Theo nghiên cứu mới nhất công bố trên tạp chí Science hôm 29/5, Trái Đất nóng lên, lượng khí thải CO2 tăng và nạn phá rừng đã khiến các khu rừng trên khắp hành tinh bị trẻ hoá và chiều cao của cây thấp hơn nhiều so với trước đây. Nắng nóng, hạn hán, gió lốc, côn trùng và dịch bệnh là các yếu tố khác khiến cho các cây cổ thụ chết nhiều hơn.
Rừng bị trẻ hoá và thấp hơn nhiều so với lúc trước
Phân tích từ kết quả của 15o cuộc nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ chết của cây đã tăng lên gấp đôi ở Bắc Mỹ. Xu hướng này đang tăng nhanh hơn ở Amazon. Ngoài ra, dựa trên dữ liệu từ vệ tinh và các cuộc khảo sát về “sức khỏe” rừng, các nhà khoa học nhận thấy rừng già đặc biệt dễ bị tổn thương trong vài thập kỷ qua. Tỷ lệ cây cổ thụ chết ngày một tăng khiến độ tuổi và chiều cao trung bình của các khu rừng giảm dần theo thời gian. Diện tích của các khu rừng già đã giảm đi 1/3 kể từ năm 1900 do nạn phá rừng. Nhiệt độ tăng cao còn khiến cho quá trình quang hợp diễn ra khó khăn. Từ đó sự sinh trưởng của các cây mới cũng chậm lại.
Tom Pugh – nhà khoa học tại Đại học Birmingham cho biết:
“Nghiên cứu của chúng tôi đã đưa ra các bằng chứng sơ bộ cho thấy biến đổi khí hậu đang khiến cho cây chết nhiều hơn. Điều này khiến các khu rừng bị trẻ hoá ngày một nhiều. Chiều cao trung bình của chúng cũng thấp hơn hẳn. Nguyên nhân chủ yếu là do con người dùng đất đai để canh tác hoặc phát triển công nghiệp. Bên cạnh đó còn có các yếu tố tự nhiên như cháy rừng, côn trùng và hạn hán. Tần suất cũng như mức độ tàn phá của những yếu tố này đang không ngừng tăng.”
Ở những nơi có khí hậu nóng hơn thì phần lớn diện tích rừng sẽ là những cây con có chiều cao thấp hơn những vùng khác. Tình trạng rừng bị trẻ hoá ảnh hưởng rất nhiều đến đa dạng sinh học. Cũng như công cuộc hạn chế biến đổi khí hậu và quản lý lâm nghiệp.”
Phải bảo tồn những khu rừng đang có
Lượng khí thải CO2 tăng nhanh trong khí quyển có thể thúc đẩy sự tăng trưởng của cây xanh. Tuy nhiên, điều đó chỉ xảy ra ở những khu rừng trẻ có nguồn nước và dinh dưỡng dồi dào. Trong khi đó, hầu hết các khu rừng hiện nay có nguồn dinh dưỡng và nước hạn chế. Điều này khiến cho lợi ích của CO2 đối với cây bị giảm mạnh.
Tom Pugh nói thêm rằng, phần lớn diện tích rừng ở Anh và châu Âu là ví dụ điển hình của tình trạng rừng bị trẻ hoá và thấp hơn một cách bất thường.
“Những khu rừng đó sẽ không bị như vậy nếu như không có sự can thiệp của bàn tay con người. Các hoạt động như thu hoạch, trồng các giống cây mới và độc canh đã dẫn đến tình trạng đó.”
Giáo sư Tom Crowther tại Đại học ETH Zurich, Thuỵ Sĩ, nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu này:
“Trong một thời gian dài, các nhà khoa học đã dự đoán lượng CO2 tăng cao và Trái Đất nóng lên sẽ tăng lượng carbon dự trữ trong các khu rừng. Điều này có thể giúp điều chỉnh biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nghiên cứu này đã cho thấy điều ngược lại. Sự can thiệp của con người, cùng với các yếu tố tự nhiên, lại khiến cho rừng bị trẻ hoá. Khả năng hấp thụ carbon của chúng bị giảm mạnh.”
Cũng theo giáo sư Tom Crowther, điều chúng ta cần làm là bảo tồn những khu rừng đang có. Con người phải cho phép cây xanh phát triển đến mức đủ trưởng thành. Chỉ có như vậy chúng mới hấp thụ nhiều carbon. Từ đó chúng mới có thể giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Tiếp Thị Gia Đình
Theo: The Guardian