Trở lại vùng đất hứng chịu những cơn lũ quét tê lòng người bởi sự cố xả đập thủy điện trên sông Ba Hạ cách đây vài tháng, tôi bon bon chạy xe tìm đến Tuy An, thăm gành Đá Đĩa khoe dáng giữa biển và trời xanh. Một thoáng xôn xao khi tôi đứng bên biển, nghe tiếng sóng ru hòa cùng thanh âm thâm trầm của đá lạo xạo dưới chân. Lòng chợt bâng khuâng khi tôi biết rằng: Đây cũng là vùng đất sinh ra những “thanh đá hát” .
Cảm xúc khi đến Tuy An
Mua tấm bản đồ du lịch từ một cửa hàng văn phòng phẩm ở Tuy Hòa, tôi cứ lâng lâng khi nghe cô bán sách dặn dò: “Chị chạy xe du lịch Phú Yên thì nên đi chậm chậm nghen. Đường quốc lộ xe đông lắm, tôi đọc tin thấy báo đăng có vài phượt thủ bị tai nạn. Chị nhớ cẩn trọng nha”. Thật vậy, lời nhắc nhở đơn giản của một người không quen đã làm trái tim tôi mềm và ngay tức thì tôi chấm điểm cho vùng đất yên lành này là “Địa chỉ đáng đến thăm và quay trở lại rồi nè!”.
Gành Đá Đĩa cách Tuy Hòa hơn 30km nhưng tôi vừa lái xe vừa ngắm cảnh nên đi hơi lâu. Gần tới Tuy An, nhà thờ Mằng Lăng hiện ra trước mắt tôi. Tôi ghé vào thăm để chiêm ngưỡng cuốn sách bằng chữ quốc ngữ đầu tiên mang tên “Phép giảng tám ngày”. Sách do linh mục Alexandre de Rhodes biên soạn và được in vào năm 1651 tại Roma, Ý, đang nằm trang trọng trong tủ kính.
Tiếp tục khởi hành, tôi bỗng nhớ về hồi ức từng đọc trong sách sử ghi chép về vùng đất mang tên Kimi. Đó chính là dãy đất Phú Yên ngày nay, kéo dài và được bao bọc bởi hai đèo Cù Mông và đèo Cả làm ranh giới giữa Chăm pa và Đại Việt. Kimi, tiếng Chăm pa có nghĩa là vùng đệm, đây cũng là vùng đất mà người Chăm pa đã sinh sống lâu đời và để lại những di sản rực rỡ như kiến trúc tháp, lăng mộ và các linh vật bằng đá trong tín ngưỡng phồn thực. Từ xa xưa ấy, người Chăm pa đã biết sử dụng đá trong việc đắp đường, chắn cát, xây trường thành, nhà cửa, tường làng, khu nuôi gia súc, be các miệng giếng. Đặc biệt, ở đây còn có đá. Khi bạn gõ vào, những thanh đá Tuy An sẽ phát ra những âm thanh trầm bổng. Từ sự kỳ diệu này, các nghệ nhân đã tạo nên sản phẩm đàn đá và lưu truyền cho hậu thế hôm nay.
Sử cũng ghi rằng, năm 1611, thừa lệnh Chúa Nguyễn Hoàng, vị tướng Văn Phong đã tấn công vào thủ phủ Ayaru của Vương quốc Chăm pa và toàn thắng vẻ vang. Thời gian trôi, người Việt lựa chọn xây dựng những ngôi nhà hiện đại và khu làng đá đã bị tàn phá tan hoang. Vì vậy, khi trở lại tìm kiếm các công trình xưa, tôi thấy chỉ sót vài di tích đọng lại nơi các chuồng nuôi gia súc cùng những ngôi mồ buồn hoang lạnh lẽo.
Ngẩn ngơ trước Gành đá độc nhất vô nhị Quê Việt
Tôi tiếp tục lái xe khoảng 7km, cổng chào thôn An Ninh Đông hiện ra, nơi có địa danh gành Đá Đĩa nổi tiếng và cũng là địa chỉ không thể bỏ qua khi du lịch Phú Yên.
Ngắm gành Đá Đĩa mang sắc đen xám, tĩnh lặng bên sóng biển ào ạt, tôi thấy mình như lạc vào một công trình trò chơi Lego khổng lồ mà tạo hóa dành tặng cho Tuy An.
Lắng nghe một hướng dẫn viên đang kể chuyện cho vài du khách, tôi được biết, cách đây hàng triệu năm, nơi đây vốn là một vành đai núi lửa khổng lồ hoạt động không ngơi nghỉ.
