Nói dối không làm ai bối rối là cả một nghệ thuật giao tiếp

Bởi ẩn trong những lời nói dối vô hại là tình yêu thương dành cho đối phương!

Nói dối

Ảnh: Shutterstock

Điều quý giá nhất trong cuộc sống là sự chân thật. Trong mọi mối quan hệ xã hội, tính trung thực của một người luôn được đề cao. Tuy nhiên, có những trường hợp buộc ta phải nói dối để không làm tổn thương đối phương. Và cũng có nhiều lúc, lời nói dối đó trở nên đáng yêu khi mang đến động lực và niềm tin cho người nghe.

Hãy cùng TTGĐ trò chuyện với chuyên gia tư vấn, phát triển bản thân Vanilla Huỳnh Huyền Trân. Chị sẽ có chúng ta một cái nhìn về những “lời nói dối ngọt ngào” nhân dịp Cá tháng Tư 1/4 nhé!

Chuyên gia tư vấn, phát triển bản thân Vanilla Huỳnh Huyền Trân. Ảnh: NVCC

Nói dối để đem đến niềm vui cho đối phương

Xin chào chị Vanilla. Nhân dịp Cá tháng Tư, chị có thể chia sẻ khái niệm “lời nói dối ngọt ngào” được không?

Nói dối có nghĩa là không trung thực, không nói đúng sự thật. Nói dối rất phổ biến trong giao tiếp hàng ngày của con người. “Lời nói dối ngọt ngào” mà bạn đề cập được gọi là white lies (lời nói dối trắng). Đây là những lời nói dối không làm tổn thương bất kỳ ai và cũng không làm nguy hại đến ai. Thậm chí, lời nói không thực này còn xuất phát từ việc mình muốn bảo vệ hoặc mang đến niềm vui cho người nghe.

Chị nói rõ hơn về việc bảo vệ và đem niềm vui cho người khác được chứ?

Tôi lấy ví dụ một người thân của chúng ta mắc bệnh nan y. Bác sĩ thông báo với người nhà rằng thời gian sống chỉ còn tính bằng tháng. Với một người đang vui vẻ sống bình thường, không có sự chuẩn bị về tinh thần cho sự ra đi cận kề, sự thật này sẽ khiến họ suy sụp nhanh khủng khiếp.

Lúc này, nói dối sẽ giúp họ. Những ngày còn lại của họ sẽ không sống trong lo lắng, tuyệt vọng.

Nhưng đến một lúc họ cũng sẽ biết sự thật. Và liệu họ có trách ngược lại mình vì đã nói dối?

Khi biết tình trạng của người thân mình như vậy, tôi tin ai cũng muốn dành thật nhiều thời gian để ở bên họ. Đồng thời cũng cố gắng làm tất cả những gì để họ vui. Rồi cũng đến lúc họ sẽ thắc mắc vì sao mọi người lại đối xử với mình quá khác lạ. Đó sẽ là lúc nói ra sự thật. Biết đã bị che dấu thời gian qua, tôi tin sẽ chẳng ai trách ngược lại mình cả. Vì họ sẽ hiểu một điều rằng, mọi người đang cố gắng bù đắp cho họ.

Lời nói dối này không xuất phát từ sự giả tạo; mà từ tình thương và sự quan tâm vô bờ của mọi người trong gia đình. Ai đã từng có người thân mắc bệnh hiểm nghèo sẽ hiểu rõ điều này.

Nói dối là kỹ năng giao tiếp và cảm xúc thông minh

Nói dối có là kỹ năng cần trau dồi?

Nói dối dù mang ý tốt hay ý xấu, đều là một phần trong kỹ năng giao tiếp lôi cuốn và cảm xúc thông minh. Thậm chí, ta phải dùng rất nhiều nghệ thuật, chất xám để nói ra một lời không thật; và khiến đối phương tin.

Trong giao tiếp lôi cuốn, nói dối là một trong những cách giúp chúng ta giữ được mạch cảm xúc; tiếp tục cuộc trò chuyện hoặc lướt nhanh qua một chủ đề khác. Còn với cảm xúc thông minh, trước khi nói dối, chúng ta đã phải đặt mình ở vị trí của người nghe. Rõ ràng là mình nghĩ đến đối phương rất nhiều mới quyết định nói dối họ.

Nếu được sử dụng một cách đúng đắn và khéo léo, lời nói dối không chỉ giúp xây dựng mối quan hệ; củng cố niềm tin mà còn giúp ích cho công việc, sự nghiệp. Thành thật là điều cần thiết. Thế nhưng, một lời phê bình thẳng thắn đến mức như “dội nước lạnh” không phải lúc nào cũng là cách tốt nhất để khuyên nhủ người khác. Lúc này, một lời nói dối cũng mang nội dung góp ý xây dựng.

Lời nói dối ngọt ngào có đồng nghĩa với sự thảo mai?

Cả hai đều là nói dối, đều đem lại cho người nghe niềm tin, hạnh phúc trong một khoảnh khắc nào đó. Cùng là để lấy lòng đối phương, nhưng ở lời nói dối ngọt ngào; nó xuất phát từ trái tim yêu thương, muốn tốt cho đối phương. Nó chẳng mang lợi ích cá nhân nào cả.

Còn với sự thảo mai, đó là lời nói đi ngược với suy nghĩ. Và khi nói những điều này, thực ra chúng ta có một động cơ, mục đích nào đó; đang mong muốn đạt được một cái gì đó cho mình.

Vậy sau những lời nói dối không gây hại, khi nào ta mới nói ra sự thật?

Sự thật đôi khi không dễ dàng chấp nhận. Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng có quyền được biết sự thật. Để nói ra sự thật, thời điểm thích hợp vẫn chưa đủ; còn phụ thuộc vào cách diễn đạt sao cho khéo léo, ít tổn thương nhất. Đôi lúc, chúng ta không cần nói vì đối phương cũng tự tìm ra.

Cuộc sống không thể thiếu những lời nói dối chân thành. Nhưng đừng lạm dụng, bởi rất dễ khiến làm mất đi niềm tin của đối phương.

Cảm ơn chị Vanilla đã chia sẻ.

Bài: Alexis
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua