Có gì mới nơi đại dương bao la?

95% đại dương trên trái đất vẫn còn là bí ẩn với con người. Mỗi ngày, chúng ta lại phát hiện thêm nhiều điều mới về thế giới biển cả cùng các loài sinh vật biển mới. Những thông tin trong bài viết này sẽ khiến bạn kinh ngạc!

Mời bạn cùng khám phá đại dương xem có gì mới phát hiện nhé!

Sinh vật kỳ lạ mới phát hiện ở nơi sâu nhất Thái Bình Dương: “nhựa”

Mariana là rãnh sâu nhất trên trái đất từng được ghi nhận. Cụ thể, độ sâu tối đa rãnh là 11.034m dưới mực nước biển. Nếu đặt trọn ngọn Everest (8.848m) xuống đáy vực này thì đỉnh núi sẽ cách mặt biển đến hơn 2.000m. Con người đã và đang thực hiện nhiều cuộc thám hiểm quy mô ở Mariana. Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra một sinh vật bí ẩn có kích thước chỉ lớn bằng đồng xu. Chúng sống ở độ sâu khoảng 6.900m và là loài giáp xác thuộc bộ giáp mềm.

Trong quá trình khám phá đại dương, người ta sốc khi phát hiện ra sinh vật có cấu tạo từ nhựa!

Với sự hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) trong việc phân tích các mẫu vật mới được phát hiện, các nhà nghiên cứu đã hết sức kinh ngạc. Cơ thể nó được bao bọc bởi lớp vỏ giáp xác và… vi hạt nhựa. Thậm chí, dưới lớp kính hiển vi, người ta còn tìm thấy một sợi nhỏ hơn 0,65mm, có cấu tạo giống với PET (Polyethylene terephthalate) đến 80%. PET là một loại nhựa dẻo rất thông dụng trong đời sống con người. Do đó, các nhà khoa học gọi loài mới này là Eurythenes plasticus – như một lời nhắc nhở về ô nhiễm rác thải nhựa do con người gây ra.

Nhà sinh thái học biển Alan Jamieson – trưởng nhóm nghiên cứu nói: “Việc sống trong môi trường khắc nghiệt, khan hiếm thức ăn khiến những sinh vật đáy biển tiến hóa để ăn cả nhựa vào cơ thể. Không chỉ Eurythenes plasticus mà có tới 240 sinh vật khác cũng tiêu hóa nhựa. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh con người về những gì đã gây ra cho môi trường.”

Sinh vật biển dài nhất từng được ghi nhận: Apolemia

Giữa tháng 4/2020, các nhà khoa học biển của Viện Hải dương học Schmidt đã chia sẻ một đoạn video trên Twitter. Đoạn phim ghi lại một sinh vật bí ẩn ngoài khơi bờ biển phía Tây nước Úc. Nó có hình dáng giống như một chuỗi hạt trắng và cuộn tròn khi săn mồi. Sinh vật này có tên là Apolemia, thuộc loài siphonophore.

Trên thế giới, cá voi xanh đang được xem là động vật lớn nhất. Còn giờ đây, Apolemia “giựt” giải dài nhất với gần 50m. Đồng thời, chúng cũng được cho là sinh vật kỳ lạ nhất trên thế giới. Apolemia không phải là sinh vật đơn độc mà là một tập hợp nhiều bản sao nhỏ ghép lại với nhau. Mỗi bản sao có một chức năng, nhiệm vụ riêng để góp phần vào cả quần thể.

Bản chất loài siphonophore là nhóm động vật lai giữa san hô và sứa biển. Loài này không hề vô hại. Chúng có khả năng săn mồi dưới biển sâu tương tự sứa và san hô. Chúng giăng bẫy bằng cách sử dụng những tấm màn che phủ đầy các nhánh độc. Các loài giáp xác nhỏ, cá và đôi khi là các con siphonophore khác trở thành bữa ăn của chúng.

