Lửa là một trong những nguyên tố chính cấu tạo nên vật chất, cùng với đất, nước và không khí. Nó mở đường cho loài người tiến hóa thành người hiện đại ngày nay. Các nhà khoa học cho rằng, nếu không biết dùng lửa, con người đã không thể có bộ não phát triển như bây giờ. Ở phần trước, chúng ta đã tìm hiểu về nguồn gốc và bản chất của ngọn lửa. Ở phần này, hãy cùng TTGĐ tìm hiểu những điều thú vị khác về ngọn lửa như “vùng đất lửa” Azerbaijan và ý nghĩa của ngọn lửa trong thần thoại Hy Lạp.
Người Hy Lạp cổ đại tôn sùng lửa và quyền lực
Họ là những người đầu tiên biết cách tạo ra lửa từ ánh sáng mặt trời. Khi bắt đầu thế vận hội Olympic, họ đốt cháy một cái vạc lửa trên bàn thờ của nữ thần Hera ở Olympia. Ngọn lửa bùng lên khi những tia nắng mặt trời hội tụ trong một chiếc gương cầu lõm. Ngày nay, chiếc gương có hình parabol hút bức xạ mặt trời vẫn được sử dụng để đốt cháy ngọn đuốc Olympic.
“Vùng đất lửa” Azerbaijan
Đất nước Azerbaijan được gọi là “vùng đất lửa”. Bởi đất nước nằm bên bờ biển Caspi đẹp như tranh vẽ này được lấp đầy bởi những nguồn khí ga ngầm dưới lòng đất. Ở một số nơi, chỉ cần có một tia lửa nào đó cũng có thể đốt cháy khí phía dưới cho đến lúc chúng cạn kiệt hoàn toàn.
Một trong những địa điểm nổi tiếng ở Azerbaijan là núi lửa Yanar Dag. Hàng nghìn năm nay, Yanar Dag bốc cháy bất kể mưa tuyết. Yanar Dag là một ngọn núi có khí ga liên tục phun ra từ mặt đất. Có giả thuyết cho rằng, một người chăn cừu đã vô tình thắp lên ngọn lửa ở đây vào khoảng năm 1950.
Ngọn lửa trong thần thoại Hy Lạp
Ngọn lửa gắn với ý nghĩa tái sinh. Trong thần thoại Hy Lạp, vị thần Prometheus vì thương loài người cực khổ, sống trong bóng tối và đói rét nên đã trộm lửa từ thần Zeus. Loài người gọi Prometheus là thần lửa. Đó là lý do vì sao những việc vĩ đại, mang tính khởi đầu thường gắn với từ “Prometheus”, chẳng hạn như “thời đại Prometheus”, “tinh thần Prometheus”.
Hoả Diệm Sơn có thật
Hỏa Diệm Sơn là một địa điểm có thật ngoài đời. Vùng đất này thuộc Turpan (Thổ Lỗ Phồn), Tân Cương. Đây vốn là một vùng đồi sa thạch màu đỏ thuộc dãy Thiên Sơn, nằm gần rìa phía Bắc của sa mạc Taklamakan. Nhiệt độ nơi này thường nằm trong khoảng từ 50°C – 80°C; khiến nó trở thành khu vực nóng nhất Trung Quốc.
Hiện tượng đốt cháy tự phát
Đốt cháy tự phát – hiện tượng tự bốc cháy là một sự đốt khởi phát bằng việc tự tăng nhiệt độ do các phản ứng sinh nhiệt. Nhiệt độ tăng cao đến ngưỡng gây cháy sẽ dẫn đến việc tự bốc cháy. Lịch sử đã ghi nhận rất nhiều sự kiện con người tự bốc cháy. Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác của hiện tượng bí ẩn này.
Tiếp Thị Gia Đình