Ngay từ tấm bé, chúng ta đều được chỉ dạy những câu nói căn bản như “xin chào”, “tạm biệt”, “cảm ơn” và “xin lỗi”. Trong 4 câu nói ấy, lời xin lỗi có lẽ câu có sức mạnh và cũng khó nói nhất. Và trong bất kỳ một mối quan hệ nào cũng sẽ có lúc xảy ra sự cố khiến cả bạn và đối phương đều tổn thương. Khi ấy, một lời xin lỗi chân thành lại là liều thuốc chữa lành cho những gì sắp đổ vỡ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể mạnh dạn thổ lộ và biết bày tỏ đúng cách. Nếu đang cần gửi lời xin lỗi đến 1 ai đó, bài viết này sẽ giúp bạn có thể khiến bạn xoá đi ngại ngùng và giữ cho mối quan hệ ấy luôn được bền chặt.
Học cách lắng nghe
Trong 1 số trường hợp, lời xin lỗi nhanh có thể giải quyết được mọi vấn đề. Nhưng trong đời sống hằng ngày, lời xin lỗi gấp gáp này có thể được xem là hành động thiếu chân thành và làm đối phương cảm thấy tiêu cực.
Theo chuyên gia tâm lý Molly Howes: “Trước khi nói lời xin lỗi, bạn hãy chủ động hỏi về cảm xúc của đối phương.” Hành động lắng nghe này có thể giúp bạn phân tích được tâm trạng của người đó và giúp 2 bên hiểu ra được vấn đề. Bởi khi chủ động trước, bạn sẽ có thể kiểm soát được cảm xúc của mình. Từ đó, đưa ra lời xin lỗi một cách cụ thể, chân thành nhất.
Tránh đặt nặng cái tôi
Hãy luôn nhớ rằng, xin lỗi chỉ là cách để cải thiện tình huống. Do đó, bạn không nên đặt cảm xúc của bản thân lên hàng đầu trong cuộc nói chuyện ấy. Bởi việc bào chữa cho hành động của mình chỉ khiến người khác cảm thấy tổn thương và cảm thấy bạn không thật lòng.
Để cải thiện tình huống, hãy sử dụng lời biện hộ 1 cách cẩn thận. Đồng thời, tránh cách nói làm người khác cảm thấy nghi ngờ về sự hối lỗi của bạn.
Hành động có giá trị hơn lời nói
Nếu người mà bạn “đắc tội” vẫn chưa cảm thấy thoải mái, hãy tìm đến 1 giải pháp khác. Bởi hành động có thể là cách hàn gắn rạn nứt tốt hơn cả lời nói. Do đó, khi nói lời xin lỗi, bạn hãy đưa ra 1 giải pháp để bù đắp cho những tổn thương mà mình đã gây ra với họ. Bằng cách này, người tổn thương sẽ cảm thấy được sự chân thành và trung thực của bạn.
Ngôn ngữ cũng có thể xóa tan hiềm khích
Nếu gặp khó khăn khi diễn đạt từ ngữ, hãy cân nhắc đến việc viết ra cảm xúc của mình. Cách làm này sẽ giúp bạn kiểm soát được cảm xúc và biểu lộ đúng những gì mà mình mong muốn. Nếu không tự tin, bạn có thể viết nháp trước và nhờ 1 người thân thiết xem xét. Mặc dù cách xin lỗi này không được đảm bảo về độ thành công nhưng nó cũng giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.
Chưa bao giờ là quá muộn
Cách tốt nhất để xua tan cảm giác hối hận chính là trực tiếp nói ra lời xin lỗi với người mà bạn “đắc tội”. Dù chuyện đã xảy ra quá lâu hay phải mất 1 thời gian để bạn nhận ra lỗi sai của mình, hãy xin lỗi nhanh nhất có thể.
Cách làm này sẽ giúp bạn thể hiện tinh thần thiện chí. Đồng thời, bạn sẽ có cơ hội để giải thích về hành động của mình trong quá khứ. Nếu không thể gặp trực tiếp, hãy chọn cách gián tiếp. Chúng sẽ làm bạn dễ chịu và giúp tâm trạng người nhận dễ mở lòng hơn.
Tiếp Thị Gia Đình