Loài sinh vật dài nhất được phát hiện trong quá trình khám phá đại dương

Quần thể siphonophore không cần di chuyển để kiếm ăn. Mỗi khi một bản sao bắt được mồi, nó sẽ kéo mồi về phía các bản sao hoạt động giống chiếc miệng nuốt chửng thức ăn cùng lúc. Tiêu hóa xong con mồi, chúng truyền dưỡng chất qua đường ruột dài chạy dọc toàn bộ quần thể để mọi bản sao đều có thể sử dụng dưỡng chất.

Ngoài Apolemia, những phân loài siphonophore khác cũng vô cùng độc đáo như Apolemia uvaria, Physalia physalis, Marrus orthocanna…

Khám phá đại dương và phát hiện loài cá vùng biển sâu đầu tiên giấu trứng trong miệng

Trong quá trình thụ thai của loài cá, đại đa số sẽ thụ tinh ngoài. Tức là con cái bơi trước đẻ trứng, con đực bơi sau thả tinh trùng của mình vào trứng. Phôi cá sẽ tự phát triển một mình. Một số rất ít khác lại có hình thức “gom” trứng đã thụ tinh và giấu trong miệng. Trong một báo cáo khoa học ngày 27/2/2020, các nhà nghiên cứu đã công bố loài cá đầu tiên ở vùng nước sâu có đặc tính giấu trứng trong miệng.

Nhà nghiên cứu sinh vật học Randy Singer tại Bảo tàng Động vật học thuộc Đại học Michigan đã phát hiện con cá phát sáng màu đỏ trong bức hình chụp ở độ sâu 500m gần Puerto Rico. Sau khi kiểm tra và so sánh mẫu cá ở bảo tàng Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, ông xác định loài sinh vật này là một parazen (tên đầy đủ là Parazen pacificus).

Có dịp khảo sát mẫu cá này ở chợ cá ở Đài Loan, Singer bóc mang của nó ra để xem cấu trúc bên trong. Thật bất ngờ khi trong đó là một tổ hợp chưa xác định. Theo như suy đoán ban đầu, đó có thể là con cá đang ngấu nghiến một trứng cá khác. Nhưng khi ông và các đồng nghiệp sử dụng kỹ thuật chụp CT để kiểm tra, đó là khoảng 530 phôi đang phát triển.

Như vậy, những quả trứng được giữ trong miệng là hoàn toàn có chủ ý. Những nghiên cứu trước đây chỉ ghi nhận các loài cá vùng nước sâu có tập tính sinh sản và thụ tinh bên ngoài. Trường hợp của cá parazen cho thấy sự đa dạng hơn trong quá trình sinh sản của thủy sinh vật nói chung, và cá sống ở vùng nước sâu nói riêng.

“Chung Vô Diệm” của đại dương

Một phát hiện mới khác về loài cá cũng sẽ khiến con người kinh ngạc. Không hẳn con cá nào cũng sẽ bơi. Các nhà khoa học phát hiện loài cá sống gần 1.000m bên dưới mặt nước biển. Chúng sử dụng vây làm bàn chân để đi lại. Sinh vật này được gọi là Schaefer’s Anglerfish hay Sladenia shaefersi. Đây là một loài trong họ nhà cá Lophiidae. Con trưởng thành có thể dài tới 1,5m và nặng gần 50kg.

Trong nỗ lực khám phá đại dương, con người phát hiện cá không dùng vây để bơi, mà để… đi bộ!

Cá có lớp da dày với họa tiết lốm đốm cùng tua tủa gai nhọn. Đặc điểm này giúp nó có thể ngụy trang và hòa mình dưới biển sâu u tối. Cá Schaefer’s Anglerfish lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1976 ở bờ biển Colombia thuộc vùng biển Caribbean. Trong lần đầu tiên bắt gặp ấy, các nhà thám hiểm đã nhầm đó là một hòn đá. Cho đến khi tiến lại gần thì họ mới nhận ra là một loài cá lạ. Nó đang đứng bằng hai cái vây của mình, trông y hệt như hai bàn chân.

Trang National Geographic đã chấm điểm nhan sắc loài cá ăn thịt này: “Chúng có thể là loài động vật xấu xí nhất hành tinh!”

Bạch tuộc phát quang sinh học

Nhóm nhà khoa học từ Bảo tàng Tây Úc đã phối hợp cùng các nhà nghiên cứu từ Đại học Curtin, Geoscience Úc và Viện Hải dương học Scripps trong việc khám phá Ningaloo Canyons ở Ấn Độ Dương. Thiết bị sử dụng là một robot mang tên ROV SuBastian. Thiết bị đã hoàn thành 20 lần lặn ở độ sâu lên tới 4.500m với hơn 181 giờ thám hiểm. Kết quả thu được là hơn 30 loại thủy sinh vật lần đầu tiên phát hiện. Trong đó, nổi bật nhất là loại bạch tuộc phát quang sinh học. Tên tiếng Anh là Taningia danae.

Taningia danae also known as Taning’s Octopus squid. Distributed circumglobally and known from Australia as well as Indian ocean but until now no records from Western Australia waters existed.

Loài bạch tuộc này có kích thước lớn. Ước tính chiều dài là 1,5m và nặng đến 161kg. Đây là loài động vật ăn thịt với cơ miệng khỏe. Trong các xúc tu của nó, 2 đầu xúc tu dài nhất có khả năng phát quang. Mỗi khi phát quang, đó như một lời cảnh báo kẻ thù trong trường hợp cảm thấy bị đe doạ hoặc bị tấn công.

Sứa không nọc độc

Quan điểm chung của mọi người về sứa là loài luôn chứa nọc độc. Tuy nhiên, sứa vàng (Mastigias Papua) là loài không hề có độc. Thậm chí nó rất dễ tổn thương nếu va chạm với con người. Đây là loài phổ biến nhất trong bốn loài sứa không nọc độc và thường sống ở hồ Palau, Philippines. Theo các nhà khoa học, do trải qua hàng nghìn năm bị cô lập ở đây nên loài sứa này đã tiến hóa lành tính hơn và mất đi khả năng chích.

Sứa vàng tập trung thành các cụm dọc theo bờ hồ ở phía Tây. Khi bình minh rực sáng bầu trời phía đông, chúng sẽ bắt đầu hành trình kiếm ăn của mình. Món ăn chính của chúng là các sinh vật phù du và ấu trùng cá. Vào buổi chiều, chúng bơi ngược lại về nơi xuất phát.

Chúng rất thích tận hưởng ánh nắng mặt trời để nuôi dưỡng tảo zooxanthellae. Đây là một loài tảo sống cộng sinh trong các mô của sứa vàng; và cung cấp một phần dinh dưỡng cho vật chủ hàng ngày.

Ngày nay, do đánh bắt quá mức và ô nhiễm môi trường; loài sứa vàng tại hồ Palau đã suy giảm nghiêm trọng. Trước tình hình này, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo rằng hệ sinh thái độc đáo của hồ Palau có thể gặp rủi ro; nếu không khai thác đúng cách ngay từ bây giờ.

Loài thủy tức khổng lồ có họ hàng với san hô

Robot ROV SuBastian đã quay lại một loạt các sinh vật biển khổng lồ dưới đại dương. Ngoài là những biến thể mới của những loài động vật đã biết, các nhà khoa học còn phát hiện ra một biến thể thủy tức (hydroid) màu đỏ tươi, cao hơn 1m (3,3 ft) chưa từng ghi nhận trước đây. Theo quan sát, nó có thể có họ hàng với san hô và khá giống với Branchiocerianthus. Hầu hết các thủy tức nước mặn được ghi nhận đều nhỏ bé và chỉ sống tập trung ở thềm lục địa. Tuy nhiên, thủy tức phát hiện lần này như một người khổng lồ đơn độc giữa đại dương.

khám phá đại dương

Theo các nghiên cứu trước đây về thủy tức, loài này sống cố địnhl và chỉ ăn thịt những sinh vật phù du bơi ngang qua. Chúng không có tập tính đi tìm thức ăn. Bên cạnh đó, cấu trúc cơ thể của loài ruột khoang này không hỗ trợ nhiều cho việc di chuyển. Đây là một điểm yếu của chúng bởi đáy đại dương là nơi sinh sống của vô vàn loài động vật ăn thịt. Thủy tức là loài sinh sản vô tính. Nó có khả năng tái sinh thành cơ thể hoàn chỉnh từ một phần cơ thể bị cắt ra.

Bài: EI VEE
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua