Làng bích họa ở Quảng Nam, đó là một ngôi làng đã thay da đổi thịt.
Quê cha tôi ở Quảng Nam. Dù không sống ở đây nhưng mỗi năm tôi vẫn thích quay về chốn này. Trước là tôi muốn thăm bà con, sau là để nhìn ngắm cuộc sống, đặc biệt là khi hay tin làng Tam Thanh đã “thay áo” mới vào tháng Bảy vừa qua!
Làng bích họa ở Quảng Nam, ngôi làng độc đáo này nằm ở thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam vốn đơn sơ nằm ven biển. Người dân sống bằng nghề đánh bắt cá. Khoảng tháng 6–2016, chính quyền địa phương đã phối hợp với đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và một số tổ chức phi chính phủ khánh thành dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng Hàn – Việt ở đây.
Lấy hình mẫu từ những làng bích họa nổi tiếng tại Hàn Quốc, dự án kỳ vọng sẽ giúp người dân thúc đẩy phát triển du lịch, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Sau hơn 20 ngày thi công cật lực, hơn 100 ngôi nhà như thay da đổi thịt với phong phú những bức tranh về phong cảnh thiên nhiên, đời sống sinh hoạt, văn hóa của người dân làng biển và nhân vật hoạt hình vui nhộn cho trẻ em vẽ lên các vách tường, tạo một ấn tượng rất sống động.
Bạn nào thích chụp ảnh có thể tha hồ “diễn sâu” ở mọi góc phố. Bạn nào thích lăn tăn dưới sóng biển thì chạy ào ra bãi biển. Khi tôi đến nơi, dù là ngày thường, nhưng vẫn có nhiều du khách tìm đến. Người dân đã bắt đầu làm quen với dịch vụ du lịch qua việc giữ xe máy, bán nước uống, thức ăn, đồ lưu niệm. Bản tính chất phác của người Quảng Nam cùng giọng nói vùng miền sẽ khiến bạn thêm yêu mến nơi đây. Hãy cứ đi dạo quanh, chào hỏi và bắt chuyện với bất kỳ ai, bạn sẽ tìm thấy sự thú vị!
Bạn nên đến làng bích họa ở Quảng Nam vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều để tránh cái nắng gắt “thương hiệu” của miền Trung.
♦ Quãng đường từ Đà Nẵng đến làng bích họa khoảng 60km theo hướng quốc lộ 1A. Bạn có thể sử dụng xe máy đi về trong ngày.
♦ Xã Tam Thanh cách TP. Tam Kỳ (Quảng Nam) khoảng 7km. Nếu có thời gian, bạn nên lên lịch trình ghé thăm thành phố này.
♦ Đừng bỏ qua cơ hội tham quan tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng lớn nhất Đông Nam Á ở khu vực núi Cấm, xã Tam Phú, Tam Kỳ.
BÀI: TRUNG VÕ. ẢNH: PHẠM QUANG TUÂN
Tiếp Thị Gia Đình