“Nằm lòng” các bước sơ cứu cơ bản

Hãy cùng tìm hiểu và "nằm lòng" các kỹ năng sơ cứu sau đây để ứng phó và xử trí kịp lúc khi sự cố ập đến bạn nhé!

sơ cứu

Ảnh: Shutterstock

Mỗi người trong chúng ta đều nên biết rõ một vài kiến thức sơ cứu cơ bản để ứng phó kịp thời trước những tai nạn bất ngờ trong cuộc sống như đuối nước, bỏng, hóc dị vật…

Hô hấp nhân tạo

Hô hấp nhân tạo là phương pháp được sử dụng trong những trường hợp nạn nhân đã ngừng thở nhưng vẫn còn mạch đập. Nếu sơ cứu đúng cách, hô hấp nhân tạo sẽ rất hiệu quả trong việc đưa không khí vào phổi của nạn nhân. Trước khi tiến hành, bạn cần đặt nạn nhân nằm ngửa và nới lỏng áo ở khu vực cổ. Sau đó, mở miệng nạn nhân để kiểm tra xem có vật cản nào làm tắt nghẽn đường thở hay không.

Nếu có, bạn dùng tay lấy chúng ra ngoài. Tiếp đến, một tay bịt mũi nạn nhân và tay kia kéo hàm xuống dưới để miệng hở ra. Ngậm chặt miệng nạn nhân và thổi 2 hơi liên tục trong 4 lần cho đến khi nạn nhân có dấu hiệu thở hoặc có sự hỗ trợ y tế.

Xử lý vết bỏng

Trước khi sơ cứu cho người bị bỏng, bạn cần nắm rõ 3 cấp độ bỏng. Cấp độ 1 sẽ ửng đỏ nhẹ và tự khỏi sau vài ngày. Cấp độ 2 sẽ xuất hiện vết phồng nước. Còn những vết bỏng làm tổn thương toàn bộ lớp da sẽ ở cấp độ 3. Khi sơ cứu vết bỏng cấp độ 2 và 3, hãy để vết thương dưới vòi nước chảy từ 20 – 30 phút để làm dịu và hạn chế tổn thương.

Tuyệt đối không chọc vỡ vết phồng nước hay làm dịu vết bỏng bằng nước lạnh, đá viên hoặc thoa kem đánh răng vì dễ làm vết thương bị nhiễm trùng. Nếu vết bỏng ở cấp độ 3, bệnh nhân cần được đưa ngay tới các cơ sở y tế gần nhất.

Hóc dị vật đường thở

Người bị hóc dị vật sẽ có các biểu hiện như không nói được, không thở được, môi và móng tay tím tái dần. Vì vậy, họ cần được sơ cấp cứu ngay lập tức. Bởi dị vật trong cổ họng có thể làm tắt nghẽn đường thở. Khi gặp trường hợp này, bạn hãy áp dụng ngay nguyên tắc 5 – 5 của hội Chữ thập đỏ.

Đầu tiên, dùng tay vỗ mạnh vào lưng nạn nhân 5 lần tại vị trí giữa 2 bả vai. Nếu vẫn chưa hết nghẹn, hãy đứng sau lưng nạn nhân và vòng 2 cánh tay qua eo họ. Chú ý để người nạn nhân hơi ngả về phía trước. Sau đó, nắm 1 bàn tay lại thành nắm đấm rồi đặt ở vị trí dưới lồng ngực và trên rốn nạn nhân. Tay còn lại bao quanh nắm đấm và cố nhấc nạn nhân theo hướng đi lên khoảng 5 lần.

Xử lý vết thương chảy máu

Với những vết thương chảy máu nhiều sẽ cần có kỹ năng sơ cấp cứu để tránh tình trạng mất máu. Nếu không làm đúng cách, nhịp tim của nạn nhân có thể yếu dần và mất đi ý thức.

Trước tiên, bạn cần dùng khăn giấy hoặc miếng vải sạch ép lên vết thương khoảng 3 phút. Tránh không được đắp các vật lạ lên để cầm máu vì sẽ khiến vết thương dễ nhiễm trùng. Sau 3 phút, bạn dùng nước rửa sạch vết thương rồi lau nhẹ và băng bó lại trước khi đưa người bệnh đi cấp cứu.

Vết thương có dị vật

Với trường hợp này, bạn tuyệt đối không được rút di vật ra. Thay vào đó, bạn nên bịt kín vết thương bằng cách ép mép vết thương sát với dị vật. Sau đó, dùng miếng vải sạch quấn lại thành vòng đệm. Chú ý không gây áp lực lên vùng da này.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua