Thủy điện: Lợi thì lợi nhưng hại vẫn hại

Ở nước ta, thủy điện chiếm một tỷ trọng cao trong cơ cấu sản xuất điện. Ai cũng thấy rõ những lợi ích mà thủy điện mang lại cho sinh hoạt và phát triển kinh tế. Thế nhưng, chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước những hậu quả mà nó gây ra cho môi trường

Ảnh: Shutterstock

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm và mưa nhiều. Địa hình dốc với sông ngòi chằng chịt và lưu lượng nước lớn. Chính hai yếu tố đó đã tạo nên nguồn tài nguyên thủy năng tương đối lớn. Theo Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN), nhiều nghiên cứu đánh giá cho biết; Việt Nam có thể khai thác được nguồn công suất thủy điện vào khoảng 25.000 – 26.000 MW. Nó tương ứng với khoảng 90 – 100 tỷ kWh điện năng. Thế nhưng, trên thực tế, tiềm năng về công suất ngành thủy điện có thể lên đến 110 tỷ kWh trong tương lai.

Lịch sử ngành thủy điện Việt Nam

Trước năm 1954, người Pháp đã cho xây các công trình thủy điện nhằm phục vụ khai thác thuộc địa. Các công trình thủy điện giai đoạn này được lựa chọn tại các vị trí thuận lợi; có thể xây dựng nhanh với chi phí thấp. Các nhà máy gần như chưa được quy hoạch tổng thể.

Những năm đầu của giai đoạn 1954 – 1975, các chuyên gia Liên Xô và Trung Quốc đã tiến hành đánh giá tiềm năng thủy điện cho lưu vực sông Hồng. Ngày 19/8/1964 là cột mốc đáng nhớ. Công trình thủy điện có quy mô lớn đầu tiên được khởi công xây dựng. Đó là nhà máy thủy điện Thác Bà trên sông Chảy với công suất ban đầu 108 MW. Tại miền Nam, năm 1961, người Nhật tài trợ theo chương trình đền bù chiến phí của Chiến tranh thế giới thứ hai. Số tiền xây dựng dự án Thủy điện Đa Nhim, công suất 160 MW.

Giai đoạn 1975 – 1994, với sự giúp đỡ lớn lao từ Liên Xô, Việt Nam đã xây dựng thành công thủy điện Hòa Bình (1.920 MW) ở miền Bắc; và thủy điện Trị An (400 MW) ở miền Nam. Cũng trong giai đoạn này, tại miền Trung, một số thủy điện nhỏ và vừa cũng bắt đầu được khảo sát và bắt tay thực hiện; gồm thủy điện Đrây H’linh, thủy điện Vĩnh Sơn…

Giai đoạn 1995 – 2005 là đỉnh cao trong sự nghiệp phát triển thủy điện. Hàng loạt công trình lớn được xây dựng và đưa vào vận hành; như thủy điện Ialy, thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi, thủy điện Sê San 3, thủy điện Tuyên Quang…

Từ 2006 đến nay, những dự án thủy điện lớn nhất được xây dựng và hoàn thành. Điển hình là thủy điện Sơn La (2400 MW), thủy điện Lai Châu (1200 MW); và thủy điện Huội Quảng (560 MW). Tháng 10/2020, thủy điện Hòa Bình sẽ khởi công dự án mở rộng với tổng mức đầu tư 9.221 tỷ đồng.

Mục tiêu xây dựng của dự án này nhằm tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia; tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện.

Những tác hại môi trường mà thủy điện gây ra

Bên cạnh các lợi ích về năng lượng phục vụ sinh hoạt và sản xuất của con người, nhà máy thủy điện có nhiều tác động tiêu cực vô cùng lớn đến môi trường, khí hậu và sinh vật nói chung. Phạm vi ảnh hưởng không chỉ riêng khu vực xung quanh nhà máy, mà còn cả dòng chảy ở khu vực hạ lưu. Những tác động tiêu cực của ngành thủy điện không chỉ ảnh hưởng ở hiện tại, mà thậm chí kéo dài đến tương lai.

1. Đối với môi trường

Trước khi xây dựng nhà máy thủy điện, các khu vực như rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh và rừng phòng hộ thường bị phá hủy, đào xới. Theo các chuyên gia, để tạo 1MW công suất thủy điện, phải mất đi từ 10 – 30 ha rừng. Để có 1.000 ha hồ chứa nước cũng cần san phẳng, giải phóng từ 1.000 – 2.000 ha đất ở phía thượng nguồn.

Tác hại trước mắt có thể thấy ngay là lũ lụt xuất hiện thường xuyên và bất ngờ. Chưa dừng lại ở đó, lũ lụt diễn ra nghiêm trọng hơn mỗi khi vào mùa mưa bão. Nguyên do là các nhà máy ngành thủy điện liên tục xả nước để tránh vỡ đập.

Việc xây dựng đập ngăn, hồ chứa và hệ thống kênh dẫn đã thay đổi dòng chảy của nước. Đồng thời các tua-bin trong nhà máy thủy điện đã giữ lại một lượng lớn phù sa; khiến cho dòng sông ở hạ nguồn không được bồi đắp. Đây cũng là nguyên nhân gây nên xói lở bờ sông. Các vùng trồng trọt ở hạ lưu không được cung cấp phù sa khiến cho chất đất bị suy thoái. Nó góp phần làm ô nhiễm đất canh tác nông nghiệp.