Có một lần, khi dòng nham thạch chảy từ khu vực núi lửa ra đến biển, do gặp nước biển lạnh đột ngột nên chúng đông cứng, co rút lại tạo thành những cột đá lửa mang khối hình lục lăng, hoặc hình tròn có màu đen xếp chồng khít lên nhau. Điều kỳ lạ này đã tạo nên gành Đá Đĩa kỳ thú của quê Việt. Xét về tổng thể, gành Đá Đĩa có hình dáng của một đường cong, mang nét uốn lượn khá mềm mại nên tạo cảm hứng cho nhiều nhiếp ảnh gia.
Không chỉ có thế, kế bên gành là một làng chài nép mình bên vịnh biển cong cong như mảnh trăng non. Trong khung cảnh trời nước xanh xanh, những chiếc thuyền mỏng manh như những chiếc lá trôi bập bềnh trên bọt sóng.
Xa xa, những đốm tròn đen đen của những ngư dân đang yên vị trên chiếc thuyền thúng nhỏ nhoi câu cá, bắt hàu, săn bắt ốc để sống qua ngày.
Nhưng…, trò chuyện cùng bà con, tôi mới thấy hầu hết mọi người đều không cảm nhận, hay tự hào về gành đá, tuyệt tác thiên nhiên mà họ vô tình nhìn ngắm và thưởng thức mỗi ngày. Tôi thật sự hơi tiếc.
Món ngon ở đầm Ô Loan
Mê mải chụp ảnh gành đá, bụng đói cồn cào, tôi quay về để ghé thăm đầm Ô Loan trong gió lộng, phi lao reo rì rào và tiếng chim xao xác.
Nằm trên võng của nhà bè ngắm Tuy An bao la, miệng nhấm nháp món cháo hàu thơm, đĩa mực hấp cùng tô sò huyết lacoste với sả gừng ngon đến tê răng. Ôi chao, được ăn hải sản tươi thật là sướng!
Hoàng hôn buông xuống, những áng mây hồng pha lẫn sắc vàng lấp lánh. Rồi mây trở tím sẫm dần, báo hiệu một đêm an lành sắp đến. Tôi rời Đầm Ô Loan, trở về thành phố Tuy Hòa trên con đường quốc lộ rực rỡ ánh đèn, gió biển thổi mạnh hơn làm tôi xốc cao cổ áo.
Được hít thở không khí trong lành, tôi bật miệng hát nho nhỏ, quên mất mình đang ở trên con đường thiên lý nối dài Bắc Nam, nay đang được mở rộng nhằm phục vụ nhu cầu giao thông vận tải được dễ dàng qua mọi điểm dừng của đất nước.
Tháp Nhạn lưu luyến chân ai qua tiếng đàn đá âm vang hùng ca Việt
Sau một giờ xe chạy, ánh sáng từ ngọn tháp Nhạn tỏa lung linh, từ xa giống chiếc hoa sen khổng lồ, vẫy tay chào người lữ khách phương xa đến thăm Tuy Hòa. Hòa trong dòng người đang dặt dìu đi lên con dốc cao cao, chỉ chừng mười phút sau, tiếng ca rộn ràng từ điệu hát múa bài chòi do các diễn viên trong trang phục cư dân miền Trung quê xưa đã lay động tim tôi quá đỗi. Tôi còn được xem biểu diễn đàn đá với lời bình: Tuy An là vùng đất được tìm thấy những bộ đàn đá nhiều và chuẩn nhất cả nước. Trong đêm nay, một nghệ sĩ, người con của Phú Yên, sẽ đưa tâm hồn mọi người trở về cội nguồn qua tiết mục “Âm vang đất nước”.
Như bị cuốn theo những âm điệu ngân nga trầm bổng, tiếng đàn đá bên chân tháp Nhạn đã đưa tâm hồn tôi bay bổng về một cõi xa xăm. Nơi ấy có tiếng rừng già vang vọng bởi voi gầm, vượn hú, chim kêu giữa mưa tuôn, nước chảy róc rách, lao.
Thông tin thêm
♠ Phú Yên là một tỉnh ven biển thuộc miền Nam Trung bộ, thuộc trục giao thông chính Bắc Nam, nối Bình Định và Khánh Hòa.
♠ Tuy Hòa là thành phố trung tâm của tỉnh và nằm ở phía Nam tỉnh Phú Yên.
♠ Bạn có thể đến Tuy Hòa bằng nhiều cách: tàu hỏa, ô tô, máy bay hoặc xe máy. Giá vé máy bay khoảng 1 triệu–1,5 triệu đồng/lượt. Bạn cũng có thể chịu khó săn vé giá rẻ khoảng 600.000 đồng/lượt.
♠ Sân bay cách trung tâm thành phố khoảng 10km, bạn có thể đi taxi hoặc xe ôm để vào trung tâm thành phố.
♠ Để thuê xe máy đi lại ở Tuy Hòa, các bạn có thể thuê với mức giá từ 90.000 – 130.000 đồng/ngày, tùy loại xe.
BÀI: Dương Thủy-Ảnh: DƯƠNG THỦY – Lê Minh
Tiếp Thị Gia Đình