Hôm 20–7, NYDC Việt Nam gửi lời chào tạm biệt tới khách hàng thông qua Facebook. Chuỗi cà-phê “sang chảnh” từng được thế hệ 8X chọn làm nơi thể hiện đẳng cấp này đã có dấu hiệu kinh doanh đi xuống từ trước đó. Hồi tháng 5, ba chi nhánh tại Nguyễn Trãi, Cantavil và Crescent Mall tại TP. HCM đã đóng của. Riêng cửa hàng tại Metropolitan ở trung tâm Q. 1 vẫn hoạt động. Song, sau 6 tháng cố gắng, NYDC đã phải dẹp cửa hàng cuối cùng.
MẢNH ĐẤT MÀU MỠ?
Với dân số trên 90 triệu dân, trong đó 65% dân số có độ tuổi dưới 35, cùng với thu nhập bình quân đầu người tăng và một lớp người tiêu dùng trẻ, mới, năng động và có sở thích mạnh với các thương hiệu nước ngoài đã giúp Việt Nam nổi lên như một trong những quốc gia hấp dẫn ở châu Á cho nhà nhượng quyền tìm cách xâm nhập và mở rộng kinh doanh. Theo thống kê của Bộ Công thương, tính tới năm 2015, đã có hơn 144 nhà nhượng quyền nước ngoài đăng ký tại Việt Nam. Và hiện tại, hầu hết các thương hiệu nhượng quyền hàng đầu thế giới cũng đã có mặt tại Việt Nam.
Song, việc kinh doanh nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam không dễ thành công. Bên cạnh NYDC, chuỗi nhà hàng Burger King cũng gặp khó khăn vào cuối năm 2015, đóng cửa liên tục nhiều nhà hàng tại TP. HCM, Hà Nội và mất dấu hẳn tại Đà Nẵng và Đồng Nai. Domino’s Pizza cũng là thương hiệu của tập đoàn liên Thái Bình Dương mà ông chủ Johnathan Hạnh Nguyễn từng vất vả vực dậy.
Khó khăn của việc phát triển cửa hàng nhượng quyền thương hiệu trước nhất là tài chính, chi phí mở cửa hàng khoảng 4–6 tỷ đồng, chưa kể tiền thuê mặt bằng và khoản tiền phải trả cho bên nhượng quyền. Chi phí cao khiến tỷ lệ thành công rất khó đảm bảo.
NGƯỜI THUA, KẺ THẮNG TRONG CUỘC CHIẾN NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG HIỆU
Là thị trường hấp dẫn, Việt Nam được các nhà kinh doanh nhượng quyền thương hiệu muốn chinh phục, cũng giống như một cô gái xuân sắc sẽ có nhiều chàng trai vây quanh, cạnh tranh khốc liệt. Và trong cuộc chiến, có người thua thì cũng có kẻ thắng. Bên cạnh những thương hiệu gặp khó khăn thì vẫn có nhiều thương hiệu phát triển như Lotteria, KFC, Subway The Coffee Bean & Tea Leaf. Trong đó, nhiều thương hiệu Việt vẫn sống khỏe như Highlands Cofffee, Phúc Long… và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với ông lớn như Starbucks.
Vì sao họ sống khỏe mà NYDC lại ra đi? Đồ ăn, thức uống của NYDC vẫn chất lượng, quán vẫn đẹp nhưng bài toán marketing của NYDC không còn giữ được vị thế độc tôn là điểm hẹn ăn chơi của giới trẻ Sài thành như 10 năm trước NYDC đã làm được. NYDC không đáp ứng được sự thức thời, nhu cầu về không gian và gu của giới trẻ. Thay vào đó, Phúc Long, Milano coffee lại có những thay đổi như thiết kế gần gũi, trẻ trung, thực đơn thay đổi theo trào lưu, chẳng hạn trà sữa, matcha, các loại bánh thời thượng du nhập từ Hàn Quốc mà giới trẻ rất thích. Giá cả của Phúc Long, Milano, The Coffee House… lại đa dạng, để cho giới trẻ có thể dễ dàng chọn lựa. Trong khi đó, NYDC không có những thay đổi sao cho phù hợp với giới trẻ mà vẫn giữ được bản sắc và thương hiệu.
Vì vậy, để sống được trong thị trường cạnh tranh khốc liệt, điều quan trọng không chỉ là doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược quản trị nhượng quyền bài bản, cụ thể mà đặc biệt còn phải thức thời. Doanh nghiệp phải tính trước bài toán và có bộ phận phản ứng nhanh để giải quyết kịp thời những sự cố hay nhưng thay đổi sao cho phù hợp với thời cuộc.
Uyên Hồ
Mục Tài Chính / Tiếp Thị Gia Đình