Ngưng khẩu nghiệp để kịp tránh “nghiệp tụ vành môi”

Cuộc sống không bao giờ thiếu những tình huống khó xử. Nhỡ đâu bối rối, nóng giận mà lỡ lời; thì nguy cơ mắc khẩu nghiệp là rất lớn. Vậy giờ ăn nói thế nào để tránh “nghiệp tụ vành môi” đây?

Cuộc sống không bao giờ thiếu những tình huống khó xử. Nhỡ đâu bối rối, nóng giận mà lỡ lời; thì nguy cơ mắc khẩu nghiệp là rất lớn. Vậy giờ ăn nói thế nào để tránh “nghiệp tụ vành môi” đây?

Khẩu nghiệp hiện là một trong những cụm từ được cư dân mạng sử dụng nhiều bậc nhất. Đây là từ thường dùng để chỉ những người “ác mồm ác miệng”; hoặc không kiểm soát lời nói, dễ buông lời cay đắng trước một cá nhân hay sự việc nào đó. Theo thời gian; khẩu nghiệp lại được cư dân mạng biến tấu thành nghiệp tụ vành môi.

Ông cha ta đã dạy: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Vậy làm sao để nói chuyện “cho vừa lòng nhau”?

Việc gấp, từ từ nói:

Khi bạn gặp chuyện gấp gáp, nếu có thể, hãy bình tĩnh suy nghĩ một chút, sau đó từ từ nói rõ ngọn ngành. Điều đó sẽ khiến người nghe cảm thấy bình tâm, tăng độ tin cậy của lời bạn nói.

Việc nhỏ, nói vui:

Khi muốn nhắc nhở có thiện ý, những câu nói đùa hài hước; sẽ khiến người bị nhắc khéo đỡ ngượng và ít tự ái hơn. Họ không những vui vẻ chấp nhận mà còn có thêm nhiều thiện cảm với bạn.

Việc chưa rõ, hãy nói cẩn thận:

Với những việc bạn chưa biết rõ, nếu không nói, người khác sẽ thấy khó chịu vì nghĩ bạn giấu giếm. Còn khi nói ra, hãy cố diễn đạt cẩn thận và nhắc lại nhiều lần rằng bạn cũng không biết hoặc không chắc chắn để tránh “tai bay vạ gió”.

Việc chưa tới, chớ nói bừa:

Tự phụ và ăn nói hàm hồ chưa bao giờ là cách giao tiếp hay. Muốn người khác hiểu rằng mình là người nghiêm chỉnh, chăm chỉ và có trách nhiệm, tốt nhất là đừng bao giờ phỏng đoán tùy tiện hoặc nói bừa về những chuyện còn chưa xảy ra.

Việc chưa làm, đừng nói trước:

“Nói lời phải giữ lấy lời, đừng như con bướm đậu rồi lại bay”. Chớ thề thốt, hứa hẹn về một việc gì đó mà ngay cả bạn cũng không chắc mình có thể làm được. Sự thất hứa chưa bao giờ mang lại cảm giác dễ chịu cho ai cả.

Lời tổn thương, đừng nói:

Vui thôi đừng vui quá. Thân mấy thì thân, đừng tùy tiện dùng lời nói để làm tổn thương người khác. Cây đinh đóng cột, gỡ ra vẫn còn dấu, huống chi là lời nói sát thương. Người thiện lương, tương ái sẽ không bao giờ “xát muối” vào những khuyết điểm và mặc cảm của người khác.

Việc đau lòng, đừng gặp ai cũng nói:

Khi gặp chuyện đau buồn, tâm sự với ai đó sẽ giúp bạn thêm nhẹ lòng và thanh thản hơn.

Song, điều đó không có nghĩa bạn thổ lộ với nhiều người thì nỗi buồn sẽ sớm bị triệt tiêu. Nếu cứ gặp ai bạn cũng làm mặt rầu nói chuyện sầu, người nghe sẽ phải chịu cảm giác nặng nề, khó xử, dễ sinh nghi ngờ và muốn tránh xa bạn.

Việc của người khác, tránh nói bậy:

Giữa người với người luôn cần một khoảng cách an toàn. Với chị em, buôn chuyện là một cám dỗ. Chớ dại mà đi bình luận hay soi mói chuyện của người khác, nhất là đồng nghiệp hay bạn bè. Một khi bạn đã nói với người này về một người khác, sẽ chẳng ai có thể tin tưởng rằng bạn sẽ không nói về họ với nhiều người khác nữa. 

Việc của bản thân, nghe người khác nói:

Hãy lắng nghe đối phương khi họ nói về bạn, dù là góp ý trực tiếp hay nghe qua người khác. Điều đó giúp bạn hiểu được cảm nhận của người khác, giúp bạn tránh và chữa được những hiểu lầm. Biết lắng nghe và tiếp thu cũng là biểu hiện của người hành xử thấu tình đạt lý.

Việc con cái, nói rõ ràng:

Khi con bạn ở độ tuổi thanh thiếu niên, chúng rất nhạy cảm và dễ bị kích động.Hãy dùng thái độ ôn hòa, kiên định để nói với chúng một cách rõ ràng. Điều đó giúp con cái gần gũi với cha mẹ hơn. Con sẽ xem bạn như tri kỷ, đồng thời cũng có tác dụng thuyết phục tốt.

NGƯNG KHẨU NGHIỆP, DỪNG ĐI CÒN KỊP!

Theo triết lý Phật giáo, khẩu nghiệp là nghiệp do lời nói gây ra. Bất cứ những gì ta nói ra đều có tác động lợi hoặc hại, tốt hoặc xấu, xảy ra ngay tức thì hoặc để lại hậu quả sau này. Cũng vì thế mà trong 10 nghiệp ác của con người, đã có đến 4 cái là từ miệng mà ra. Đó là chuyện không nói có, chuyện có nói không, nói lời hung ác, nói lời đôi chiều và nói lời thêu dệt.

Trên mạng xã hội hiện nay, ai cũng có thể hùa theo chửi rủa, phán xét người khác một cách tàn nhẫn, không suy nghĩ, thiếu bao dung. Xuất phát từ thực trạng đó, khái niệm khẩu nghiệp và cụm từ “nghiệp tụ vành môi” từ một lời nhắc nhở hướng thiện nghiêm túc, dần phổ biến và trở thành các từ lóng mới trên mạng xã hội. Các cụm từ này mang hàm nghĩa chê bai, cảnh tỉnh sự “ác mồm ác miệng” của ai đó, nhưng với tinh thần mỉa mai, châm biếm một cách hài hước.

Đừng bỏ qua