Nhượng quyền thương hiệu F&B: Cơ hội và thách thức

F&B là viết tắt của Food and Beverage Service, tức ngành dịch vụ ăn uống. Bạn có thể hiểu đó là quá trình chuẩn bị, trình bày và phục vụ đồ ăn thức uống cho khách hàng. Kể từ khi xuất hiện, nhượng quyền thương hiệu F&B luôn là chủ đề nóng thu hút nhiều sự quan tâm từ người làm kinh doanh.

Nhượng quyền thương hiệu mang đến cơ hội và thách thức gì trong năm 2022? Ảnh: Shutterstock

Sau nhiều năm đi làm thuê, bạn tích góp được một khoản tiền và muốn bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình. Vì chưa có bất kỳ kinh nghiệm khởi nghiệp nào, bạn cân nhắc việc mua nhượng quyền thương hiệu với suy nghĩ rằng những khó khăn đã được đơn vị nhượng quyền lo liệu. Hoặc bạn có thể là chủ một cửa hàng F&B đã thành danh, muốn mở rộng quy mô kinh doanh nhanh chóng và tối đa hóa thu nhập, bạn có thể sẽ nhượng quyền thương hiệu.

Dù thuộc phía nào trong hai trường hợp kể trên thì bạn đều có một nỗi băn khoăn chung. Đó là nhượng quyền thương hiệu mang đến cơ hội và thách thức gì trong năm 2022.

Nhượng quyền thương hiệu là gì?

Nhượng quyền thương hiệu liên quan đến hai bên: Bên nhượng quyền (franchisor) với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp sẽ trao giấy phép cho bên kia – tức là bên nhận quyền (franchisee)và cho phép họ được sử dụng ý tưởng kinh doanh. Nhượng quyền thương hiệu là một mô hình có lợi cho cả bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Các nhà nhượng quyền được trả một khoản phí ban đầu cho giấy phép của họ. Sau đó họ sẽ nhận được tiền bản quyền liên tục dựa trên doanh thu.

Đối với bên nhận quyền, họ sẽ sử dụng thương hiệu, nhãn hiệu, chiến lược và mô hình kinh doanh của bên nhượng quyền. Ngược lại, bên nhượng quyền cũng hỗ trợ họ. Bao gồm cả đào tạo và quảng cáo như một phần của thỏa thuận.

Nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam

Mô hình nhượng quyền thương hiệu rất phổ biến và phù hợp với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Đối với cá nhân muốn khởi nghiệp, nhượng quyền thương hiệu dẫn lối cho họ vào con đường kinh doanh tương đối nhanh chóng, với mức đầu tư có thể kiểm soát được và ít rủi ro. 

Nhượng quyền kinh doanh xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 1990. Với sự ra đời của chuỗi thức ăn nhanh nổi tiếng như KFC, Lotteria, Jollibee.

Tính đến tháng 4/2020, Bộ Công Thương báo cáo có hơn 235 thương hiệu nước ngoài đã đăng ký kinh doanh nhượng quyền tại Việt Nam. Các lĩnh vực thuộc về F&B như thức ăn nhanh, bánh mì, cà phê, đồ uống và nhà hàng… chiếm hơn 50% tổng số hợp đồng nhượng quyền được ký kết. Hầu hết các nhà nhượng quyền đến từ các quốc gia như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Canada và Philippines.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng ngày càng biết cách khai thác cơ hội kinh doanh thông qua nhượng quyền thương hiệu. Tiêu biểu là Wrap and Roll, Cộng Café, AQ Silk, Phở Ông Hùng, ThaiExpress, cà phê The Coffee House, cà phê Highland, cà phê Trung Nguyên là những công ty có sức hút trong nhiều năm qua và sở hữu chuỗi các cửa hàng trên toàn quốc.

Món Huế, Kichi Kichi, Vuvuzela, King BBQ Buffet, Phở 24, Cà phê Trung Nguyên cũng là thương hiệu địa phương đang mở rộng ra nước ngoài.

>> Xem thêm: Công Vinh trở thành Đại sứ thương hiệu nước tăng lực đến từ Ba Lan

Cơ hội

Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng cho hình thức kinh doanh nhượng quyền thương hiệu.

Bộ Công Thương ước tính rằng ngành F&B chiếm 15% GDP hàng năm và sẽ tiếp tục tăng trong những năm sắp tới. Theo Statista, doanh thu trong mảng thực phẩm và đồ uống dự kiến ​​đạt 559 triệu USD vào năm 2021, cho thấy tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR 2021-2025) là 4,98%. Điều này dẫn tới quy mô thị trường dự kiến ​​là 678 triệu USD vào năm 2025. Một con số đáng cân nhắc cho những ai muốn đầu tư vào thị trường F&B.

Việt Nam hiện sở hữu 55,5% dân số dưới 35 tuổi và 37% sống ở khu vực thành thị với tuổi thọ trung bình là 76 tuổi. Đây là con số cao nhất so với các nước trong khu vực có mức thu nhập tương đương. GDP bình quân đầu người rơi vào khoảng 2.700 USD và còn tăng mạnh.

GDP tăng trưởng ổn định tạo ra một tầng lớp trung lưu mới, chiếm 13% dân số và dự kiến sẽ đạt 26% đến năm 2026. Họ có thu nhập đủ để chi tiêu cho lối sống mà họ mong muốn. Trong đó thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội sở hữu lượng dân số trung lưu lớn nhất. Các thành phố như Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ đang xuất hiện ngày càng nhiều người thuộc tầng lớp này.

Người tiêu dùng ở nông thôn cũng hứng thú với các sản phẩm nhãn hiệu mới, đa dạng. Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, 77% người tiêu dùng nông thôn muốn thử sản phẩm mới. 95% đánh giá cao việc có nhiều loại sản phẩm để lựa chọn.

Điều này chứng minh ngành F&B cũng như mô hình nhượng quyền thương hiệu trong ngành này đang có nhiều cơ hội phát triển.

Thách thức

Ngoài những cơ hội đầy hứa hẹn, các nhà nhượng quyền ngoại quốc gia nhập thị trường Việt Nam cũng nên xem xét đến thách thức mà họ phải đối mặt.

Cụ thể là nhiều công ty địa phương có thể chưa đủ hiểu biết về giá trị thương hiệu hoặc quy định pháp lý liên quan đến nhượng quyền thương mại. Vậy nên điều quan trọng trước khi nhượng quyền là thẩm định đối tác tiềm năng. Để xác định sự phù hợp và khả năng tài chính của họ. Đương nhiên, với thương hiệu mới và chưa có bề dày thành tích trong khu vực thì việc nhượng quyền sẽ trở nên khó khăn hơn.

Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng là vấn đề nan giải. Sự khác biệt về văn hóa đòi hỏi thương hiệu nước ngoài phải có những điều chỉnh đối với chiến lược tiếp cận thị trường một cách tốt hơn.

Để thực hiện nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam, bên nhượng quyền phải hoạt động kinh doanh trong một thời gian tối thiểu 1 năm.

Nếu là bên nhận quyền, bạn phải đối mặt với khó khăn vì các quy định hạn chế quyền hạn. Bạn không hoàn toàn kiểm soát hoạt động kinh doanh và cũng chẳng thể đơn phương đưa ra quyết định mà không màng đến ý kiến của bên nhượng quyền. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư ban đầu có thể rất tốn kém. Đặc biệt khi bạn tham gia nhận quyền từ thương hiệu nổi tiếng. Một thách thức khác mà bên nhận quyền phải đối mặt là sự thiếu riêng tư về tài chính.

Tiếp Thị Gia Đình 

Đừng bỏ qua