hoá thạch.

 

Tiếp Thị Gia Đình

Theo: The Guardian

>> Xem thêm: Bãi rác điện tử lớn nhất thế giới và nguy cơ mắc ung thư vô cùng lớn

Đừng bỏ qua