2. Đối với khí hậu

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu từ Đại học Bang Washington đăng trên tờ The Guardian (Anh); các con đập ngành thủy điện trong quá trình vận hành phát tán ra lượng khí metan lớn. Các hồ chứa thường có thiết kế rộng và rất sâu. Các loại lá cây, cành khô, thủy sinh vật bị giữ ở đập thủy điện. Tất cả sẽ trở thành “món ngon” cho các loại vi khuẩn. Xác phân hủy sản sinh khí CO2 và metan. Lượng khí này sẽ nhanh chóng phát tán vào không khí; gây ra ô nhiễm và hiệu ứng nhà kính.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu Bridge Deemer, dù khí metan không lan tỏa trong bầu khí quyển như CO2; nó lại có tác động tiêu cực hơn nhiều. “Trong vòng 20 năm qua, khí metan đã góp phần thúc đẩy hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng dần lên. Tỷ lệ gần gấp ba lần so với khí CO2”. Như vậy, nếu con người tiếp tục tăng số lượng nhà máy ngành thủy điện trong thời gian tới; con số này sẽ còn tăng lên một cách khủng khiếp.

3. Đối với sinh vật

Phù sa bị giữ lại ở các con đập khiến các thủy sinh vật phía sau dòng chảy không được cung cấp thức ăn mới. Từ đó làm giảm đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, việc thay đổi dòng chảy, bơm áp lực nước đã khiến không ít con sông cạn kiệt nước. Hệ sinh thái bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến kiệt quệ. Môi trường tự nhiên cũng bị thay đổi.

Tại Việt Nam đã có một số thủy điện đổi dòng. Đơn cử như thủy điện An Khê – Kanak đổi dòng sông Ba gây khô hạn cho vùng hạ lưu. Sông Ba Hạ sau đập thủy điện Sông Ba Hạ trở thành đoạn sông chết dài 8km. Dòng sông chết sau hồ Đồng Nai 3 cũng dài 4km. Hồ thủy điện Nậm Chiến cũng khiến đoạn sông dài hơn 16km trở nên khô cạn.

Theo các nhà sinh học, khoảng 20% loài sinh vật nước ngọt trên bờ vực tuyệt chủng do tác động của những con đập ngăn các dòng sông.

4. Đối với đời sống con người

Nếu như mùa mưa lũ, các đập thủy điện xả nước gây ngập lụt nghiêm trọng thì ở mùa khô cạn, các hồ chứa lại tăng cường việc tích trữ nước. Kết quả, lượng nước xả xuống hạ lưu không đáng kể. Thậm chí là ngừng hoàn toàn dòng chảy. Việc này gây bất lợi đến cung cấp nước cho các mục đích sử dụng khác ở hạ lưu; như cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu, giao thông, nuôi trồng…

Ngoài nguồn lợi thủy sản bị giảm, nông nghiệp dọc sông cũng ảnh hưởng nặng nề. Nguồn nước cho sinh hoạt cũng kém an toàn do nước ở đập thủy điện rất ô nhiễm. Chưa hết, ở các cửa sông, hiện tượng xâm nhập mặn tăng lên.

Giải pháp năng lượng thay thế cho ngành thủy điện?

Tổ chức Sông ngòi quốc tế (International Rivers) đã cảnh báo; hàng loạt đập chứa ngành thủy điện trên sông Mekong tại các quốc gia Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Campuchia đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân ở hạ nguồn Việt Nam. Thực tế “đau thương” chính chúng ta cũng đã chứng kiến tận mắt ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đó là hạn hán, nhiễm mặn, tài nguyên thủy sản kiệt quệ. Giữa tháng 2/2020, miền Tây xuất hiện tình trạng hạn mặn nghiêm trọng. Tỉnh Cà Mau ghi nhận hơn 16.000 ha lúa bị thiệt hại 30–70%.

Trong bối cảnh nguồn năng lượng truyền thống như điện than, thủy điện đã khai thác hết tiềm năng; việc tập trung phát triển năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió, điện khí hóa lỏng) là yêu cầu cấp bách. Theo ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn EVN, nhà nước đã có hàng loạt các chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời với tổng công suất 5.000MW; điện gió có công suất gần 1.000MW. Dự kiến 1–2 năm tới, hàng nghìn MW điện từ năng lượng sạch sẽ được đưa vào vận hành.

Khi đã biết ngành thủy điện luôn đi kèm với hệ quả ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, chúng ta hãy tiết kiệm điện. Lãng phí điện dẫn đến thiếu hụt khi sử dụng cho những công việc cần thiết khác; không chỉ tốn thêm chi phí mà còn ảnh hưởng tới môi trường sống của nhân loại và động thực vật trên trái đất.

Ảnh: Shutterstock

Nhà máy thủy điện hoạt động như thế nào?

Nguyên lý hoạt động của một nhà máy thủy điện gồm có 4 giai đoạn chính. Đó là:

1. Dòng nước từ hồ chứa chảy qua cổng kiểm soát, đổ xuống bên trong nhà máy.

2. Nước chảy mạnh làm quay tua bin của máy phát điện và tạo ra điện.

3. Máy biến áp sẽ tạo ra dòng điện cao thế.

4. Dòng điện cao thế sẽ được truyền qua đường dây cao áp dẫn về các thành phố.

Bài: A.V
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua