Bác sĩ Ngô Đức Hùng (1981) là bác sĩ chuyên khoa Hồi sức Cấp cứu – BV Bạch Mai (Hà Nội). Đồng thời là Giảng viên Đại học Y Hà Nội. Anh tốt nghiệp loại giỏi trường Y. Tự nhận mình là kẻ đứng giữa dòng chảy cuộc đời nhưng điềm nhiên như đứng ngoài sự việc. Bác sĩ Hùng Ngô rất khéo tự họa mình và cuộc đời mình bằng con chữ. Tuy nhiên, không có trong từ vựng hai chữ “giá như”. Anh là tác giả của nhiều tựa sách bán chạy. Nổi bật nhất là “Để yên cho bác sĩ “hiền” (2018) và “3 phút sơ cứu” (2020).
Nhật ký COVID từ tâm dịch
Vẫn được viết bằng giọng văn hài hước, vui vẻ giống với Để yên cho bác sĩ hiền ra mắt năm 2018, “Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể” tiếp tục là những trang tự sự muôn màu muôn vẻ. Từ ngày tháng trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch của bác sĩ Ngô Đức Hùng. Cho đến chia sẻ chuyên môn về dịch bệnh. Tất cả đều là ghi chép về công sức và tâm tư của những con người ngày đêm đứng ở tuyến đầu phòng dịch. Cũng là trang nhật ký về con người. Về tình người trong những ngày COVID hoành hành.
Cuốn nhật ký đặc biệt được kể theo trình tự thời gian với bốn chương rành mạch. Mở đầu – Năm Covid thứ nhất. Tiếp đó là Tháng ngày bình yên. Rồi đến Năm Covid thứ hai. Cuối cùng là phần tạm kết khép lại những ghi chép cho một giai đoạn đáng nhớ của nhân loại. Đồng thời thể hiện tinh thần lạc quan. Cái nhìn tích cực vào tương lai của một bác sĩ giữa tâm dịch.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng dành trọn hai mươi trang đầu tiên để điểm lại những thông tin quan trọng nhất. Giúp độc giả có được cái nhìn tổng quát về dịch bệnh. Nguồn gốc của virus, cách thức hoạt động và lây nhiễm. Cùng với đó là các mốc thời gian chính trong hai năm đại dịch hoành hành.
Những câu chuyện chưa từng được lên báo
Bài học lịch sử từ những đại dịch nguy hiểm xưa kia nhân loại phải trải qua đã quá rõ ràng. Các nhà khoa học cần tìm mọi cách để con người không bị đẩy vào viễn cảnh diệt chủng. Cấu trúc của cuốn sách được sắp xếp theo thứ tự thời gian của mùa dịch. Ở những trang nhật ký này, bác sĩ Ngô Đức Hùng khéo léo lồng ghép cảm nghĩ, chia sẻ và nhiều câu chuyện ít được biết tới từ chính tâm dịch. Đó là những câu chuyện chưa từng được lên báo và các phương tiện truyền thông.
Chương hai và chương bốn là những trang nhật ký tương ứng với năm thứ nhất và thứ hai Covid hoành hành. Lật giở những trang đầu của “Năm Covid thứ nhất”, từng sự kiện một như được tái hiện vô cùng sống động. Từ ngày đầu tin tức về dịch nhen nhóm. Đến giai đoạn “Hoảng loạn – Đấu tố – Kỳ thị” diễn ra khắp trên các “mặt trận online”. Từ lần cách ly toàn xã hội đầy hoang mang tới những ngày giãn cách cuối cùng.
Nhật ký Covid – Lăng kính đầy thực tế, thương cảm nhưng không bi lụy
Đội ngũ y bác sĩ đứng tại tâm dịch đã gồng mình. Không chỉ chống dịch “trong” mà còn ổn định tư tưởng “ngoài” cho người dân. “Đừng để người dân trở thành nạn nhân của những tin đồn ác ý cùng nỗi sợ hãi mơ hồ. Không được để ngành y phải đơn độc trong cuộc chiến này.” Chương ba của cuốn sách là một quãng nghỉ có tên “Tháng ngày bình yên”. Với câu chuyện về những ngày giãn cách chờ đợi đợt sóng mới của dịch bệnh. Thảnh thơi khi đã quen dần với nhịp sống mới. Song cũng biết bao xót xa khi nhắc đến những cuộc chia ly.
Bằng giọng kể hài hước châm biếm chính mình, bác sĩ Hùng đã “thổi” vào cuốn sách một tinh thần tích cực và tràn đầy hy vọng trước những khó khăn chồng chất của dịch bệnh. Bên cạnh đó còn có cả những hố sâu dư luận cực đoan của một bộ phận cộng đồng thiếu thông tin, thiếu đồng cảm và cả thiếu hiểu biết. Bằng cái tâm của một bác sĩ, dòng nhật ký của Ngô Đức Hùng là làn gió mát lành giúp độc giả có một cái nhìn đúng đắn về dịch bệnh. Hơn hết là cảm nhận được sâu sắc về tình người giữa thời buổi dịch bệnh rình rập trước cửa từng nhà.
Tiếp Thị Gia Đình