Mùa viết tình ca thẳng thắn đề cập vấn đề thời sự trong giới giải trí hiện nay: nạn đạo nhạc. Phim phơi bày mảng tối của giới sáng tác, nơi mà chuyện một nhạc sĩ nổi tiếng “cầm nhầm” dần trở nên phổ biến. Scandal bủa vây, Bảo Trung ( ca sĩ Issac thủ vai) chọn cách ẩn cư tại một miền biển xinh đẹp. Để rồi anh có cuộc gặp gỡ định mệnh với cô gái giàu nhiệt huyết.
Bộ phim tuyệt vời nhất ở chỗ: bất cứ ai yêu thời tuổi trẻ tự do đều sẽ yêu những khoảnh khắc tình yêu trong phim: yêu cuộc đời một cách vô tư, yêu cuộc tình một cách tự do. Phần thoại rất thú vị và chân thật. Cách kể chuyện của bộ phim khá Tây, không hề sến, lạc hậu, lãng mạn kiểu cũ. Những giận hờn, “thả thính”, hiểu lầm, cãi vã… của các nhân vật đều rất trẻ trung mà không nhuốm màu bi lụy, màu mè.
Tình yêu trong phim là thứ tình yêu ai cũng muốn có trong thời trẻ của mình. Đó là một cuộc gặp gỡ tình cờ, những va chạm tình cờ để rồi yêu nhau say sưa như đang mơ màng trong nhạc và ánh sáng mờ ảo. Đó là thứ tình yêu không cần rõ ràng; không cần cắt nghĩa, không cần ai phán xét.
Tôi tin, khán giả có thể sẽ yêu Mùa viết tình ca chính vì đây là những bản tình ca đã đời nhất của lứa đôi thời xuân trẻ.
Bộ phim Mùa viết tình ca tạo ra trong tôi một miền nhớ khác. Miền nhớ của nghề viết phê bình.
Ngày trước, ngòi bút không bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ; nên thẳng thắn và thậm chí sâu cay. Còn nay, hầu hết những bài review phim thường được ve vuốt kiểu “dĩ hòa vi quý” hoặc “nói giảm nói tránh”; để tránh tạo những vết hằn khó nói trong các mối quan hệ. Âu cũng phải, khi thế giới càng phẳng, bàn phím hay ngòi viết cũng phải phẳng theo. Phẳng – nghĩa là đa chiều. Nên, tôi luôn viết “giá như”.
Tuyến phụ của phim được tô đậm hơn một chút, ở những cung bậc khác nhau. Câu chuyện nhân vật chính rất rõ. Nhưng nhân vật do các nghệ sĩ Hoàng Phi, Puka, Chí Tài, Phi Phụng, Lâm Vinh Hải… lại không có câu chuyện để kết nối. Dẫu biết, đòi hỏi cụ thể cho tất cả là sai; nhưng những gì đã gieo thì cần giải quyết; hoặc ngược lại.
Hoàng Phi là điểm sáng nhất về diễn xuất
Phi diễn như không diễn, duyên dáng và chân thật. Đáng yêu lạ kỳ. Tiếc thay, vai của Hoàng Phi không tham gia thúc đẩy câu chuyện.
Chí Tài – người cha “bỏ phố lên rừng” mờ đến không thể mờ hơn. Thậm chí, nếu không có nhân vật này thì mạch phim vẫn không sao. Một ông bố hời hợt chả lẽ là hình ảnh của thế hệ âm nhạc trước đó? Chính đất diễn mờ nhạt của tuyến phụ đã làm bộ phim mất đi sự tinh tế; điều cần – đủ góp phần bổ sung hoàn hảo cho một tinh thần trẻ trung sáng tạo sẵn có của ekip.
Và giá như mạnh dạn lượt bỏ toàn bộ cảnh dù lượn
Chỉ riêng phần này đã đẩy lùi Mùa viết tình ca trở về nhập hội với những bộ phim thời trước; kém cả kỹ thuật và kỹ xảo. Tôi, thậm chí đã rất giận, khi nhìn thấy cảnh dù lượn lần thứ hai xuất hiện. Tôi không tin Thắng Vũ lại đánh mất sự khó tính của mình. Nếu như cậu ấy không bị bất lực vì vấn đề nào khác.
Giá như phim nhiều cảnh hoành tráng hơn – theo đúng kiểu musical. Số lượng diễn viên quần chúng trong phim, đặc biệt là phim ca nhạc, là không đủ đẹp và không đủ nhiều khiến những đại cảnh nhìn bị tủn mủn. Giá như câu chuyện căn nhà ven biển được đưa vào tâm tư của nhân vật nữ; thì cảnh tất cả đàn ông giúp cô ấy làm lại nhà sẽ đáng yêu và ý nghĩa hơn biết bao nhiêu.
Tôi lo lắng những “giá như” của mình có thể phá vỡ tình thân tôi có với Nhà sản xuất, Đạo diễn bộ phim. Nhưng, như Hải Mèo – nhân vật của Hoàng Phi – đã là bạn của nhau thì không phải đưa bạn mình vào những cuộc chơi để rồi quên lãng hết. Không phải là say sưa cùng bạn để rồi đi tìm “lối thoát” ảo diệu không có thật; mà là phải giúp bạn tỉnh táo ra và dám nhìn vào trách nhiệm của chính mình. Hải Mèo, với tôi là một người bạn chưa đủ tốt. Tôi không muốn là Hải Mèo.
Phim làm sống lại những bài hát vốn dĩ quen thuộc với khán giả; với tham vọng tạo lại hiệu ứng Mama Mia – khiến khán giả ngồi trong rạp phim và hát vang những bài hát gắn liền với miền nhớ của mình.
Đó là những bài hát của Đức Huy, Lê Hựu Hà, Trịnh Nam Sơn
Có điều, phải chăng những bài hát hay của những tiền bối trong phim đã kịp “nuốt chửng” bài hát chính – bài hát trẻ nhất và trọng tâm nhất của phim – ca khúc Mùa viết tình ca” trôi đi trong tiếc nuối.
Vì vậy, Mùa viết tình ca vẫn là bài ca chưa viết hết lời.
Bài: Tùng Leo
Tiếp Thị Gia Đình