Những tiết lộ thú vị về hiện tượng ngủ mà không mơ

Ngủ mà không mơ liệu có phải là dấu hiệu bất thường. Hãy cùng tìm hiểu những điều thú vị xung quanh giấc mơ của chúng ta nhé

Việc ngủ mà không mơ mộng gì có phải một hiện tượng kì lạ? (Ảnh: Shutterstock)

Lần gần nhất bạn ngon giấc là khi nào? Bạn có bao giờ tò mò về giấc mơ? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những điều cần biết về giấc mơ. Đồng thời lý giải một hiện tượng thú vị: Ngủ mà không mơ.

Giấc mơ từ đâu mà ra?

Tiến sĩ Joshua Tal – nhà Tâm lý học làm việc tại New York cho hay: “Giấc mơ là những hình ảnh, âm thanh và ký ức diễn ra trong khi ngủ.”

Khoa học chưa tìm ra lý do chính xác giấc mơ xuất hiện, song có thể nói rằng giấc mơ được điều khiển bởi các bộ phận cảm xúc và trí nhớ của não bộ.

Giấc mơ là ảo giác xảy ra trong giai đoạn REM (cử động mắt nhanh). Nó thường kéo dài 5 – 30 phút và lặp lại nhiều lần trong đêm. Giai đoạn này tương đồng với trạng thái thức giấc của con người nên toàn bộ não sẽ hoạt động, ngoại trừ phần chịu trách nhiệm về tính logic. Điều này giải thích tại sao một số giấc mơ diễn ra vô cùng kì quặc.

Nhà trị liệu tâm lý Jennifer Hoskins khẳng định những giấc mơ y hệt nhau là dấu hiệu về sự căng thẳng mà bạn đang phải đối mặt trong cuộc sống.

Tại sao ta ngủ mà không mơ?

Tại sao có những lúc chúng ta cảm thấy mình ngủ mà không mơ mộng gì cả? Đây có phải dấu hiệu bất thường hay không?

Giấc ngủ chia làm 2 chu kì. Đầu tiên là NREM (Non Rapid Eye Movement). Còn lại là REM (Rapid Eye Movement – Cử động mắt nhanh). Và giấc mơ sẽ xảy ra trong chu kì REM.

“Khi cơ bắp ngưng hoạt động trong chu kì REM, bạn không thể mơ”- Tiến sĩ Tal giải thích.

Trên thực tế, hầu hết mọi người đều ngủ mơ nhưng chẳng hề nhớ gì sau khi thức dậy. Chỉ có rất ít những người thực sự không mơ gì cả. Theo Tiến sĩ Tal, giấc ngủ REM của họ đã bị gián đoạn bởi các chất kích thích hoặc trầm cảm.

Trong trường hợp bạn thường xuyên quên đi những giấc mơ, đó có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là tình trạng cổ họng của bạn giãn ra khi ngủ, gây hiện tượng ngừng thở và làm gián đoạn giấc ngủ.

May mắn thay, chứng ngưng thở trong khi ngủ hoàn toàn có thể điều trị được. Những người được chữa khỏi cho biết họ đã cảm thấy khỏe khoắn hơn nhiều vào buổi sáng.

Cách nào để ghi nhớ giấc mơ tốt hơn

Tóm lại là, phần lớn chúng ta đều có những giấc mơ nhưng thường quên mất chúng sau khi tỉnh giấc. Vậy nên bạn không phải người duy nhất thắc mắc “Tại sao tôi ngủ mà không mơ”. Đừng quá lo lắng bởi những phương pháp sau đây sẽ hỗ trợ bạn ghi nhớ giấc mơ tốt hơn.

Viết chúng ra

Cách tốt nhất để ghi nhớ những giấc mơ là viết chúng ra ngay khi bạn mở mắt. Tiến sĩ Tal khuyên bạn nên có một cuốn nhật kí gần giường ngủ mà mô tả chi tiết giấc mơ khi còn nhớ được chúng. Nhờ đó mà sau này, bạn sẽ chẳng còn phải băn khoăn về việc mình có thực sự ngủ mà không mơ.

Kể giấc mơ của bạn với mọi người

Quá bận vào buổi sáng đến nỗi không có thời gian viết nhật kí? Bạn có thể nói to với người thân trong gia đình về việc mình vừa có một giấc mơ thú vị đến nhường nào. Nhanh gọn hơn, hãy sử dụng công cụ ghi âm trên điện thoại.

Nâng cao chất lượng giấc ngủ

Chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng đến việc đạt được trạng thái REM của bạn. Chất lượng giấc ngủ kém đồng nghĩa với việc bạn ít mơ hơn.

Một vài yếu tố khiến chất lượng giấc ngủ giảm sút nghiêm trọng, bao gồm:

– Thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử bao gồm điện thoại, máy tính, TV… trước khi đi ngủ và sau khi thức giấc.
– Đi ngủ và thức dậy vào những thời điểm khác nhau trong ngày.
– Sử dụng chất kích thích quá sát giờ đi ngủ

Mẹo cải thiện chất lượng giấc ngủ

Dưới đây là một vài cách để cải thiện chất lượng giấc ngủ theo lời khuyên từ các chuyên gia.

Tạo một chu trình trước khi đi ngủ

Để giấc ngủ được an yên, bạn hãy tự tạo cho mình những thói quen tốt trước khi đi lên giường. Bắt đầu bằng việc tắm nước nóng, sau đó tận hưởng một chút nến thơm trong lúc thiền định. Chỉ cần kiên trì trong vòng 1 tuần, bạn sẽ bất ngờ bởi hiệu quả của chu trình này.

Nhật kí giấc ngủ

Viết nhật kí giấc ngủ là một ý tưởng không tồi. Bạn có thể ghi chép giờ đi ngủ và thức dậy. Cùng với đó là trạng thái của bản thân, thậm chí nhiệt độ phòng ảnh hưởng ra sao đến giấc ngủ của bạn. Từ những dữ liệu này, hãy bắt đầu loại bỏ những yếu tố làm giảm chất lượng ngủ.

Sử dụng công nghệ cao để theo dõi giấc ngủ

Ngày nay có rất nhiều thiết bị công nghệ cao hỗ trợ việc đánh giá chất lượng giấc ngủ. Apple Watch là ví dụ điển hình khi nó có thể thống kê nhịp tim, nhiệt độ cơ thể và thời gian ngủ của bạn.

Ăn nhẹ trước khi ngủ

Một bữa ăn nhẹ bao gồm chuối, bơ đậu phộng và sữa chua sẽ giúp bạn dễ chìm vào giấc ngủ hơn. Tránh dùng rượu bia và các thức uống có chất kích thích như cà phê hoặc trà vào gần giờ đi ngủ.

Ngủ khoả thân

Ở nhiệt độ phù hợp, bạn nên cân nhắc ngủ mà không mặc bất cứ thứ gì trên người. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khoả thân khi ngủ giúp bạn ngủ sâu và ngon hơn.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua