Tinh dầu và dầu nền có sự khác biệt như thế nào? – Phần 1

Tinh dầu sẽ thật sự mang lại hiệu quả cao nếu bạn biết dùng đúng cách. Trong bài viết này, hãy cùng TTGĐ tìm hiểu về đặc điểm và cách sử dụng tinh dầu nhé!

tinh dầu

Tinh dầu hoa cúc La Mã có thể giúp điều trị các vấn đề về da. (Ảnh: Shutterstock)

Từ lâu, tinh dầu được biết đến như một liệu pháp chữa bệnh, giải tỏa căng thẳng và làm đẹp. Các loại phổ biến và được nhiều người yêu thích gồm hoa oải hương, bạc hà, cam bergamot, hoa hồng, hoa cúc La Mã, tràm trà, chanh, hoa nhài, hoa Ylang Ylang,…

Tinh dầu là gì?

Tinh dầu được chiết xuất phổ biến bằng cách chưng cất rễ, lá, hoa, vỏ cây,… để đạt được độ tinh khiết cao. Ngoài ra còn có hình thức ép lạnh (ép nguội), ép nhiệt và tách chiết dung môi.

Nhận biết bằng cách nào?

Thường có mùi thơm rất đặc trưng.

Tinh dầu không phải là dầu vì chúng không chứa axit béo.

Có thể không màu hoặc mang màu vàng sẫm.

Dễ bay hơi và khuếch tán nhanh.

Nhiều loại không thể uống hay dùng trực tiếp lên da vì gây kích ứng bề mặt.

Tuổi thọ trung bình khoảng 2 – 5 năm, có loại đến 10 năm.

Khi hết hạn sử dụng, chúng sẽ giảm mùi hoặc có mùi khó chịu và thay đổi màu sắc.

Ứng dụng

Trong làm đẹp: Nhờ đặc tính kháng khuẩn nên một số loại như tràm trà, oải hương, cúc La Mã có thể dùng xoa lên da để điều trị các nốt mụn trong thời gian ngắn. Tinh dầu bưởi kích thích mọc tóc hiệu quả.

Trong thực phẩm: Một số loại được dùng tạo mùi cho bánh kẹo, các loại mứt, đồ đóng hộp, rượu và đồ uống. Nó cũng dùng trực tiếp trong nấu nướng để gia tăng hương vị món ăn.

Chăm sóc sức khỏe: Nhiều loại có tác dụng chống viêm, làm lành vết thương, kháng khuẩn và diệt khuẩn như tràm, bạch đàn, bạc hà,…

Thư giãn: Tinh dầu nguyên chất thường được sử dụng để khuếch tán cùng với đèn xông; hoặc máy khếch tán để thư giãn hay phấn chấn tinh thần. Ngoài ra, chúng còn có thể dùng để khử mùi, thanh lọc không khí và đuổi côn trùng hiệu quả.

Bên cạnh đó, chúng còn được sử dụng trong sản xuất nước hoa, mỹ phẩm, sữa tắm, xà phòng,…

Cách bảo quản

Để chúng không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng và nhiệt độ, bạn cần chọn những chai lọ thủy tinh tối màu. Nắp vặn của chai đựng cũng phải là loại chắc chắn. Đảm bảo kín chặt để giảm sự tiếp xúc của tinh dầu trong không khí.

Tuyệt đối không được sử dụng chai nhựa để đựng vì tinh dầu có thể hòa tan nhựa.

Giá thành

Quá trình sản xuất tinh dầu đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và lượng nguyên liệu rất lớn nên giá rất cao.

Pha tinh dầu và dầu nền theo tỷ lệ như thế nào?

Hiệp hội quốc gia về mùi hương khuyến nghị các tỷ lệ pha loãng dành như sau:

Đối với người lớn:

2,5%: 15 giọt tinh dầu nguyên chất và 30ml dầu nền. Mức pha loãng này được khuyến nghị cho hầu hết người trưởng thành khỏe mạnh trong quá trình trị liệu bằng tinh dầu.

3%: 20 giọt tinh dầu nguyên chất và 30ml dầu nền. Nồng độ này sử dụng để điều trị các vấn đề sức khỏe mang tính tạm thời, chẳng hạn như đau cơ hoặc chấn thương.

5%: 30 giọt tinh dầu và 30ml dầu nền. Không dùng liên tục quá 2 tuần.

10%: 60 giọt tinh dầu và 30ml dầu nền. Nồng độ này chỉ dùng cho vùng đau hoặc tổn thương nặng.

Đối với trẻ em:

0,5 – 1%: khoảng từ 3 – 6 giọt tinh dầu nguyên chất và 30ml dầu nền.

Lưu ý

Trước khi sử dụng một loại tinh dầu bất kỳ, bạn cần thử 1 giọt lên cổ tay để xem chúng có gây kích ứng trên cơ thể mình hay không. Sau 24 giờ, nếu gặp các dấu hiệu về dị ứng, bạn cần rửa kỹ vùng da đó bằng nước sạch và nói lời tạm biệt với chúng.

Dầu ô-liu là loại dầu nền phổ biến để kết hợp với tinh dầu. Nếu bạn không ưa thích mùi từ dầu ô-liu, bạn có thể chuyển sang dùng dầu hạnh nhân hoặc dầu hạt trái mơ.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua