Na Uy chống rác thải nhựa bằng hệ thống “đặt cọc”
Na Uy đã chống rác thải nhựa bằng cách tạo ra một hệ thống để tái chế. Theo đó, hệ thống này đã giúp Na Uy đạt tỷ lệ tái chế chai nhựa lên tới 97%. Chỉ có 1% lọt ra môi trường. Hệ thống này vận hành như một cách “đặt cọc”. Theo đó, khi mua đồ uống đóng chai nhựa, khách hàng sẽ phải trả thêm một chút tiền để đặt cọc. Khoản tiền này sẽ được trả lại khi họ trả vỏ chai.
Hệ thống này được áp dụng đồng bộ và rộng rãi trên khắp cả nước. Nó phổ biến tới mức, đất nước này đã tạo ra một động từ riêng để mô tả khái niệm trả lại vỏ chai: pante.
Trong năm 2019, tại Na Uy ghi nhận hơn 1,1 tỷ chai nhựa và vỏ lon được trả lại tại các điểm tập kết tại siêu thị, trạm xăng và các cửa hàng nhỏ. Sau khi được thu gom, vỏ chai và vỏ lon sẽ được xe tải chuyển đến trung tâm xử lý rác thải Infitium ở Fetsund. Tại đây, chúng sẽ được phân loại, nén và ép lại thành từng khối vuông Rubik nhiều màu sắc và chờ được tái sử dụng.
Không chỉ vậy, 92% chai nhựa sản xuất tại đất nước này đều được làm từ vật liệu chất lượng cao. Do đó, chúng có thể tiếp tục được dùng để sản xuất chai uống nước. Cùng một khối lượng nguyên liệu, người Na Uy có thể tái sử dụng đến hơn 50 lần.
Hình mẫu để các quốc gia khác học theo
Cách Na Uy chống rác thải nhựa được xem là hình mẫu để các nước khác học theo. Đất nước này đi trước 10 năm so với các thành viên khác của Liên minh châu ÂU (EU). Bởi mục tiêu chung của EU là giảm ít nhất 90% rác thải nhựa vào năm 2029.
Tổ chức môi trường Zero Waste Europe đánh giá hệ thống “đặt cọc” của Na Uy là giải pháp duy nhất để EU có thể hoàn thành mục tiêu về giảm rác thải nhựa. Tuy nhiên, tổ chức này mong muốn các nước sẽ mở rộng thêm nhiều giải pháp khác. Đồng thời, họ cũng mong muốn mở rộng hệ thống với các loại bao bì nhựa đóng gói.
Litva cũng đã học theo cách Na Uy chống rác thải nhựa. Trong năm 2019, tỷ lệ hoàn trả rác thải nhựa ở nước này đã tăng từ 34% lên 92% vào cuối năm qua.
Tiếp Thị Gia Đình
Theo: phys.org