1. Không nên dùng lời khen mang tính “cá nhân hóa”
Bạn nghĩ rằng tán dương tài năng cá nhân của một ai đó sẽ khiến họ vui lòng, tuy nhiên nhiều trường hợp không hẳn vậy. Ví dụ, nếu đối phương là một đầu bếp quán ăn, các món mà người đó nấu thật sự rất ngon và hợp khẩu vị của bạn, bạn muốn bày tỏ lòng khen ngợi thì không nên nói: “Anh quả là một đầu bếp giỏi”. Trong lòng đối phương tuy biết bạn khen tài nấu ăn của mình nhưng trong lòng anh ta cũng biết rõ còn nhiều đầu bếp giỏi hơn, lúc này dễ sinh ra tâm lý ngượng ngùng và không hoàn toàn hài lòng. Ngược lại, bạn có thể nói: “Sau này chắc chắn tôi sẽ rất thường xuyên ghé quán của anh”.
2. Những lời khách sáo cũng phải nói đúng trường hợp
Lời khách sáo thường mang ý bày tỏ lòng cảm kích và sự ngưỡng mộ của bạn, tuy nhiên không phải cứ nói vô tội vạ là đối phương sẽ vui thích. Thông thường, nếu họ nghe được lời khen của bạn gián tiếp từ những người khác chắc chắn sẽ có cảm giác thỏa mãn hơn là nghe trực tiếp từ bạn. Ngược lại, nếu đó là lời mang tính đánh giá, phê bình thì đừng bao giờ truyền qua người thứ ba, nó sẽ phản tác dụng giống như châm dầu vào lửa.
3. Khi được khen, đừng tiết kiệm lời cảm ơn
Đa số con người ta khi được khen ngợi thường tỏ ra ngượng ngùng, đôi lúc còn cố ý tỏ ra khiêm nhường để không bị đánh giá là khoe khoang, có người chỉ cười cười cho qua. Biểu hiện này của bạn có thể khiến đối phương khó xử. Vì vậy, nếu lời khen đúng sự thật và không quá lố thì tốt nhất bạn hãy thẳng thắn tiếp nhận và trực tiếp nói lời cảm ơn. Điều này thể hiện sự thân thiện và tôn trọng mối quan hệ.
4. Phê bình cũng nên xem quan hệ
Lời thật lòng chưa hẳn lúc nào cũng tốt, cho dù bạn có thiện chí góp ý thì đối phương có thể sẽ nghe không lọt tai, còn sinh ra phản cảm, thậm chí hiểu lầm tấm lòng của bạn. Vì vậy, trừ khi bạn và đối phương là chỗ thâm giao hoặc có nền tảng tin tưởng nhau ở mức độ nhất định, còn lại những lời phê bình không nên tùy tiện nói ra, cần xem xét mối quan hệ của cả hai và cân nhắc nói thế nào cho hợp lý.
5. Thời gian cũng rất quan trọng
Khi bạn muốn tìm người tâm sự, giúp đỡ hay muốn góp ý ai đó, tốt nhất đừng chọn thời điểm sáng thứ hai, hầu hết con người ta luôn mắc “hội chứng thứ hai” với tâm trạng u uất, khó chịu.
6. Đưa ra ý kiến xây dựng
Sau khi bạn đưa ra lời phê bình dành cho đối phương, tốt nhất hãy đề xuất thêm những ý kiến cải thiện mang tính tích cực. Điều này giúp đối phương dễ dàng tiếp nhận góp ý của bạn mà vẫn không cảm thấy bị chỉ trích.
Bài: Lê Phương
Tiếp Thị Gia Đình