Bộ phim Mắt biếc tung hình ảnh đầu tiên đến công chúng; trường Đại học sư phạm Huế một lần nữa gây thương nhớ với khán giả. Và trục đường nơi trường Đại học Sư phạm Huế toạ lạc; từ lâu đã trở thành địa điểm thu hút, nhiều kỷ niệm với bao thế hệ du khách và học trò xứ huế.
Đối diện trường Đại học Sư phạm Huế là Bến thuyền Toà Khâm. Ở đây có hàng trăm thuyền rồng họa tiết bắt mắt; thiết kế tinh xảo cùng nét vẻ điêu luyện của nghệ nhân luôn thu hút du khách chụp hình lưu lại nhiều kỉ niệm.
Cũng trên cung đường này, xa một quãng đường chưa đầy 500 mét; tính từ bến thuyền Toà Khâm là cầu Trường Tiền. Bước qua bom đạn, trải qua đôi lần tu sửa; cây cầu trở nên huyễn hoặc; hấp dẫn du khách khi thành phố lên đèn. Với hệ thống chiếu sáng hấp dẫn đến từ Pháp; cầu Trường Tiền trở thành duy nhất trên bước đường tham quan Huế. 100 năm đi qua, cây cầu duyên dáng chứng kiến mọi thăng trầm biến cố lịch sử cùng vô vàn vết sẹo thời gian vẫn một biểu tượng đẹp lãng mạn của mảnh đất cố đô.
Hình ảnh những nhịp cầu cong cong soi bóng xuống dòng sông Hương thơ mộng cùng những con thuyền; những tán hoa phượng đỏ và tà áo dài tung bay sẽ mãi là ký ức đẹp đẽ trong lòng xứ Huế. Đặc biệt là vẻ đẹp cổ kính, mang nhiều hoài niệm tuổi thanh xuân của hai ngôi trường trung học Hai Bà Trưng; Quốc Học Huế cũng trên cung đường Lê Lợi.
Gần như tất cả các ngày trong tuần, cổng hai ngôi trường này luôn có mặt nhiều tốp du khách, cựu học sinh Huế hẹn nhau gặp lại để chụp hình lưu niệm.
Những tà áo dài một lần nữa được bắt gặp; gợi lại nhiều kí ức tươi đẹp của thời xanh xuân duy nhất, cho những ai từng học dưới mái trường này. “Tìm về những ngày tháng cũ, còn gì vui hơn khi bạn bè vẫn còn đó bỏ lại muộn phiền hiện tại phía sau”, cựu nữ sinh Quốc Học Huế Thái Thu chia sẻ; khi lớp 12A của cô hẹn nhau trở về trường cũ. Những tà áo dài tím, những cái bắt tay rạng rỡ như giấc mơ gọi thanh xuân quay về.
Quốc Học Huế mang vẻ đẹp độc đáo của ngôi trường với sắc tường sơn đỏ hồng rực rỡ. Khuôn viên trường rất rộng và thích hợp cho những ai thích đi dạo; nhìn ngắm từng ngóc ngách của trường. Giữa những tán cây và bãi cỏ xanh mướt là những khối nhà với màu sơn đỏ hồng; hai hàng cây hoa điệp anh đào được trồng song song với hai dãy phòng học chính của trường nhìn vừa cổ kính nhưng vẫn có chút gì đó nhẹ nhàng.
Nhắc đến Huế, du khách còn rỉ tai nhau ghé thăm Đại Nội; nơi cựu hoàng Bảo Đại sinh sống để hiểu thêm về những giá trị văn hoá riêng biệt, rất Huế. Thế nhưng, trong mắt khách du lịch lẫn nhiều thế hệ học sinh Huế, thì bức tường “huyền thoại” nằm bên hông đại nội trở thành điểm check in không thể bỏ qua. Màu rêu cũ mang bao hoài niệm, thảm cỏ đầy nắng được bao bọc phía trước là hàng hoa xứ nhiều năm tuổi khoe vẻ đẹp cổ kính bên mặt hồ rêu xanh càng khiến cho bức tường thành thêm rực rỡ.
Bức tường “huyền thoại” tọa lạc ở cổng Hiển Nhơn. Khách đến đây theo trục đường Đoàn Thị Điểm, đến ngã ba với đường Đinh Công Tráng; bạn sẽ thấy đầy ắp khách du lịch cùng các nhóm thanh niên học sinh Huế tại nơi đây. Bức tường rêu xanh gợi nhớ những tháng năm xưa cũ; hàng hoa dại tím mọc sát bờ tường tô vẻ thêm cho nét đẹp cổ kính ấy. Chị Kim Anh hào hứng chia sẻ: “Chỉ cần đứng đấy, không làm gì cả cũng dễ dàng sở hữu nhiều bức hình thú vị”.
Ở Hoàng thành Huế, nếu cửa Ngọ Môn gây choáng ngợp bởi quy mô bề thế; thì cửa Hiển Nhơn lại lôi cuốn du khách bởi vẻ đẹp tinh tế. Trước cửa Hiển Nhơn vẫn còn cặp nghê đá rất đẹp; phía trên cổng là nghệ thuật trang trí mảnh sành sứ tinh xảo. Về mặt lịch sử, cửa Hiển Nhơn là dấu ấn đặc sắc mà vua Khải Định đã để lại cho Cố đô Huế. Với người yêu thích chụp ảnh lẫn khách du lịch; chính những họa tiết nổi tinh tế bằng sành sứ trở thành thiết bị đánh sáng ấn tượng.
Và Huế, còn rất nhiều điểm đến thú vị khác để tìm về giữ lại cho riêng mình những hoài niệm đẹp xưa cũ, giữa bộn bề tất bật đời sống công nghệ. Đó cũng là cảm nhận thú vị của du khách, những người Huế xa quê hương khi có dịp trở lại nơi này.
Đinh Quý Anh